Thursday, November 24, 2022

Tin Tức 24.11.2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Miên Dương trình bày sau đây.

1/ TNLT LÊ THỊ BÌNH TỐ CÁO CÁC NGƯỢC ĐÃI TRONG TRẠI TÙ AN PHƯỚC

Cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Bình, người vừa mãn hạn tù vào ngày 22/11, cho biết là nữ tù nhân trong trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, đã bị ép buộc phải lao động nặng nhọc trong khi chế độ dinh dưỡng và khám chữa bệnh vô cùng tồi tệ.

Bà Lê Thị Bình 46 tuổi, thành viên của nhóm Hiến pháp, bị bắt vào tháng 12 năm 2020 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước”.

Ngay trong ngày được trở về nhà, bà đã tâm tình về cuộc sống trong trại giam An Phước trong hơn một năm qua. Theo bà Bình, ở ngoài đời bà chỉ thấy cộng sản ác độc nhưng vào trong tù thì cái ác còn nhiều hơn nữa. Bà Bình cho biết trong trại giam có khoảng 500 nữ tù nhân, trong đó có khoảng 20 người là tù nhân chính trị và lương tâm. Tất cả bị nhốt chung trong một khu có tên “an ninh”, trong đó có cô Phạm Đoan Trang.

Nhà tù cô lập nhóm tù an ninh và không cho giao tiếp với các tù nhân khác. Cơm thì đủ nhưng rau cải thì không, cả tuần phải ăn rau muống cả gốc. Bà Bình cho biết mọi phụ nữ bị buộc lao động 10 giờ mỗi ngày. Những ai chống đối sẽ bị trừng phạt. Công việc chính yếu là cạo mủ cao su hoặc làm đồ vàng mã bán sang Hoa Lục.

Bà Bình cho biết là việc chăm sóc y tế trong trại An Phước vô cùng tồi tệ. Trạm xá của trại chỉ cung cấp một vài loại thuốc.

2/ TRẠI GIAM SỐ 6 ÁP LỰC BUỘC TNLT TRỊNH BÁ TƯ PHẢI LAO ĐỘNG

Trong lời tố cáo đưa ra vào hôm qua, ông Trịnh Bá Khiêm cho biết là trại giam số 6 huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đã gây áp lực buộc con trai ông là Trịnh Bá Tư phải đi lao động sau khi bị cùm chân và tuyệt thực.

Ông Khiêm cho biết tin trên vào ngày 23/11, hai ngày sau khi ông đi thăm con trai, người đang thi hành án tù 8 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Tuy nhiên ông Trịnh Bá Tư vẫn cho rằng mình vô tội, việc lao động là tự nguyện nên không chịu đi.

Ông Trịnh Bá Tư đã dừng tuyệt thực gần hai tháng trước và hiện giờ sức khoẻ đang dần hồi phục. Trong buổi gặp vào thứ Hai vừa qua, ông Tư cho biết là đã tuyệt thực trong 22 ngày, từ ngày 6/9 và kết thúc vào ngày 28/9. Sau lần bị đánh, bị cùm chân và tuyệt thực thì tù nhân lương tâm 37 tuổi này bị sụt đến 10 ký.

Vào ngày 23/11 vừa qua, bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Trịnh Bá Phương, đã đệ đơn tố cáo về việc trại giam số 6 đã đánh đập, cùm chân ông Trịnh Bá Tư trong 10 ngày vào tháng 9 vừa qua. Bà cho biết đã đối thoại với ông Lê Quốc Bảo, phó phòng của viện kiểm sát Nghệ An, người đã vào trong tù để điều tra về cáo buộc đánh đập ông Tư, liên quan đến cái chết của tù nhân Đỗ Công Đương vào đầu tháng 8 vừa qua.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) ra lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cho phép họ được tiếp cận ông Tư trong trại giam.

3/ BIỂU TÌNH TẠI NHÀ MÁY IPHONE KHỔNG LỒ Ở HOA LỤC

Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu của Trung Cộng, theo đoạn phim được lan truyền rộng rãi trên mạng.

Các hình ảnh cho thấy hàng trăm công nhân đang tuần hành, với một số công nhân bị những người mặc đồ bảo vệ và cảnh sát chống bạo động chặn lại.

Cần biết là vào tháng 10, số ca nhiễm dịch Vũ Hán tăng đột biến khiến công ty phải đóng cửa khuôn viên và một số công nhân hốt hoảng bỏ chạy. Sau đó công ty đã tuyển dụng công nhân mới với hứa hẹn về những khoản tiền thưởng hậu hĩnh.

