Mở đầu chương trình, mời quý vị cùng theo dõi phần Tin Tức với Vân
Khanh và Đồng Tâm.
Chính phủ Cộng hoà Slovakia đã quyết định trục xuất một nhân viên ngoại
giao của Toà Đại sứ cộng sản Việt Nam tại Bratislava vì có liên quan đến vụ bắt
cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một nhân viên cao cấp của chế độ cộng sản, tại Berlin
trong năm 2017.
Theo nhật báo SME, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao của Slovakia,
ông František Ružička đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại
Slovakia Dương Trọng Minh để thông báo về quyết định ký bởi Ngoại trưởng Miroslav Lajčák, rằng một
trong những nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Bratislava
là “người không được hoan nghênh” và nhà ngoại giao này phải rời khỏi Slovakia
trong vòng 48 giờ.
Trong buổi gặp, ông F. Ruzicka
nói rằng Cộng hòa Slovakia quan tâm đến việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ
song phương dựa trên “sự nghiêm túc, lợi ích chung và tôn
trọng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.”
Slovakia chính là quốc gia đã bị công an Việt Nam lợi dụng trong vụ bắt cóc
trên. Bộ trưởng công an cộng sản Tô Lâm đã mượn chuyên cơ của chính phủ
Slovakia để đưa Trịnh Xuân Thanh rời châu Âu về Việt Nam, nơi ông này bị kết án
chung thân về sai phạm kinh tế và tham nhũng.
2) VIỆT NAM THIẾT LẬP BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH CORONA
Việt Nam đang thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến với hàng ngàn giường bệnh
để có thể ứng phó với nguy cơ tăng đột biến các ca lây nhiễm virus corona, mà
những người được tiếp nhận đầu tiên là các công dân trở về từ Trung Cộng.
Theo VOA, 2 đơn vị quân sự ở Hà Nội được trang bị lại để trở thành 2 trung
tâm có khả năng cách ly 1.500 người. Việt Nam đang chuẩn bị để tiếp nhận 950
người từ Trung Cộng, sẽ được cách ly tại các cơ sở này.
Trong khi đó, AFP đưa tin 2 tỉnh miền Bắc giáp ranh
với Trung Cộng cũng đã thiết lập nhiều trung tâm có 3.000 giường bệnh. Miền
Trung đã có một số trung tâm sẵn sàng đón nhận 3.700 người.
Tại Sài Gòn, nơi có 3 ca lây nhiễm virus corona, 2 bệnh viện dã chiến đang
được gấp rút xây dựng.
Cho tới nay, Việt Nam xác nhận có khoảng 10 ca lây nhiễm, trong số này có 3
người không hề lui tới Trung Cộng trong thời gian gần đây. Số người lây
nhiễm có thể sẽ tăng trong thời gian tới.
3) CANADA ĐƯA PHI CƠ TỚI VIỆT NAM ĐỂ SƠ
TÁN CÔNG DÂN TỪ VŨ HÁN
Bộ Ngoại giao Canada đã đưa một phi cơ tới Hà Nội để chuẩn bị sơ tán công
dân của mình từ Vũ Hán, trung tâm của nạn dịch viêm phổi cấp gây ra bởi corona.
Theo đó, phi cơ của Canada đang trên hành trình tới Hà Nội, và sẵn sàng tới
Trung Cộng khi được chấp thuận. Đi cùng phi cơ là đội ngũ nhân viên y tế của
Quân đội Canada.
Không rõ phi cơ này có quá cảnh ở Hà Nội trên đường trở về Canada từ Vũ Hán
hay không. Theo quy định mới đây của chính phủ Việt Nam thì Hà Nội đã quyết
định “tạm thời chưa cho phép người nước ngoài đang cư trú ở các tỉnh, thành của Trung
Cộng đang có dịch bệnh nhập cảnh vào Việt Nam,” và “người nước ngoài nhập cảnh
Việt Nam từ những nước khác (không phải Trung Quốc) nhưng đã từng ở Trung Quốc
trong vòng 14 ngày trước khi vào Việt Nam thì cũng thuộc diện tạm thời chưa
được phép nhập cảnh.”
4) TÀU DU LỊCH DIAMOND PRINCESS BỊ CÁCH LY
VÌ CORONA VIRUS SAU KHI DỪNG CHÂN Ở VIỆT NAM
Sau khi ghé Vịnh Hạ Long ngày 28/1, tàu du lịch Diamond Princess có ít nhất
10 người có xét nghiệm dương tính với corona virus, và hiện đang phải đậu ngoài khơi Yokohama Nhật Bản để cách ly.
