Thưa quý thính giả, cùng thời gian
này 15 năm trước, một chiếc tàu đánh cá của 16 ngư dân Thanh Hoá đã bị tàu Hải
quân Trung cộng tấn công, bắt giết và cướp tài sản. Trung
cộng đã giết hại 8 người và gây thương tích cho những người còn lại. Sự việc
xảy ra vào tháng 1/2005 nhưng báo chí cũng như nhà cầm quyền Việt cộng gần như
im lặng, hoặc chỉ lên tiếng lấy lệ. Tháng 3/2008, tức 3 năm sau biến cố trên
xảy ra, cô Phạm Thanh Nghiên (khi ấy mới 31 tuổi) và nam sinh viên Ngô Quỳnh đã
lặn lội đến Thanh Hoá để tìm hiểu sự việc.
Chúng tôi mời quý thính giả nghe
lại phóng sự nổi tiếng “Uất ức- biển ta ơi!” của Phạm Thanh Nghiên kể về chuyến
đi trên với những sự thật mà nhà nước Việt cộng không bao giờ muốn nhắc đến.
Vì bài viết này, vì những hoạt
động đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ mà chỉ vài tháng sau đó, cả Phạm Thanh
Nghiên lẫn Ngô Quỳnh đều bị bắt và lần lượt bị kết án 4 năm và 2 năm tù giam.
Sự việc đã xảy ra 15 năm, tưởng
cũng nên nhắc lại để chúng ta không được phép quên những biến cố đau thương của
dân tộc do Tàu cộng gây ra với sự tiếp tay của Việt cộng. Chương trình này cũng
như một nén hương lòng gửi đến các nạn nhân xấu số phải chết oan uổng vì 16 chữ
vàng.
Bài viết được thể hiện qua chính
giọng đọc của tác giả.
Tháng 3 năm
2008
Ghi chép của Phạm Thanh Nghiên
“…Lẽ ra, vụ việc này đã phải trở thành một sự kiện nghiêm
trọng trong quan hệ quốc tế, cần phải làm sáng tỏ. Nhưng do chính quyền bưng
bít thông tin, nên đã hơn ba năm trôi qua, hầu hết người dân vẫn không hay
biết…”
Khởi
hành lúc 8 giờ từ Hà Nội, đúng 12 giờ trưa, hai chúng tôi mới đến được Thanh
Hoá. Cho đến hôm nay, tôi cũng khó lý giải tại sao một người vốn mắc bệnh “say
xe” như tôi lại có thể ngồi lì trên ô-tô hơn 4 giờ đồng hồ như vậy. Phải rồi,
đây không phải là một chuyến đi du lịch, một chuyến viếng thăm ai đó thông
thường. Mà tôi đi tìm gặp người thân các nạn nhân bị sát hại trong chuyến ra
khơi định mệnh ba năm về trước với ước muốn được chia sẻ…
Tháng 1 năm 2005, mười sáu con người cùng đi đánh cá trên
một chiếc thuyền, tám người vĩnh viễn ra đi, tám người còn lại trở về với nỗi
kinh hoàng tột độ. Thủ phạm gây ra tội ác, không ai khác là bọn Tàu tặc – kẻ mà
chính quyền Việt Nam luôn luôn ca ngợi là người đồng chí tốt, người làng giềng
tốt của nhân dân Việt Nam. Một chuyến đi đặc biệt và ý nghĩa như vậy có lẽ đã
nâng đỡ tôi, xua đi nỗi mệt nhọc thường xuyên mà tôi hay bị khi thực hiện những
chuyến đi xa.
Việc tìm kiếm không mấy dễ dàng. Chúng tôi chỉ được biết họ
thuộc hai xã Hoằng Trường và Hoà Lộc. Sau khi ăn trưa tại một quán ven đường,
con trai người chủ quán chở chúng tôi bằng xe tắc-xi đến xã Hoằng Trường với
chặng đường ngót ba mươi cây số. Số tiền phải trả cho chuyến tắc-xi gấp gần ba
lần số tiền đi từ Hà Nội về Thanh Hoá. Đến Hoằng Trường, hai người chúng tôi
bắt đầu cuộc hành trình bằng đôi chân trên con đường đất ghồ ghề gần 10km, tìm
tới nhà của các ngư phủ bị nạn.