Đoạn phim được chia xẻ trên một trang mạng cho thấy các công nhân hét lên: "Hãy bảo vệ quyền của chúng tôi!". Các công nhân khác đang đập vỡ máy thu hình và cửa sổ bằng gậy gộc.

Ngoài ra, các công nhân phàn nàn về thức ăn và nói rằng họ không nhận được tiền thưởng như đã hứa. Một nhân viên của Foxconn mới bắt đầu làm việc tại nhà máy Trịnh Châu cho biết các công nhân mạnh mẽ phản đối vì Foxconn đã "thay đổi hợp đồng mà họ đã hứa".

Người này cũng cho biết một số công nhân mới được tuyển dụng sợ lây nhiễm dịch Vũ Hán từ những nhân viên cũ. Người này cho biết là những công nhân muốn nhận được trợ cấp và trở về nhà trong khi công ty Foxconn chưa đưa ra bình luận nào.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, nhiều công nhân đã bỏ trốn khỏi nhà máy trong lúc các ca nhiễm gia tăng. Cuộc chạy trốn của họ được ghi lại trên mạng xã hội khi họ đón xe tải trở về quê ở một tỉnh miền trung Trung Cộng.

Đầu tháng này, Apple cho biết họ dự kiến số lượng lô hàng iPhone 14 sẽ thấp hơn do hoạt động sản xuất tại Trịnh Châu bị gián đoạn.

4/  BÁN ĐẢO CRIMEA BỊ TẤN CÔNG BẰNG MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI

Nhà cầm quyền bán đảo Crimea, vùng đất bị nước Nga cưỡng chiếm vào năm 2014, vừa lên tiếng báo động về một loạt các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, với quân đội Nga được đặt trong tình trạng báo động.

Trên mạng xã hội, tỉnh trưởng Crimea kêu gọi dân chúng hãy bình tĩnh sau một vụ tấn công khiến quân Nga phải kích hoạt hệ thống phòng không để đối phó. Trong thông điệp, ông Mikhail Razvojaiev cho biết là không có ai thiệt mạng trong vụ này, với hai máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ gần nhà máy điện Balaklava.

Cần nhắc lại, hạm đội Hắc Hải của Nga, trú đóng tại hải cảng Sébastopol, từng bị tấn công vào cuối tháng 10, làm ít nhất một tàu chiến Nga bị hư hại. Mùa hè vừa qua trung tâm chỉ huy của hải quân Nga tại Sébastopol đã hai lần là mục tiêu của các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, khiến 5 người bị thương. 

Trong khi đó tình hình ở khu vực miền nam Ukraina vẫn rất căng thẳng, đặc biệt là tại Kinbourne, ở phía nam thành phố Mikolaiv. Giao tranh diễn ra khốc liệt trong ngày 22/11 vừa qua, với quân Ukraine nhắm tới mục tiêu giải phóng 3 thị trấn thuộc bán đảo này, trước khi chiếm lại toàn bộ vùng này.

Tại thành phố Vilniansk, lực lượng cứu cấp Ukraina cho biết trong đợt oanh kích vào sáng hôm qua, quân Nga đã ném bom trúng một bệnh viện, với một trẻ sơ sinh thiệt mạng và một phụ nữ bị thương.

5/ ÂU CHÂU GỌI NƯỚC NGA LÀ “NHÀ NƯỚC BẢO TRỢ KHỦNG BỐ”

Trong một lời lẽ cứng rắn hơn, quốc hội Âu châu tuyên bố Nga là “nhà nước bảo trợ khủng bố” trong cuộc oanh kích Ukraine bằng phi đạn trên toàn quốc.

Trong một nghị quyết không có yếu tố ràng buộc, quốc hội Âu châu bỏ phiếu thông qua quyết định gọi Nga là nhà nước bảo trợ khủng bố, dựa trên các cáo buộc là quân Nga đã tấn công vào các cơ sở năng lượng và dân sự của Ukraine. Cẩn biết là cho đến hôm nay, nhà cầm quyền Nga vẫn khẳng định là không tấn công thường dân Ukraine.

Có 494 dân biểu bỏ phiếu ủng hộ, 58 phiếu chống và 44 phiếu trắng. Quốc hội Âu châu không thể bắt buộc các chính quyền phải tuân theo nghị quyết nói trên, nhưng đa số dân biểu cho rằng điều này cho phép Âu châu mở rộng các biện pháp trừng phạt nước Nga.

Một số dân biểu Âu châu cũng kêu gọi trục xuất Nga khỏi Hội đồng Bảo an LHQ. Trong khi đó nước Anh đã gửi một số trực thăng võ trang đầu tiên đến Ukraine, đánh dấu sự ủng hộ mạnh mẽ của Anh đối với cuộc trường kỳ kháng chiến của Ukraine.

No comments:

Post a Comment