Sunday, November 6, 2022

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 06.11.2022

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Cám ơn chị Mỹ Linh

Bảo Trân: Theo tôi được biết sau nhiều tuần im lặng, trong tuần qua công an cộng sản VN đã lên tiếng về việc bị can trong vụ án Trương Mỹ Lan bị chết trong đồn công an. Anh có suy nghĩ như nào trước việc này?

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả đài DLSN!

Lần đầu tiên bộ công an VN đề cập tới việc có “bị can và một số người liên quan” đã qua đời, liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan, mà họ mô tả là “đột tử” nhưng không giải thích nguyên nhân tử vong và danh tính của những người này.

Theo ông Trung tướng công an Tô Ân Xô mô tả vụ án xảy ra tại công ty cổ phần An Đông mà bị can là bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm là vụ án “rất khó đối với lực lượng thực thi pháp luật”. Theo lời ông Xô, trong tiến trình tố tụng có bị can và một số người liên quan qua đời do đột tử, vì thế sẽ gây thêm khó khăn cho tiến trình điều tra.

Xin được nhắc lại, ngày 8/10, bộ công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại công ty An Đông, đồng thời bắt tạm giam bốn bị can, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Một trong ba bị can bị bắt giam còn lại có bà Nguyễn Phương Hồng 38 tuổi. Vào tối ngày 10/10, các tờ báo lề đảng rầm rộ loan tin về cái chết của bà Phương Hồng, nhưng không nói rõ nguyên nhân hoặc địa điểm bà qua đời. Chỉ vài giờ sau thì các báo này đồng loạt xóa tin về cái chết của bà Hồng.

Trước đó vào ngày 7/10, tờ báo Tuổi Trẻ loan tin ông Nguyễn Tiến Thành, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Chứng khoán Tân Việt, thành viên độc lập tại ngân hàng SCB “vừa qua đời do đột quỵ”. Ông này là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, phó giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Mạng xã hội vào ngày 15/10 đăng cáo phó của ông Nguyễn Ngọc Dương, giám đốc công ty Sài Gòn Peninsula, và là cựu tổng giám đốc công ty Vạn Phát Hưng, được cho là có liên quan tới tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Một người đại diện của nhà tang lễ Vãng Sanh Đường, chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3 Sài Gòn, xác nhận là đám tang ông Nguyễn Ngọc Dương đã được tổ chức tại đây vào ngày 17/10.

Bảo Trân: Theo anh thì liệu những người bị chết trong vụ án này có liên quan tới giới cầm quyền CSVN không?

Hướng Dương: Theo như suy nghĩ của tôi thì vụ án này có liên quan tới nhiều lãnh đạo cấp cao của CSVN. Tuy nhiên do những đầu mối quan trọng trong vụ án này đã chết một cách bất thường, nên việc tìm ra ai là người đứng sau sẽ rất khó khăn. Do đó chúng ta sẽ phải cần thời gian để theo dõi tiếp vụ án này.

Bảo Trân: Trong một diễn biến khác, nhiều tín đồ thuộc hội thánh Tin Lành Đấng Christ ở tỉnh Đắc Lắc đã mạnh mẽ tố cáo công an thành phố Ban Mê Thuột liên tục theo dõi và quậy phá các buổi lễ của họ suốt một tháng qua. Anh vui lòng nhắc lại việc này để quý thính giả đài được tường tận hơn?

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả đài DLSN!

Hành động này của bạo quyền VN diễn ra ngay trước cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào đầu tháng 11, với một nghị trình sẽ được nêu lên là quyền tự do tôn giáo và quyền của các nhóm dân tộc thiểu số tại VN.

Ông Y Nguyệt Bkrông, tín đồ Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên, cho biết vào lúc 7 giờ rưởi sáng Chủ nhật 30/10 có khoảng 20 tín đồ, bao gồm cả trẻ em, tập trung tại tư gia của ông ở buôn Ako Mlieo, xã Hòa Thắng để cầu nguyện và thực hành nghi lễ tôn giáo. Khi buổi lễ diễn ra được khoảng 10 phút thì hàng chục công an xã và thành phố đã tràn vào, yêu cầu ngưng làm lễ và lập biên bản vi phạm.

Một vụ tương tự xảy ra tại hội thánh Tin Lành, tư gia nhà ông Y Lui ở Buôn Kdun xã Cư Êburt. Cũng vào sáng 30/10, hơn chục công an mặc thường phục và sắc phục ập vào nhà, ngăn cản các tín đồ thực hành nghi lễ. Khi đó, trong nhà có khoảng 30 người, bao gồm cả trẻ em.

Cả ba ông Y Nguyệt, Y Cơi và Y Lui cho biết họ đều đang bị canh giữ, theo dõi liên tục, gắt gao từ hơn nửa tháng nay. Ông Y Nguyệt không biết vì sao các tín đồ lại bị theo dõi gắt gao vào thời điểm này. Tuy nhiên ông nói mỗi khi có phái đoàn các nước tới thăm, ông đều bị theo dõi nghiêm ngặt như lúc này.

Được biết ông Y Cơi từng đi tù tám năm, từ 2001 tới 2009, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” chỉ vì những hoạt động thờ phượng của mình. Từ sau khi ra tù, ông liên tục bị sách nhiễu, không cho gia đình được làm ăn yên ổn.

Bảo Trân: Thưa anh HD việc hàng ngàn Tiến sĩ và Thạc sĩ bỏ công việc nhà nước là sao anh?

Hướng Dương: Theo tôi được biết trong hai năm qua có gần 5 ngàn tiến sĩ và thạc sĩ xin nghỉ việc tại khu vực quốc doanh, theo tuyên bố của bộ trưởng nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại quốc hội vào ngày 2/11.

Cụ thể bà Trà cho biết có 653 tiến sĩ và 4 ngàn thạc sĩ đã thôi việc nhà nước, nâng tổng số cán bộ công chức nghỉ việc là hơn 39 ngàn người. Bà Trà cũng cho biết, theo thống kê, tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ ngành và tỷ lệ thôi việc của quan chức chiếm tỷ lệ gần 90% là tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế.

Theo lý giải của bà Trà, con số công chức nghỉ việc cao là do cơ chế thay đổi tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai khu vực tư nhân và nhà nước. Theo bà Trà thì hiện tương này cũng đang diễn ra ở các nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ và Singapore.

Tuy nhiên bà Trà cho rằng VN cần phải nghiêm túc thừa nhận những hạn chế và bất cập của cơ chế quản lý công chức để sửa đổi và bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc. Biện pháp đề nghị là thực hiện cải cách tiền lương để nâng cao thu nhập cho viên chức, cải cách bộ máy để cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo vị trí và việc làm.

No comments:

Post a Comment