Saturday, November 26, 2022

Tin Tức, Thứ Bảy 26.11.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

 1) “DÌ GHẺ” BỊ TUYÊN ÁN TỬ HÌNH TỘI BẠO HÀNH CON CHỒNG ĐẾN CHẾT

Hôm qua, 25/11, tòa án thành Hồ đã tuyên án “tử hình” đối với bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang về vụ bạo hành đến chết cháu bé 8 tuổi xảy ra một năm trước. Bà Trang bị tuyên án hai tội danh Giết người và Hành hạ người khác theo Điều 123 và 140 Bộ luật Hình sự; tổng hợp khung hình phạt cao nhất là tử hình. Người tình của bà Trang, cũng là cha đẻ của cháu bé là Nguyễn Kim Trung Thái bị buộc tội Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm theo Điều 389 với mức án 08 năm tù giam.

Vụ án gây chấn động dư luận vì mức độ nhẫn tâm mà những kẻ thủ ác gây ra cho nạn nhân. Đặc biệt, cái chết thương tâm của cháu bé lại được tiếp tay bởi chính người cha đẻ, một lần nữa đặt vấn đề về nền tảng đạo đức cũng như trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ trong xã hội cộng sản.

Bà Trang bị tòa án áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng như “phạm tội nhiều lần, mang động cơ đê hèn, tàn độc ; gây đau đớn cho nạn nhân trong thời gian dài; hành vi côn đồ đối với người dưới 16 tuổi không có khả năng chống cự…”. Công luận cho rằng bản án 8 năm tù giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái là quá nhẹ so với hành vi tội ác mà y gây ra với chính con đẻ của mình. Truyền thông quốc doanh đưa tin, Thái được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì đã “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” và có “nhân thân tốt”.

2) CỰU ĐẠI ÚY CÔNG AN TRẠI  GIAM TỪNG TỐ CÁO SAI PHẠM CỦA CẤP TRÊN BỊ TUYÊN ÁN 2 NĂM TÙ GIAM

Ông Nguyễn Doãn Tú, cựu đại uý cảnh sát Trại giam Thủ Đức (Z30D) hôm 24/11 bị Toà sơ thẩm huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận tuyên 02 năm tù giam với cáo buộc “dùng nhục hình”, qui định tại khoản 2, Điều 373 -BLHS. Ông Tú bị buộc tội dùng tay, chân, cây khoai mì (chiều dài khoảng 1m) đánh vào lưng, mông, đùi, cẳng chân, cánh tay, gây thương tích cho phạm nhân Lê Thị Ái Vân. Qua giám định, nữ phạm nhân bị tỷ lệ tổn thương cơ thể 3%, truyền thông nhà nước dẫn bản cáo trạng của Viện kiểm sát Tối cao.

Có nhiều lý do để đặt nghi vấn cho vụ án kể trên. Bởi cựu đại úy Nguyễn Doãn Tú chính là người đã cùng cựu đại úy Lê Chí Thành, dũng cảm đứng lên tố cáo Đại tá Lê Bá Thuỵ – Giám thị trại giam về các hành vi: cho vay nặng lãi, biển thủ công quỹ, cắt xén lương thưởng của cấp dưới, bóc lột sức lao động của tù nhân, ém nhẹm vụ tù nhân chết trong trại. Đặc biệt là tổ chức khai thác tài nguyên rừng, đất cát, sỏi đá trái phép, cho thuê đất an ninh quốc phòng với diện tích lên đến 1.000 ha thời hạn 20 năm và nhiều sai phạm nghiêm trọng khác.

Ông Nguyễn Doãn Tú bị bắt ngày 13/12/2021, tám tháng sau khi đồng nghiệp của ông là cựu đại úy Lê Chí Thành bị bắt. Ông Thành sau đó bị kết án 5 năm tù giam với hai tội danh cáo buộc là “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Hiện không ai biết ông Lê Chí Thành (39 tuổi), đang bị giam giữ ở đâu và tính mạng ông ra sao?

Nguyễn Doãn Tú và Lê Chí Thành là hai chiến sĩ công an hiếm hoi dám đứng lên chống lại những sai phạm, tội ác của ngành công an và đang bị trả giá cho những hành động quả cảm của mình. 

3) TÒA TRỌNG TÀI TRƯỜNG TRỰC KHAI TRƯƠNG VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TẠI HÀ NỘI

Văn phòng đại diện mới của PCA (Tòa Trọng tài Thường trực) vừa được khai trương tại Hà Nội hôm 24/11. Buổi khai trương do Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn chủ trì. Đây là văn phòng thứ tư của PCA ngoài trụ sở chính ở La Haye và các văn phòng ở Mauritius, Buenos Aires (Argentina), Singapore, và Vienna (Áo).

