Tuesday, February 4, 2020

Sự minh bạch, chính xác, kịp thời của truyền thông là yếu tố quan trọng khi dịch bệnh lây lan

Chuyện Nước Non Mình

Kính thưa quý thính giả, khi có đại dịch xảy ra thì người dân cần có những tin tức minh bạch với những con số chính xác để an tâm lo liệu trước khi cơ quan công quyền có những biện pháp thích nghi.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ Sự minh bạch, chính xác, kịp thời của truyền thông là yếu tố quan trọng khi dịch bệnh lây lan” của Mẹ Nấm sẽ được Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Mẹ Nấm
Trong bối cảnh hiện tại khi dịch bệnh lây lan, Coronavirus (2019-nCoV) khiến người ta lo lắng và bất an. Bất an hơn nữa là đối với những công dân sống trong các quốc gia mà nhà cầm quyền luôn coi sự minh bạch là kẻ thù và luôn tìm cách bưng bít truyền thông.
Tại Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) đưa thông tin rất chính xác và cụ thể, ví dụ như số trường hợp đã xác định nhiễm bệnh hoặc đang được theo dõi trong danh sách y tế, số bệnh nhân bị cô lập vì có triệu chứng và số liệu trong danh sách này nằm ở 26 bang khác nhau. 
CDC Trung cộng trên bề mặt cũng tỏ ra tuân thủ cách thông tin như trên và chi tiết hơn với số ca vô khám và số ca ra về trong ngày, số ca theo dõi, số ca cách ly theo dõi y tế… Tuy nhiên,ông Anthony Fauci – giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan tâm rằng: mặc dù Trung cộng đã minh bạch hơn trong vụ dịch Coronavirus mới hơn so với vụ dịch SARS năm 2003 nhưng Hoa Kỳ vẫn chỉ nhận được thông tin từ Trung cộng thông qua các cuộc họp báo thay vì từ dữ liệu khoa học được chia xẻ.
Tại Vũ Hán nơi phát xuất Coronavirus, thị trưởng thành phố là ông Zhou Xianwang vừa thú nhận là ông và giới cầm quyền đã không truyền đạt thông tin “đúng lúc” về tình trạng dịch. Lời thú nhận này xảy ra sau khi 5 triệu dân Vũ Hán đã thoát khỏi thành phố trước khi lệnh phong toả có hiệu lực vào thứ Năm tuần trước.
Ông Zhou Xianwang cho biết thêm, ngoài việc giữ lại thông tin, thành phố đã không sử dụng thông tin hiệu quả để gia tăng hiệu quả công việc. Tuy nhiên, ông chỉ hy vọng rằng người dân hiểu được những quyết định của giới cầm quyền địa phương vì bệnh truyền nhiễm phải được thông báo theo những quy định của pháp luật và địa phương chỉ được quyền thông báo sau khi được (trung ương) phê chuẩn. Do đó, bên cạnh mối lo về minh bạch thông tin là thông tin chính xác, kịp thời và có kiểm chứng khoa học.
Người dân tại Hoa Kỳ ít khi nào thắc mắc hay thiếu niềm tin với số liệu do cơ quan y tế chính phủ đưa ra. Còn ở bê n Tàuthì ngược lại. Rút kinh nghiệm từ dịch SARS, sự xuất hiện của Internet và mạng xã hội, thế giới đã và đang chứng kiến sự yếu kém, tắc trách của quan chức địa phương và trung ương Bắc Kinh khi dịch 2019-nCoV bùng nổ. Sự phân cấp quyền lực chính trị, địa phương phải đợi chỉ thị (hay sự ủy quyền) từ trung ương mới được phát biểu, công bố khiến Vũ Hán thất thủ. 
Người dân hoàn toàn có quyền đòi hỏi sự minh bạch đúng, đủ và cần thiết trong giai đoạn dịch phát triển. Hiện tại, ở Việt Nam, người dân phải tự mò mẫm, chắp nối, suy luận từ thông tin rời rạc trên các báo. Và chính vì không có sự minh bạch rõ ràng nên không có bất cứ một quan chức nào phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn hay thông tin mà mình đưa ra. Người dân Việt Nam cứ tiếp tục nháo nhào hỗn loạn. An ninh công an thì rình rập bắt những công dân đang có những nỗ lực truyền đạt thông tin đến người dân nhưng bị giới cầm quyền gán ghép là đưa tin thất thiệt. 
Trên các trang thông tin lề đảng, hôm nay thì tin bệnh nhi chết vì cúm có liên quan đến 2019-nCoV, ngày mai thì tin khách Đài Loan đang ngồi uống café nôn ói rồi đưa vô bệnh viện. Thậm chí những thông tin chưa có kiểm chứng hay không thể kiểm chứng như nữ nhân viên tiếp tân khách sạn BOSS (số 10 Tôn Đản, Nha Trang) nơi hai cha con du khách người Tàu dương tính với virus 2019-nCoV đang được điều trị ở Sài Gòn đã từng lưu trú, hiện đã nhiễm bệnh và đang được điều trị, có dấu chỉ hồi phục tích cực tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa.
Tin đồn lan truyền và người dân đặt câu hỏi: “Nếu xét nghiệm dương tính mà không được phép công bố thì sao?” 
Tôi không thể trả lời được những câu hỏi mà bạn đọc đã đặt ra cho tôi như trên, bởi vì tôi cũng như mọi công dân Việt Nam khác không có thẩm quyền và không có quyền cũng như điều kiện để tự do kiểm chứng thông tin. 
Báo chí có thể cập nhật tin tức hôm nay có bao nhiêu trường hợp nghi nhiễm, bị cô lập, đang theo dõi từ Bộ Y tế bằng văn bản, hay điện thoại hay nguồn tin riêng… còn người dân Việt Nam thì không thể tìm kiếm, theo dõi những thông tin dịch bệnh một cách công khai như ở Hoa Kỳ hay ít nhất là tại Trung cộng.
Liệu báo chí có đủ quyền hay điều kiện làm việc để theo dõi, tổng hợp, cập nhật tình hình như báo chí quốc tế đang làm hay không? Hiện tại, để cập nhật tin dịch bệnh ở nước Tàu có tờ Caixin đang làm tương đối tốt điều này. Những tờ báo lớn của phương Tây thì khỏi bàn vì họ có tiêu chuẩn căn bản của nghề báo và có đủ thẩm quyền lẫn trách nhiệm để đưa tin phục vụ công chúng mà không bị kiểm duyệt. 
Vì vậy, Ban Tuyên giáo và công an đừng lo chặn thông tin hay cải chính tin đồn, hãy tạo cơ hội cho báo chí, tạo lập kênh thông tin trung thực để người dân theo dõi, chứ đừng chống dịch, kiểm soát dịch bằng cách hô khẩu hiệu suông.

No comments:

Post a Comment