Theo BBC News, 300 người đã được xét nghiệm cho tới nay trên tổng số 3.700
hành khách và thủ thủ đoàn, và số ca nhiễm dương tính có thể còn tăng.
Báo Nhân Dân đưa tin tại Hạ Long, du khách của tàu Diamond Princess đã tham
quan vịnh Hạ Long và nhiều điểm du lịch ở thành phố Hạ Long.
5) TỔNG THỐNG HOA KỲ DONALD TRUMP ĐƯỢC THA BỔNG TRONG PHIÊN TOÀ
LUẬN TỘI
Trong phiên xử luận tội tại Thượng viện Hoa Kỳ thứ Tư ngày 05/2, Tổng thống
Donald Trump được trắng án sau cuộc bầu
phiếu ở thượng viện mà đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số.
Thượng viện Hoa Kỳ đã biểu quyết với tỷ lệ 52-48 để tha
bổng cho ông Trump về cáo trạng lạm dụng quyền hành xuất phát từ việc ông yêu
cầu Ukraine điều tra đối thủ chính trị của mình là Joe Biden. Thượng nghị sĩ
Cộng hòa Mitt Romney là người duy nhất đứng về phe Dân chủ trong việc bỏ phiếu
buộc tội ông Trump về cáo trạng này. 47 thượng nghị
sĩ Dân chủ đều bỏ phiếu chống ông Trump.
Phe Dân chủ gọi phiên xử này là ngụy tạo và che đậy sự thật trong khi ông
Trump lên án vụ xử luận tội là âm mưu lật đổ ông. Phe Dân chủ thề quyết sẽ tiếp
tục các cuộc điều tra.
Theo Hiến pháp, để truất phế Tổng thống cần đạt được đa số 2/3 phiếu đồng
thuận truất phế tại Thượng viện gồm 100 thành viên.
6) VIỆT NAM CHẶN TUYÊN BỐ CHUNG CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VỀ VI PHẠM NHÂN QUYỀN CỦA MYAMAR
Việt Nam, với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an
Liên Hiệp Quốc, và Trung cộng đã chặn một tuyên bố chung của Hội đồng này
về ngăn chặn
nạn diệt chủng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar trong cuộc họp của tổ chức này
trong thứ Ba ngày 04/2.
Trước đó, vào ngày 23/1, Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán
quyết yêu cầu Myanmar thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ cộng
đồng người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Đây là vụ kiện do Gambia đưa
ra trước ICJ, cáo buộc chính phủ Myanmar đã vi phạm Công ước chống diệt chủng
của Liên Hiệp Quốc năm 1948.
Khoảng 700.000 người Rohingya đã phải chạy khỏi Myanmar để sang lánh nạn
tại nước láng giềng Bangladesh từ năm 2017 đến nay, sau khi lực lượng an ninh
Myanmar tiến hành chiến dịch trấn áp nhắm vào nhóm người thiểu số Hồi giáo này.
Hiện có khoảng hơn 1 triệu người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.
7) HOA KỲ LẬP KỶ LỤC TUẦN TRA Ở BIỂN ĐÔNG
NĂM 2019
Hải quân Hoa Kỳ tăng cường số lần đưa tàu chiến đi tuần tra ở Biển Đông
trong nhiều năm gần đây, và năm 2019 thì con số này tăng lên 7, đạt kỷ lục
trong nhiều thập niên qua.
Trong tất cả các lần tuần tra của Hải quân Hoa Kỳ năm ngoái, tàu chiến đã
đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo bị Trung cộng chiếm đóng ở Biển Đông.
Theo dữ liệu được Hạm Đội 7 Hoa Kỳ công bố, những chuyến tuần tra vì
tự do
lưu thông hàng hải (FONOP) được tiến hành kể từ khi Trung Cộng bắt đầu
bồi đắp, củng cố và quân sự hóa các đảo và đá mà nước này chiếm
đóng ở Biển Đông.
Hải Quân Mỹ đã tiến hành 5 đợt tuần tra trong khuôn khổ FONOP năm 2018, 6
chuyến vào năm 2017, năm đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống Trump. Trước đó, dưới
thời tổng thống Barack Obama, Hải quân Mỹ tiến hành 3 chuyến năm 2016, chỉ có 2
chuyến năm 2015 và không có chuyến nào vào năm 2014.
Ngày 25/01, Hải quân Mỹ đã tiến hành chuyến tuần tra đầu tiên của năm 2020,
chỉ cách đảo đá Chữ Thập vài cây số, nhằm “khẳng định các quyền và quyền
tự do lưu thông hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
No comments:
Post a Comment