Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Nhà giáo: Ai cho tôi lương thiện?” của Thái Hạo sẽ được Vân Hà trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Thái Hạo.Tôi chính
thức bước chân vào nghề giáo từ năm 2013, đến năm 2020 thì bước ra, có lẽ là
mãi mãi, trong khoảng thời gian ấy có bị gián đoạn vài lần, vì bỏ việc. Nhưng ở
đây, tôi không muốn nói về câu chuyện của mình, mà là chuyện của những đồng
nghiệp của tôi.
Đi dạy
được vài năm, trường thiếu giáo viên, đúng hơn là thiếu giáo viên giỏi, vì đó
là trường chuyên. Tôi lục lại trong trí nhớ và hỏi han tìm kiếm. Cuối cùng cũng
tìm lại được một người bạn vong niên học trước tôi mấy khóa, thông minh, giỏi
giang. Lúc ấy, anh đang dạy tại thành phố Biên Hòa, đã có vợ con và có cuộc
sống yên ổn như bao người. Tôi dùng biết bao nhiêu lý lẽ về việc cùng nhau “làm
một cái gì đó” cho thế hệ trẻ, cuối cùng anh đồng ý, bỏ thành phố mang theo vợ
con lên vùng thị xã miền cao để cùng nhau thực hiện một “cuộc cách mạng”.
Hơn một
năm sau, tôi bỏ việc trước, anh bỏ sau. Lại dắt díu vợ con trở lại Biên Hòa.
Tôi ở nhà
hai năm thì hiệu trưởng cũ gọi, nói “Mày quay lại giúp tao một chuyến”. Tôi ra
điều kiện, rằng tôi phải được tự chủ về chuyên môn cho cả tổ và phải được quyền
tuyển người. Đồng ý. Thế là lại hăm hở, lập kế hoạch đổi mới, xây dựng chương
trình, thay đổi phương pháp… Lúc đó chương trình năm 2018 cũng sắp được ban
hành…
Tôi tìm
được một người bạn học khác, một kẻ say mê văn chương và nghiêm cẩn trong công
việc. Ông thầy giáo này cũng từng đi dạy và đã bỏ dạy, hiện đang đi làm một
công việc chẳng liên quan gì. Nghe lời ngon ngọt của tôi, anh ấy khăn gói từ
thành phố lên. Nhưng giáo viên vẫn còn thiếu, vì dường như năm nào cũng có
người bỏ việc, tôi liên lạc khắp nơi, cuối cùng cầu cứu thầy tôi, hiện là
trưởng khoa của một đại học lớn. Thầy nói có hai bạn này, tốt lắm. Hai thầy
giáo tương lai ấy từ Huế lên đường vào Nam. Ngay sau ngày đầu tiên vào trường,
một người đã không bao giờ quay lại nữa. Bạn ấy nói, “Có lẽ em không hợp”. May
là một người đã ở lại cùng chúng tôi, với thư viện sách của cậu ấy.
Mấy ngày
trước, ngồi lướt Facebook thấy người bạn “say mê văn chương” kia đăng hình đang
ở sân bay, nơi đến là Nhật Bản. Đi xuất khẩu lao động. Còn cậu giáo viên trẻ từ
Huế vào thì cũng đã xuống Sài Gòn hai năm rồi, từ giã nghề giáo, cũng có lẽ là
vĩnh viễn.
Hai hôm
trước tôi gặp lại người bạn vong niên, người đầu tiên đã bỏ việc ở Biên Hòa đến
với chúng tôi. Anh nói, hết năm nay anh nghỉ, kiên trì đến bây giờ là quá đáng
lắm rồi. Hết năm mới nghỉ được vì đã trót hứa với ông giám đốc. Mình đã làm một
công việc vô nghĩa quá lâu, chỉ nhồi nhét để thi. Thương học trò lắm nhưng
trong cái hệ thống vận hành kiểu này của giáo dục thì không còn lựa chọn nào
khác. Không thay đổi được nó thì đành phải dứt mình ra thôi. Tôi hỏi anh, vậy
anh làm gì để sống; anh bảo làm gì chẳng được, có khi còn dễ sống hơn là đi
dạy.
Vậy là
những người đồng nghiệp mà tôi “cầu hiền”, đến nay tất cả đã rời bỏ giáo dục.
Không ai còn có ý quay lại con đường ấy. Họ nói với tôi rằng, lên lớp là thợ
dạy, ở trường là culi; vừa bị người ta coi thường, vừa kiếm cơm một cách cay
đắng.
Họ là
những người hiếm hoi còn đọc sách trong những giáo viên mà tôi biết, và còn có
tủ sách. Họ yêu nghề, yêu văn chương. Là thầy cô giáo nhưng họ làm thơ, viết
truyện đăng báo, xuất bản sách; họ suy tư và khắc khoải, họ đau nhức với nghề
nghiệp. Và chính họ lại là những người rời khỏi giáo dục sớm nhất.
Tôi phải
đứng nhìn những người đồng nghiệp giỏi giang và có nhân cách lần lượt ra đi. Mà
không chỉ bạn tôi, lâu lâu lại nghe tin một người mà mình từng biết và tôn
trọng lại nghỉ việc. Tôi tự hỏi, giáo dục sẽ còn ai, ai ở lại với trẻ em?
Nhiều năm
nay vẫn đều đặn nghe các vị lãnh đạo nói về việc “ưu tiên dạy người”. Tôi lại
tự hỏi, ai dạy, dạy bằng cách nào khi mà chính họ, những thầy cô giáo, còn chưa
được đứng thẳng đường hoàng để mà làm người. Giáo viên phải ngoan ngoãn im
lặng, có ai đó trung thực thẳng thắn thì bị hành cho ra bã, có khi còn công
khai cho “tinh giản biên chế”. Muốn yên thân thì phải hèn đi, phải giả câm giả
điếc, phải giả lả mà cười cười nói nói.
Chỉ trong năm 2022 đã có 16 ngàn giáo viên bỏ việc. Sự mất
giá của nghề giáo không phải chỉ là chuyện lương, mà là lương thiện, “ai cho
tôi lương thiện”. Nếu không có một cuộc cải tổ về bộ máy trong hệ thống giáo
dục, không có công đoàn độc lập để bảo vệ nhà giáo, không phân chia lại quyền
lực trong nhà trường để cân bằng, thì mọi lời hay ý đẹp chỉ là khẩu hiệu. Và
giáo dục, theo thời gian, cứ phải sa mạc hóa dần đi, không thể cưỡng lại được.
No comments:
Post a Comment