Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.
1) SỨC KHOẺ KỸ SƯ TRẦN BANG GIẢM SÚT NGHIÊM TRỌNG SAU 8 THÁNG TẠM GIAM
Bà Trần Thị Biết, em gái kỹ
sư Trần Văn Bang (tức Trần Bang) cho hay, sức khỏe của ông giảm sút nghiêm
trọng chỉ sau 8 tháng bị giam giữ. Cụ thể, ông Bang gầy ốm, hốc hác và có một
khối u sưng to ở phần háng bên trái. Tuy nhiên, Trại Tạm giam không cho ông
Bang đi khám bệnh, như cách đối xử thường thấy với nhiều tù nhân lương tâm
khác. Trong cuộc gặp cuối tuần trước, ông Bang nói với em gái rằng ông muốn
viết di chúc để lại cho gia đình bởi ông xác định sẽ phải chết trong tù.
Kỹ sư Trần
Bang (sinh năm 1961), một cựu chiến binh từng cầm súng chiến đấu chống quân xâm
lược Tàu cộng năm 1979. Sau khi giải ngũ, ông từng là giám đốc một doanh nghiệp
nhà nước. Khoảng chục năm trở lại đây, Trần Bang trở thành một trong những
người đối kháng nổi bật tại Sài Gòn. Ông từng bị công an đánh đập nhiều lần vì
đi biểu tình chống Tàu. Trần Bang bị bắt ngày 1/3/ 2022 với cáo buộc “Làm, tàng
trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà
nước CHXHCNVN”, theo điều 117-BLHS.
2/ 7 NGƯỜI BỊ BẮT GIAM VÌ NGĂN
CHẬN CÔNG AN CHẶT TRỘM CÂY CÀ PHÊ
Bảy người dân ở xã Hòa Đông, huyện Krong Pắc tỉnh Đắc Lắc, đã bị công an
bắt giữ khi ngăn chận việc công an chặt phá hàng trăm cây cà phê và sầu riêng
của một người dân.
Bảy người nói trên bị đưa đến trại tạm giam của Đắc Lắc với cáo buộc
“chống người thi hành công vụ” và “bắt giữ người phi pháp” vào ngày 7/11 vừa
qua. Một nhân chứng cho biết là nội vụ xảy ra tại rẫy cà phê của ông Nguyễn
Thành Giang, người nhận khoán từ công ty cà phê Thắng Lợi. Vào lúc 4 giờ rưởi
sáng ngày 7/11, người dân ở gần đó nghe thấy tiếng cưa cây và báo cho chủ nhân.
Khi ông Giang đến nơi thì phát giác 5 người đang dùng cưa máy để đốn cây cà phê
và sầu riêng, một nhóm người khác thì canh gác và dùng đèn chiếu sáng.
Ông Giang sau đó bị một người đánh, liền gọi hỗ trợ từ
những người cũng nhận khoán như ông. Khi nhiều người dân kéo đến thì nhóm người
này bỏ chạy nhưng có 3 người bị bắt lại, trong đó có một công an. Theo hình ảnh
được thu lại thì gần 2 phần 3 cây cà phê và sầu riêng của ông Giang bị cưa tận
gốc.
Nhà cầm quyền sau đó điều động 500 công an cơ động đến giải
cứu 3 người bị bắt giữ nhưng không làm biên bản về việc phá hoại cây trồng.
Đồng thời công an bắt đi 25 người.
Theo báo chí lề đảng, đây là khu vực trồng cà phê được giao
cho công ty Thắng Lợi. Năm 2011 ông Giang đã ký hai hợp đồng nhận khoán với
công ty. Vào tháng 6 năm 2019, tòa án tuyên phán ông Giang phải trả cho công ty
hơn 5 ngàn ký cà phê tươi của niên vụ 2018 và bị tịch thu ruộng vườn.
3/ BỘ CÔNG THƯƠNG PHỦ NHẬN TIN
ĐỒN GIÁ XĂNG SẼ TĂNG THÊM 100 NGÀN ĐỒNG
Về làn sóng khan hiếm xăng dầu kéo dài suốt tháng qua, bộ công thương VN
vừa lên tiếng bác bỏ tin đồn là giá xăng dầu có thể tăng lên đến 100 ngàn đồng
mỗi lít.
Tuyên bố trong ngày 9/11, một quan chức bộ này cho biết thông tin loan
tải trên mạng trong mấy ngày qua là vô căn cứ. Cũng theo quan chức này, hiện
hai bộ công thương và tài chánh đang phối hợp để điều chỉnh mức chi phí cho giá xăng dầu bán
ra, nhằm tháo gỡ việc thua lỗ cho các công ty xăng dầu.
