Và để mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân Hà và Nguyên Khải.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào hôm Chủ nhật 23/2 xác nhận là có hơn 8
ngàn người Việt đang sinh sống trong thành phố Daegu, thuộc tỉnh
Gyeongsangbuk- Do của Nam Hàn, nơi bộc phát một ổ dịch viêm phổi
Covid-19 lớn thứ hai trên thế giới, với hơn 600 ca nhiễm bệnh và 6 người
chết, tính đến sáng hôm nay.
Trong số 8.285 người Việt ở Daegu, hơn 300 người đang cư trú tại quận
Cheongdo, tỉnh Gyeongsangbuk-Do, nơi có ngôi nhà thờ của giáo phái Tân
Thiên Địa, trong đó hàng trăm tín đồ bị nhiễm dịch từ một phụ nữ 61
tuổi. Đã có 6 người chết và 602 ca bệnh, chính phủ Nam Hàn phải nâng
mức báo động lên cấp cao nhất, nhưng không áp dụng biện pháp phong tỏa
thành phố Daegu.
Vào chiều hôm qua, nhà cầm quyền thành phố Hà Nội cũng họp khẩn để
bàn đến biện pháp cách ly và kiểm tra sức khỏe của hàng ngàn người Việt
sắp trở về từ Nam Hàn. Không chỉ có người Việt, mà tất cả du khách Nam
Hàn đến Hà Nội cũng sẽ bị cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe.
Cần nói thêm, theo con số thống kê của nhà nước Việt Nam, hiện có
hơn 300 ngàn người Việt, đa số là du học sinh và công nhân lao động,
đang sinh sống tại Nam Hàn. Trước đây, mỗi ngày có 14 chuyến bay từ
Daegu đến Đà Nẵng và 7 chuyến đến Cam Ranh, nhưng 2 tuần qua thì chỉ còn
4 chuyến bay đến Cam Ranh.
2) VIỆT NAM PHỦ NHẬN NỮ SINH TỬ VONG Ở HUẾ LÀ DO NHIỄM DỊCH COVID-19
Giới chức thưộc Sở Y tế ở Huế vào hôm qua tái khẳng định nữ sinh tử
vong tại bệnh viện trung ương Huế vào hôm thứ Sáu 21/2 là bị viêm phổi
nhưng không phải do bệnh Covid-19.
Mẫu xét nghiệm của bệnh nhân nói trên đã gửi cho viện Pasteur Nha
Trang nhưng kết quả vẫn chưa nhận được. Đáng nói hơn nữa, ngay sau khi
cô nữ sinh chết, giới chức y tế Huế tuyên bố với báo chí là bệnh nhân
chết vì viêm não, sau một tuần ho khan và khó thở.
Các lời tuyên bố đầy mâu thuẫn của giới chức y tế về cái chết của nữ
sinh nói trên khiến dư luận nhớ đến một ca bệnh xảy ra vào đầu tháng
này. Bệnh nhân là một người ở quận Gò Vấp – Sài Gòn, được bệnh viện
Nhiệt đới xác nhận là nhiễm dịch Corona, nhưng viện Pasteur Sài Gòn lại
đưa ra kết quả ngược lại.
3) HÀNG KHÔNG VIỆT NAM MẤT HƠN 40% LƯỢNG KHÁCH QUỐC TẾ
Dịch viêm phổi Covid-19 khiến cho Việt Nam mất hơn 40% lượng khách
quốc tế trong vòng một tháng qua, trong khi đó các kinh tế gia ước tính
là các hãng hàng không quốc tế sẽ thiệt hại hơn 29 tỷ Mỹ kim vì dịch
này.
Theo số liệu công bố của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số du khách
ngoại quốc đến Việt Nam trong tháng 2 chỉ khoảng 2 triệu người và số
khách nội địa khoảng 3 triệu, tức giảm gần 40% so với cùng kỳ năm
ngoái.
Chỉ tính riêng đường bay đến Hoa Lục, 3 hãng: Vietnam Airlines,
VietJet và Jetstar đã hủy 80 chuyến bay mỗi ngày, với mức thiệt hại lên
đến vài chục triệu Mỹ kim mỗi tuần. Theo dự báo của cục Hàng không Việt
Nam, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài vài tháng nữa thì giới hàng không
Việt Nam sẽ thiệt hại cả tỷ Mỹ kim.
4) NAM HÀN NÂNG MỨC BÁO ĐỘNG LÊN CẤP CAO NHẤT VÌ DỊCH COVID-19
Sau 6 ca tử vong và hơn 600 ca nhiễm bệnh, chính phủ Nam Hàn đã ban
hành lệnh báo động tối cao, vì quốc gia trở thành ổ dịch Covid-19 lớn
thứ nhì trên thế giới sau Hoa Lục, không tính đến ổ dịch trên du thuyền
Diamond Princess.
Phát biểu sau cuộc họp khẩn vào chiều Chủ nhật 23/2, Tổng thống Moon
Jae-in tuyên bố đất nước Nam Hàn đang lâm nguy, cần dồn mọi nỗ lực để
đối phó với dịch Covid-19 đang lây lan nhanh ở thành phố Daegu, từ một
nữ tín đồ thuộc giáo phái Tân Thiên Địa. Tuy nhiên, chính phủ Nam Hàn
chưa có quyết định phong tỏa Daegu, như Trung Cộng đã thực hiện đối với
thành phố Vũ Hán.
Vào hôm qua, nhiều cửa hàng và quán xá tại Daegu loan báo đóng cửa vì
dịch bệnh và do thiếu nhân viên. Điều này gây thêm hoảng hốt trong xã
hội, với dân số 2 triệu rưởi, hiện Deagu có gần 300 ca bệnh, đa số là
các tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa.
5) NƯỚC Ý PHONG TỎA MỘT THÀNH PHỐ ĐỂ CHẬN DỊCH COVID-19
Nước Ý trở thành quốc gia đầu tiên ở Âu châu ra lệnh phong tỏa nguyên
một thành phố, để ngăn chận sự lây lan siêu vi viêm phổi Covid-19.
Tính đến hôm qua, tổng cộng đã có 132 người nhiễm dịch và 2 người
chết tại Codogno, gần Milan. Với lệnh phong tỏa nói trên, 11 thị trấn ở
tỉnh Lodi có dân số 52 ngàn người sẽ rơi vào cảnh “nội bất xuất, ngoại
bất nhập” trong một thời gian dài. Chỉ những người có giấy phép đặc biệt
mới có thể ra vào khu vực phong tỏa nói trên. Nhằm bảo đảm là cuộc
phong tỏa được tuân thủ nghiêm ngặt, chính phủ Ý sẽ điều động binh sĩ
đến bao vây khu vực. Toàn bộ các trường học sẽ bị đóng cửa.
No comments:
Post a Comment