Nhân quyền tại Việt Nam sẽ không bao giờ được bảo đảm,
cho đến khi nền kinh tế thị trường còn gắn cái đuôi định hướng xã hội
chủ nghĩa. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi phần Bình Luận của Nguyễn Ngọc Già qua sự trình bày của Nguyên Khải, và đây là tiết mục để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
EVFTA vừa được EU chính thức thông qua vào hôm 12 tháng Hai năm 2020 tạo ra nhiều phản ứng và cảm xúc khác nhau trước dư luận.
Thời gian 25 năm, tính từ 1995 – thời điểm Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận Việt
Nam – được dùng làm mốc để khái quát hình ảnh Việt Nam gọi là “hội nhập
quốc tế”.
Thuở bấy giờ, hầu hết người dân đều hồ hỡi mừng vui, trước một cuộc
đổi đời thật sự cho mỗi thân phận Việt Nam vô cùng khao khát tự do –
“tài sản” quý giá mà người ta bỏ quên (những 25 năm) theo những “đêm dài
lắm mộng” – bởi lời đường mật từ người CSVN – vốn được sinh ra để vỗ an
lòng dân của một thời đói khổ và tăm tối, hễ nhắc lại, bất cứ ai cũng
rùng mình về những nếm trải đau thương.
Thời gian đó, rất nhiều người không quan tâm khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” như sau này.
Theo Wikipedia: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”
là tên gọi một hệ thống kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng
tạo và chủ trương triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990. Hệ thống
kinh tế này, cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận
rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Nguyên nhân của tình trạng này
là hệ thống kinh tế này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch
sử”.
Như vậy, đủ để khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”
không có thực. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam gia tăng với số liệu GDP thật
ấn tượng như dưới đây:
GDP năm 1995: 20,74 tỷ đô la Mỹ;
GDP năm 2005: 57,63 tỷ đô la Mỹ;
GDP năm 2015: 193,20 tỷ đô la Mỹ;
GDP năm 2019: 266,50 tỷ đô la Mỹ.
Sự gia tăng nói trên do việc Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận Việt Nam là yếu tố
quan trọng nhất, để từ đó các dòng vốn đầu tư, viện trợ, cho vay, đi
cùng chất xám, công nghệ và cung cách kinh doanh khoa học, hiện đại của
kinh tế thị trường ồ ạt đổ vào Việt Nam.
Vì vậy, kinh tế phát triển đi với đời sống dễ thở hơn của người Việt
Nam, không hề xác nhận sự tồn tại của loại hình “Kinh tế thị trường định
hướng XHCN” trên địa cầu!
Hãy nhìn những quốc gia bị Hoa Kỳ cấm vận như: Bắc Hàn, Cuba v.v… để
xác tín sự tăng trưởng của Việt Nam không phải từ “kinh tế thị trường
định hướng XHCN”.
ĐCSVN phản bội khoa học, khi đẻ ra “kinh tế thị trường định hướng
XHCN”. Nhưng thật lạ lùng, họ lại đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có
nền kinh tế thị trường. Để làm gì nhỉ (?!)
Nghịch lý nói trên có từ thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà người
Mỹ chưa bao giờ công nhận, dù ngày 8 và 9 tháng Tư năm 2019, ông Nguyễn
Văn Bình với tư cách Trưởng ban kinh tế Trung ương – Ủy viên Bộ Chính
trị, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, tiếp tục công việc dở dang của ông Nguyễn
Tấn Dũng để lại, khi gặp Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương Mại Hoa Kỳ
Karen Dunn Kelly.
Nhà cầm quyền CSVN coi việc hội nhập quốc tế, ký BTA với Hoa Kỳ, gia
nhập WTO như là cái chỗ, để cho họ thích thì làm theo, không thích thì
thôi (!). Lịch sử 25 năm qua đã chứng minh rõ điều đó.
Đài VOA đưa tin: “EVFTA có thêm một điều khoản theo đó thỏa thuận thương mại sẽ bị đình chỉ nếu có vi phạm nhân quyền”.
Chỉ có điều, người ta thắc mắc phải đến như thế nào, phải thu thập
bao nhiêu bằng chứng, để đạt được khái niệm mơ hồ mà phía EU đưa ra gọi
là “nếu có vi phạm nhân quyền”?
Mặt khác, khi ông Bernd Lange gắn mệnh đề “nếu có vi phạm nhân quyền” vào EVFTA tức là EU công nhận nhân quyền là “tập hợp con” trong EVFTA, cấu thành trong sự dày công đàm phán của đôi bên.
Và người Việt Nam phải vượt qua bao nhiêu thủ tục, bao nhiêu quy
trình, phải đào thoát qua bao nhiêu cây số, bằng con đường nào nữa, để
trình ra trước Nghị viện EU những thứ gọi là “nếu có vi phạm nhân quyền” đó?
Thảm trạng của người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Hong Kong, Bắc Hàn, Cuba
v.v… đã đủ chứng minh chưa? Hoặc là báo cáo về vụ Đồng Tâm cùng những
kêu gào tự do cho hơn 200 Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, rồi tình trạng chà
đạp nhân phẩm trải dài trên xứ sở “ngàn năm Văn Hiến” này đã đủ gọi là
“vi phạm nhân quyền” chưa nhỉ (?)
Chẳng lẽ, trong từng miếng cá phi-lê, con tôm, trái xoài, quả cam mà
dân EU dùng bữa, trên đầu lưỡi – những hương vị mặn mòi hoặc ngọt ngào
đó – họ không cảm nhận được nước mắt và cả máu của người Việt Nam đang
khóc ròng và rên la thảm thiết cho quyền con người đang bị dày xéo?
Làm sao cái có thật (tức là nhân quyền) có thể tồn tại ngay trong
lòng cái không có thật (tức là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN)?
Câu hỏi trên đã phơi bày tính phản khoa học của EU, dù họ ra vẻ quan tâm đến quyền con người cho dân Việt Nam.
EU thông qua EVFTA không khác gì Hoa Kỳ đã từng chấp nhận BTA vào năm 2000 với Việt Nam.
Hy vọng, một lúc nào đó EU không phải thốt lên lời cay đắng như Tổng thống Donald Trump nói: “Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc”.
Dù khá muộn nhưng Hoa Kỳ đang sửa sai bằng thông tin của RFA cho hay:
Ngày 11 tháng Hai năm 2020, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông
báo thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển, đồng
nghĩa với việc Mỹ sẽ xóa bỏ ưu đãi của WTO với nhiều nước, trong đó có
Việt Nam”.
Thành công với EVFTA nhưng ĐCSVN đang phải đối mặt trước hung tin nói
trên, cộng với tình hình dịch bệnh Covid-19, có vẻ tạo ra hình ảnh
“người cầm lái vĩ đại” không được “xuôi chèo mát mái” cho “nền kinh tế
thị trường định hướng XHCN” mà nó vẫn đang vỗ về cho toàn bộ “thủy thủ
đoàn” thuộc Bộ Chính trị trong những ngày chuẩn bị cho đại hội đảng lần
thứ 13?!
No comments:
Post a Comment