Cần biết là bộ tài chánh đã gửi văn thư đến bộ công Thương
về việc điều chỉnh giá căn bản xăng dầu, đồng thời đề nghị thời gian thực hiện vào
ngày 11/11/2022. Ngoài ra bộ tài chánh cũng thông báo về việc tăng chi phí đưa
xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam.
Vào đầu tháng này, sau ba lần điều chỉnh, giá xăng bán lẻ
tại thị trường Việt Nam vẫn lên đến 23 ngàn đồng một lít. Liên tiếp trong nhiều
tháng gần đây, các cây xăng tại nhiều tỉnh thành đều đóng cửa hoặc bán nhỏ
giọt. Lý do các chủ xây xăng đưa ra là do kinh doanh thua lỗ, không bù đắp nổi
chi phí.
Trước tình trạng khan hiếm xăng, hàng loạt kiểu mua bán
xăng lẻ đua nhau mọc lên. Bộ công thương hôm 4/11 ban hành chỉ thị yêu cầu ngăn
chận thị trường này. Tuy nhiên ba ngày sau đó, bộ này đã lên tiếng đính chính
là chỉ thị trên chỉ nhằm ngăn chận việc bán xăng dầu qua trụ bơm, chứ không
phải mua xăng bằng chai của người dân.
4/ TẬP ĐOÀN SAMSUNG CẮT GIẢM
LƯỢNG ĐIỆN THOẠI SẢN XUẤT TẠI VN
Tập đoàn Samsung dự trù sẽ cắt giảm số lượng điện thoại di động ở VN vào
năm tới, xuống đến mức 40%.
Từ cuối năm 2021, Samsung Electronics đã chuyển một cơ xưởng sản xuất từ
VN sang nhà máy Gumi ở Nam Hàn. Vào năm ngoái, VN trở thành nước sản xuất điện
thoại di động lớn nhất của Samsung với khoảng 60% số lượng.
Nguyên nhân cắt giảm sản xuất ở Việt Nam được cho là do chi
phí nhân công ở Việt Nam đang tăng, cộng với nhu cầu thị trường toàn cầu. Samsung
hiện có 6 nhà máy tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sài Gòn, một trung tâm
nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội.
Tập đoàn này hiện cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Theo số liệu của bộ kế hoạch và đầu tư, Samsung hiện có tổng mức đầu tư ở Việt
Nam là trên 20 tỷ Mỹ kim. Doanh thu của Samsung Việt Nam năm 2021 đạt hơn 74 tỷ
Mỹ kim, tương đương 20% tổng sản lượng nội địa của Việt Nam.
5/ NGA RÚT QUÂN KHỎI KHERSON, PHÓ TỈNH TRƯỞNG BỊ THIỆT MẠNG
Vào hôm qua, bộ quốc phòng Nga tuyên bố rút
quân khỏi bờ tây thành phố Kherson, trong khi đó phó tỉnh trưởng do Nga bổ
nhiệm đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi.
Ông Kirill Stremousov 45 tuổi được Nga bổ
nhiệm vào tháng 4 vừa qua. Ông là một trong những thủ lãnh ly khai ủng hộ mạnh
mẽ việc xâm lược Ukraine của Nga với nhiều lời lẽ gây hiềm khích trên mạng. Ông
Stremousov bị cảnh sát Ukraine truy nã về tội phản quốc.
Các quan chức Nga cho biết vụ tai nạn xảy
ra trên con đường giữa thành phố Kherson và Armyansk, một thị trấn ở phía đông
nam của Crimea do Nga sáp nhập.
Vài giờ sau tin tức về cái chết của ông
Stremousov, bộ trưởng quốc phòng Nga đã ra lệnh rút quân Nga khỏi bờ tây sông
Dnipro. Các lực lượng Nga sẽ dồn quân để bảo vệ bờ phía đông của dòng sông
nếu quân đội Ukraine tiến hành một cuộc phản công.
Lệnh rút quân
của Nga được giới Âu châu cho là tin quân sự quan trọng nhất từ nhiều
ngày qua ở chiến trường Ukraine. Bộ quốc phòng Anh đánh giá là
"Nga đang thua dần" trong chiến dịch lấn chiếm đất ở miền đông
Ukraine.
Các lực lượng Ukraine tiếp tục tiến công
vào hôm 9/11, với các báo cáo về giao tranh ác liệt xung quanh Snihurivka, một
thị trấn chiến lược ở phía đông bắc Kherson.
Trong khi đó, những hình ảnh ghi nhận
được cho thấy một cây cầu then chốt bắc qua sông Inhulets ở Darivka, phía đông
Kherson, bị sập chìm xuống nước. Không rõ cây cầu đã bị phá hủy như thế nào,
mặc dù có suy đoán rằng nó có thể đã bị cho nổ tung khi quân đội Nga rút lui.
No comments:
Post a Comment