Càng
đi sâu vào làng, cái nghèo của làng chài càng hiện rõ. Khác hẳn những hình dung
trước kia của tôi về một phiên chợ tấp nập của miền quê biển. Ở đây, chợ chiều
vắng ngắt, vài quán lá lụp xụp, hàng hoá nghèo nàn…
Khi
chính quyền Trung Quốc liên tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, giết hại ngư dân
lương thiện của chúng ta đang đánh cá trong vịnh Bắc Bộ, hàng trăm thanh niên,
sinh viên, văn nghệ sĩ trí thức trong nước đã biểu tình chống lại tội ác của
chính quyền Trung Quốc, đồng thời ở bất cứ đâu trên thế giới này có người Việt Nam
sinh sồng đều có những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, thì ở Việt Nam mọi
thông tin đều bị Nhà Nước giữ kín. Vì thế chúng tôi thấy cần phải tìm ra những
điều khuất lấp để cung cấp cho độc giả những sự thực mà báo chí trong nước cố
tình bưng bít, bị cho là “nhạy cảm”.
Cho
tôi nói lời xin lỗi gia đình các nạn nhân, nếu sau khi gặp gỡ chúng tôi và kể
ra sự thật mà bị chính quyền gây rắc rối. Tôi xin cảm ơn những người đã giúp đỡ
chúng tôi trong thời gian chúng tôi tìm hiểu và muốn làm sáng tỏ sự kiện đau
xót này. Thật ra, những việc làm này hết sức bình thường ở những đất nước có tự
do thông tin, nhưng lại là điều cấm kỵ trong một thể chế thiếu tự do, dân chủ
và đang nấp trong ống tay áo hung thủ.
oOo
Đầu
tiên, chúng tôi dự định tìm gặp ông trưởng thôn, nhờ ông đưa đến nhà các nạn
nhân. Nhưng nghĩ lại, trưởng thôn chẳng qua cũng là “cánh tay nối dài của
đảng”, ít có xác suất được giúp đỡ, mà biết đâu lại bị gây khó dễ!
Cuốc
bộ chừng vài cây số, chúng tôi ghé vào quán của một bà lão bán quà vặt. Quán là
mấy tấm liếp dựng tạm. Bàn là một tấm gỗ kê bằng gạch, bày bán đủ thứ lặt vặt:
trái cây, bánh kẹo. Bà lão chủ quán tên là Thao, có mái tóc trắng như cước.
Thấy chúng tôi loay hoay tìm ghế ngồi, bà lão ân cần: “Cô cậu kê tạm mấy viên
gạch, lót giấy báo này mà ngồi!”. Biết chúng tôi ở xa đến, tìm gặp người nhà
các nạn nhân bị tàu chiến Trung Quốc bắn chết, bị thương ba năm trước, mấy
người phụ nữ ngồi gần đấy xúm đến. Họ kể về nỗi khổ của các nạn nhân, họ kể khổ
cho chính cả họ. Bà Thao đứng lên, một lát sau bà trở lại với một cậu thanh
niên còn rất trẻ: “Đây là cháu anh Lê Văn Xuyên, ngư dân bị tàu Trung Quốc bắn
chết. Cậu này sẽ đưa hai cháu đi.”.
Như
là trách nhiệm của mình, bà còn ghi vào cuốn sổ tay của tôi “danh sách” những
người bị nạn trên biển. Tự nhiên tôi ước ao, giá như ở cái làng chài này có
những cán bộ biết thương xót cho đồng loại như bà Thao, chắc hẳn nỗi đau của
gia đình các nạn nhân được vơi đi chút ít.
Chúng
tôi đến nhà anh Lê Văn Xuyên gần 5 giờ chiều. Ngôi nhà tuềnh toàng như bao gia đình
nông thôn Việt nam khác. Trùm lên căn nhà là không khí lạnh lẽo. Tôi thường sờ
sợ khi bước chân vào gia đình có người chết trẻ. Lần này thì khác. Tôi không
thấy sợ mà thay vào đó là nỗi đau xót, như họ là người thân của mình vậy. Chị
Thanh, vợ anh Xuyên đưa tôi sang nhà thân nhân Nguyễn Văn Tòng. Rồi lần lượt
các chị tiếp chân đưa chúng tôi đến từng gia đình một. Họ có chung một cảnh
nghèo; một nỗi đau, và chung một nỗi uất ức.
No comments:
Post a Comment