Saturday, February 15, 2020

Tin Tức: Thứ Bảy 15.02.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Bảo trân Hướng Dương trình bày sau đây.

1) PHỤ HUYNH ĐỀ NGHỊ KÉO DÀI KỲ NGHỈ CỦA HỌC SINH VÌ DỊCH COVID-19
Nhiều phụ huynh học sinh đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo kéo dài thời gian nghỉ học của các trường học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông trong bối cảnh nhiều địa phương bị đe doạ bởi sự bùng phát của dịch Covid-19.
Nhiều người tuyên bố sẽ không cho con đi học nếu Bộ này vẫn quyết định mở cửa trường học vào ngày 17/2.
Trong diễn biến mới nhất, vào tối thứ Sáu ngày 14/2, bộ GD&ĐT đã ra công văn hoả tốc đề nghị các tỉnh thành xem xét cho học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2.
Việt Nam tính đến ngày 14/2 đã có 16 trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19, trong đó có một bé gái 3 tháng tuổi bị lây nhiễm từ bà ngoại, người trước đó đã bị lây nhiễm bệnh từ con gái trở về từ Trung Cộng. Nhiều người nghi ngờ con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến đề nghị kéo dài kỳ nghỉ của học sinh và sẽ tổ chức học bù vào mùa hè.
Việt Nam được xem là một trong những nước có nguy cơ bùng phát dịch cao vì là quốc gia láng giềng với Trung Cộng, trung tâm xuất phát dịch Covid-19, với rất nhiều liên lạc giao thương qua lại giữa hai nước.
2) VIỆT NAM TỪ CHỐI ĐÓN 2 TÀU DU LỊCH NGOẠI QUỐC VÌ LO NGẠI VỀ COVID-19
Việt Nam từ chối cấp phép cập cảng cho 2 tàu du lịch AIDAvita của Đức và Norwegian Jade của Na Uy vì lo ngại hai tàu này đã cập bến ở những địa điểm có người nhiễm virus covid-19.
Nhà chức trách tỉnh Quảng Ninh đã quyết định không cho phép hành khách của tàu du lịch AIDAvita được rời tàu lên bờ hôm thứ Năm ngày 13/2 sau khi có thông tin tàu này đã cập cảng tại Philippines, Malaysia và Singapore trước khi đến Việt Nam.
Việt Nam cũng không cho tàu Norwegian Jade của hãng Norwegian Cruise Line Holdings Ltd cập cảng cho dù thuyền trưởng Frank Juliussen báo cáo rằng trên tàu không có ai bị nhiễm Covid-19 và tàu cũng không quá cảnh ở Trung Cộng, Macao hay Hongkong.
3) VIỆT NAM TẠM GIỮ SỔ THÔNG HÀNH CỦA NHÀ SƯ CAMPUCHIA VÌ “VI PHẠM LUẬT AN NINH MẠNG”
Nhà cầm quyền tỉnh Sóc Trăng đã tạm giữ hộ chiếu/sổ thông hành của nhà sư Seun Ty, quốc tịch Campuchia, trong thời gian gần hai tuần, lấy lý do ông “vi phạm Luật An ninh Mạng” của Việt Nam.
Nhà sư Seun Ty bị công an Sóc Trăng tạm giữ giấy tờ từ ngày 02/2 khi ông về thăm quê nhà ở tỉnh này, và chỉ được trả lại vào thứ Sáu ngày 14/2 sau khi nhiều tổ chức quốc tế mạnh mẽ lên tiếng. 
Ông bị công an Việt Nam cáo buộc đã vi phạm Luật An ninh Mạng của Việt Nam với lý do là khi còn ở Campuchia ông đã đưa lên mạng tin tức bài phỏng vấn ông Trần Manrinh, người đại diện của Liên đoàn Khmer Kampuchea-Krom (KKF).
Công an Việt Nam hăm doạ sẽ không cho nhà sư Seun Ty nhập cảnh Việt Nam lần nữa hoặc đưa ra mức phạt 30 triệu đồng.
4) HOA KỲ HỖ TRỢ VIỆT NAM QUẢN LÝ NGHỀ CÁ VÀ KHẢ NĂNG THỰC THI PHÁP LUẬT BIỂN