Theo VOA, “Văn phòng mới của PCA tại Hà Nội sẽ làm nhiệm vụ điều hành các phiên xét xử và các cuộc họp của PCA, đồng thời cung cấp các dịch vụ hành chính để hỗ trợ các bên và trọng tài viên tiến hành tố tụng trọng tài dưới sự bảo trợ của PCA, nơi đóng vai trò là kênh liên lạc chính thức và đảm bảo lưu giữ tài liệu an toàn”.

PCA là một tổ chức liên chính phủ, được thành lập năm 1899 và cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp liên quan đến các quốc gia, pháp nhân nhà nước, tổ chức quốc tế cũng như các pháp nhân tư nhân. Việt Nam đã tham gia tổ chức này vào năm 2012 bằng việc ký kết Công ước La Haye 1907 về Giải quyết Tranh chấp Quốc tế ở Thái Bình Dương.

PCA từng giải quyết các vụ kiện liên quan đến tranh chấp lãnh hải giữa Trung cộng với các nước Việt Nam, Philippines, Brunei, Đài Loan, Malaysia. 

4) SUY THOÁI KINH TẾ: CHỦ TỊCH CU-BA SANG NƯỚC NGOÀI CẦU CỨU 

Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng, chủ tịch Cuba Díaz-Canel thực hiện chuyến công du sang Trung Quốc để cầu cứu sự giúp đỡ của người đồng cấp Tập Cận Bình. Được biết, ngoài Trung Quốc, ông Díaz-Canel cũng sẽ đến Algeria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm sự giúp đỡ. Chuyến công du nước ngoài được cho là hiếm hoi của người đứng đầu nhà nước Cuba cho thấy sự tuyệt vọng trong việc cầm cự con tàu kinh tế đang lao dốc của đất nước theo thể chế độc tài này. Đại dịch covid-19, lạm phát, biện pháp trừng phạt của Mỹ dưới thời Donald Trump và một loạt những yếu kém trong việc điều hành đã khiến cuộc suy thoái kinh tế của Cuba càng trở nên trầm trọng. Thực phẩm khan hiếm và đắt đỏ, thủ đô Havana và một số thành phố khác thường xuyên bị mất điện khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn.

Chuyến thăm của ông Díaz-Canel có thể đạt được những kết quả khả quan. Chính phủ Algeria đã đồng ý xuất khẩu dầu khí sang Cuba và tặng một nhà máy năng lượng mặt trời. Trung Quốc đang xem xét “tái cấu trúc”, thậm chí xóa nợ cho Cuba, và có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về năng lượng và nông nghiệp.

Cuba đã trải qua sáu thập niên độc tài và nhiều lần rơi vào suy thoái trầm trọng. Một trong những giải pháp được lựa chọn đầu tiền của lãnh đạo Cuba là “cầu cứu” các nước đồng minh, có cùng thể chế chính trị.

5) CHÍNH PHỦ ANH CẤM LẮP ĐẶT CAMERA AN NINH DO TRUNG QUỐC SẢN XUẤT

Chính phủ Anh vừa ban lệnh cấm cài đặt máy thu hình an ninh do Trung Quốc sản xuất  trên đặc biệt được áp dụng tại “các địa điểm nhạy cảm” để bảo đảm an ninh cho các cơ quan chính phủ Anh. Việc cấm lắp đặt camera giám sát do các công ty Trung Quốc sản xuất xuất phát từ những lo ngại của các nghị sĩ về vấn đề an ninh quốc gia. Động thái này có thể dẫn đến việc xem xét loại bỏ hoàn toàn các thiết bị hiện đang có.

Bộ trưởng nội các Oliver Dowden cho biết, những thiết bị được sản xuất bởi các công ty chịu sự chi phối của luật tình báo quốc gia của Trung Quốc, trong đó quy định các tổ chức phải "hỗ trợ, hợp tác và cộng tác trong công việc tình báo quốc gia".

Trong một tuyên bố bằng văn bản gửi đến các nghị sĩ, ông Oliver Dowden nói rằng "Đã kết luận, trước mối đe dọa đối với Vương quốc Anh và khả năng và việc kết nối ngày càng tăng của các hệ thống này, cần phải có các biện pháp kiểm soát bổ sung".

 

No comments:

Post a Comment