Tuesday, November 29, 2022

Tin Tức, Thứ Ba 29.11.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.

1/ BẠO QUYỀN VN GIỮ IM LẶNG VỀ VIỆC TRẢ TỰ DO CHO TRẦN HUỲNH DUY THỨC

Bất chấp các sự phản đối của quốc tế, bạo quyền VN trong nhiều năm qua đã giữ im lặng trước yêu cầu trả tự do cho tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức. Lá đơn ghi ngày 4/11 vừa qua của ông Thức, gửi đến các cơ quan chức trách, vẫn không nhận được bất cứ hồi âm nào.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một kỹ sư kiêm doanh gia thành công của VN. Ông bị bắt giam vào năm 2009 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chế độ CSVN”. Trong phiên tòa vào năm 2010, ông bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế. Tuy nhiên theo bộ luật hình sự năm 2015 thì ông Thức chỉ phải chịu mức án 5 năm tù nếu bị kết tội là “chuẩn bị” phạm tội danh nói trên.

Kề từ năm 2018, tức sau khi bộ luật này ban hành, ông Thức và gia đình đã gửi đơn tới nhiều cấp để yêu cầu họ tôn trọng luật pháp và trả tự do cho ông. Tuy nhiên cho đến nay, giàn lãnh đạo VN đều không phản hồi các đơn này.

Mới đây nhất, vào ngày 4/11,ông Trần Văn Huỳnh, cha ông Thức, đã gửi đơn tới chủ tịch nước với đề nghị miễn hình phạt còn lại. Gia đình ông viết đơn đề nghị sau khi tham khảo ý kiến của các luật sư gia đình, trong đó có luật sư Lê Công Định và luật sư Ngô Ngọc Trai.

2/ TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VN THUA LỖ GẦN 1 TỶ RƯỞI MỸ KIM

Là một tập đoàn quốc doanh, nhưng tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã thua lỗ hơn 31 ngàn tỷ đồng trong năm 2022. Đại diện tập đoàn này đổ thừa cho việc thua lỗ là do giá nhiên liệu tăng quá cao.

Tuy nhiên những khó khăn tài chánh nói trên là do không cân đối được nguồn tiền để trả cho chi phí mua điện, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy điện. Bên cạnh đó, nguồn chi phí sửa chữa và bảo trì quá lớn khiến tập đoàn EVN đã phải cắt giảm gần 30% chi phí, gây ảnh hưởng lớn đến mức an toàn của hệ thống cung ứng điện lực.

Nguyên nhân cuối cùng mà đại diện EVN mới đây nêu ra là do việc huy động  tài chánh nhằm cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo trì các công trình điện để bảo đảm cung ứng điện đang gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, điện lực cũng như các ngành nghề khác tại Việt Nam, điều bị thao túng bởi những lãnh đạo, quan chức tham nhũng và đây mới là nguyên nhân chính của việc kinh doanh thua lỗ. Thêm vào đó là sự yếu kém trong điều hành, dùng ngân sách để đầu tư vào bất động sản, vào các dự án kinh tế khác để trục lợi bất chính thay vì chỉ tập trung vào phát triển điện lực, cũng là những lý do dẫn đến sự thua lỗ. Nghịch lý là khi nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thành phần phải gánh nợ và chịu trách nhiệm chính là người dân.

3/ TRUNG CỘNG KHẲNG ĐỊNH TIẾP TỤC CHÍNH SÁCH Y TẾ KHẮC NGHIỆT

Sau hai ngày nổ ra làn sóng chống đối chính sách “Zero-Covid” ở nhiều thành phố như Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán, Thượng Hải và Hồng Kông, vào hôm qua bạo quyền đã bắt giam hàng loạt người và tìm cách xóa bỏ vết tích về các cuộc xuống đường.

Bạo quyền Trung Cộng một lần nữa khẳng định quyết tâm áp dụng chính sách chống dịch triệt để cho đến khi thành công. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên vào hôm qua nhấn mạnh là “dưới sự dẫn dắt của đảng và sự đồng lòng của nhân dân Trung Cộng, cuộc chiến chống Covid sẽ là một thắng lợi”.

Họ Triệu đồng thời lên án một một số người đã cố tình gắn liền vụ hỏa hoạn tại một chung cư ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, vào cuối tuần qua với chính sách chống dịch của Trung Cộng. Cần biết là vụ hỏa hoạn vào hôm 26/11 làm 10 người chết là điểm khởi đầu làm rộ lên làn sóng phản đối chính sách y tế nghiêm ngặt mà Trung Cộng liên tục áp dụng từ 3 năm qua.

Tại Thượng Hải, các cuộc xuống đường diễn ra suốt đêm qua. Cuộc biểu tình bắt đầu khi một vài người tụ tập trên đường Urumqi ở trung tâm thành phố. Ngay sau đó, đông đảo thanh niên thiếu nữ đã kéo đến với những khẩu hiệu mang màu sắc chính trị, hát quốc ca và kêu gọi vùng lên “những ai không muốn làm nô lệ”.

Nhưng khi họ hét to đòi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức thì đám đông đã hô vang khẩu hiệu này. Cảnh sát Thượng Hải từ chối xác nhận về số người bị câu lưu hôm nay. Một nhà báo của thông tấn xã BBC bị công an bắt giữ và đánh đập.

Trong khi đó tại thủ đô Bắc Kinh, hơn 400 thanh niên đã tập hợp gần con sông Lạng Mã với khẩu hiệu “Chúng ta tất cả là người Tân Cương”. Trên các mạng xã hội Trung Cộng vào sáng nay, các từ khóa như “Sông Lạng Mã” hay “Đường Urumqi” đều bị xóa.

4/ THỦ TƯỚNG NHẬT MUỐN TĂNG GẤP ĐÔI NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đã ra lệnh cho cấp dưới phải tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới để đối phó với những thách thức an ninh trong khu vực.

Bộ trưởng quốc phòng Nhật Yasukazu Hamada cho biết là Thủ tướng Kishida đã chỉ thị các bộ trưởng trong nội các lên phương án để tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên mức 2% tổng sản lượng quốc nội (GDP) trong vòng 5 năm tới đây. Ông Hamada cho biết là với tình hình an ninh hiện tại, nước Nhật cần gấp rút tăng cường chi tiêu quốc phòng.

Trong tháng này, các chuyên gia khuyến nghị chính quyền Kishida các biện pháp để chi trả cho kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng. Vào đầu tháng này, chính phủ Nhật dường như đang lên kế hoạch trang bị các phi đạn siêu âm có khả năng bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh cho quân đội nước này vào năm 2030. Đây được xem là một bước đi nhằm tăng cường năng lực tác chiến của Nhật Bản trước những thách thức an ninh đang ngày càng trở nên trầm trọng trong khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đang cân nhắc việc mua thêm các vũ khí uy lực như phi đạn Tomahawk của Mỹ. Việc chế tạo một phiên bản mới của phi đạn Type 12 với khả năng phóng từ tàu ngầm cũng đang được nghiên cứu.

Trước đó, nhiều nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản xác nhận Tokyo sẽ thành lập một bộ tư lệnh liên quân nhằm chỉ huy và điều phối hoạt động tác chiến của các lực lượng lục quân, không quân và hải quân nước này.

No comments:

Post a Comment