Theo thông báo của Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam vào thứ Sáu ngày 14/2, Washington đang hỗ trợ Hà Nội trong việc quản lý nghề cá và khả năng thực thi pháp luật biển.
Theo đó, phía Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong việc tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị nâng cao khả năng thực thi pháp luật biển, và xây dựng các trung tâm đào tạo nhằm tăng cường năng lực của Việt Nam trong việc bảo vệ và duy trì bền vững các nguồn sinh vật biển.
Chính phủ Hoa Kỳ nhận định rằng ngành cá là một ngành kinh tế lớn của Việt Nam, tuy nhiên “việc khai thác quá mức, đánh bắt cá trái phép và suy thoái môi trường đã khiến trữ lượng thuỷ sản cạn kiệt, xuống dưới mức độ bền vững.”
Từ tháng 10/2017, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức áp dụng “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, đồng thời cảnh báo có thể sẽ cấm nhập các mặt hàng hải sản từ Việt Nam nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).
5) BẮC HÀN HÀNH QUYẾT NGƯỜI VI PHẠM LỆNH CÁCH LY COVID-19
Nhà cầm quyền cộng sản Bắc Hàn đã hành quyết một nhân viên thương mại vì người này vi phạm lệnh cách ly sau khi trở về từ Trung Cộng, nơi có dịch viêm phổi cấp do Covid-19 đang hoành hành.
Theo một tờ báo Nam Hàn, người này đang ở tình trạng bị cách ly để theo dõi liệu có bị lây nhiêm Covid-19 hay không sau khi trở về từ Trung Cộng. Người này bị cảnh sát bắt giữ khi đi tới nhà tắm công cộng và bị hành quyết ngay lập tức.
Bắc Hàn đã đóng cửa biên giới với Trung Cộng ngay từ khi dịch mới bùng phát ở Vũ Hán. Do vậy, nước này chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19. Người vừa trở về từ Trung Cộng hoặc có tiếp xúc với người Hoa Lục đều bị cách ly từ 14 đến 30 ngày. Tất cả công dân Bắc Hàn và người nước ngoài ở nước này phải tuân thủ vô điều kiện và người vi phạm phải hứng chịu hình phạt nghiêm khắc, kể cả tử hình.
Một sỹ quan an ninh bị đày đến một trang trại, vì đã không khai báo là vừa từ Trung Quốc trở về.
6) PHÁP ĐIỀU  QUÂN ĐẾN ESTONIA, SÁT BIÊN GIỚI VỚI NGA
Chính phủ Pháp sẽ điều quân đến Estonia, sát biên giới với Nga vào mùa xuân năm sau trong khuôn khổ chương trình tăng cường sự hiện diện của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại các nước Baltic và Ba Lan. 
Theo thông báo của Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly vào thứ Năm ngày 13/02, Pháp sẽ đóng quân tại Estonia cùng với binh sĩ Anh trong vòng 1 năm, kể từ tháng 03/2021. 
Đây sẽ là đợt điều quân lâu nhất của Pháp trong khuôn khổ chương trình tăng cường sự hiện diện của NATO tại các quốc gia Baltic và Ba Lan.
Năm 2016, NATO đã quyết định điều động các tiểu đoàn đa quốc gia luân chuyển tại các quốc gia Baltic Latvia, Litva, Estonia và Ba Lan theo đề nghị của chính các nước này. Hồi tháng 04/2017, gần 1.200 binh sĩ NATO đã được điều đến thành phố Tapa, cách Tallinn 77 km và cách biên giới Estonia-Nga 140 km.

No comments:

Post a Comment