Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Bá Cơ trình bày sau đây.
Bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, đã ngất xỉu khi 20 công an đến
tư gia ở xã Đồng Tâm để đọc lệnh khám xét nhà vào sáng hôm qua, thứ Năm
20/2.
Vài ngày trước đó, công an cũng ập vào nhà ông Kình để tháo gỡ các
cửa kiếng có vết đạn xuyên thủng trong vụ tấn công của hàng ngàn công an
vào rạng sáng ngày 9/1. Ông Lê Đình Kình, 83 tuổi, đã bị công an bắn
chết với nhiều phát đạn tại tư gia trong cùng ngày.
Theo lời kể của anh Trịnh Bá Phương, người giữ liên lạc thường xuyên
với gia đình ông Kình sau trận tấn công, bà Dư Thị Thành bị ngất xỉu vì
tức giận trước thái độ bất kính và lời lẽ khiếm nhã của công an.
Một đoạn phim được tung lên mạng cho thấy cảnh bà Thành ngất xỉu trong
vòng vây của công an. Khi người dân kéo đến, nhóm công an vội vã rút
lui. Bà Thành được một y tá tiêm thuốc và đã tỉnh lại sau đó.
Vào hôm qua, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng kêu gọi khối
Âu châu gia tăng sức ép, buộc bạo quyền Hà Nội phải công bố minh bạch
diễn tiến vụ tấn công sát hại ông Lê Đình Kình, người cầm đầu cuộc đấu
tranh giữ đất tại xã Đồng Tâm.
ĐẠI SỨ MỸ TẠI VIỆT NAM CAM KẾT THÚC GIỤC HÀ NỘI CẢI THIỆN NHÂN QUYỀN
Phát biểu trong buổi gặp gỡ đông đảo người Việt tại tiểu bang
California vào hôm thứ Tư 19/2, ông Daniel Kritenbrink, đại sứ Mỹ tại
Việt Nam, tái khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là thúc giục Hà Nội
phải tôn trọng nhân quyền.
Phát biểu tại hội trường Đại học Coastline ở quận Cam, ông
Kritenbrink nhấn mạnh: lãnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo là vấn đề
trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ông cho biết, trong
thời gian chờ đợi cuộc đối thoại thường niên giữa hai nước Mỹ – Việt lần
thứ 24, ông luôn nêu lên các vấn đề nhân quyền đối với phía Việt
Nam, nội dung nhấn mạnh là chỉ có những cải thiện cụ thể về nhân quyền
mới giúp ích cho mối quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ Kritenbrink cũng thừa nhận là trong 4 năm qua, bạo quyền Việt
Nam đã gia tăng chiến dịch đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính
kiến. Gần như mỗi ngày ông đều gửi văn thư phản đối những vụ đàn áp đó.
Đồng thời, ông cam kết sẽ nỗ lực can thiệp để đưa tù nhân lương tâm
Michael Phương Minh Nguyễn, một công dân Mỹ, sớm trở về Mỹ để đoàn tụ
với gia đình.
ĐƯỜNG XE LỬA BẮC – NAM SẼ NGỪNG HOẠT ĐỘNG VÌ THIẾU TIỀN
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vào hôm qua lên tiếng đe dọa sẽ
ngưng hoạt động tuyến đường sắt Bắc – Nam vì không còn tiền để trả lương
cho lực lượng tuần tra và nhân viên gác chắn.
Ông Vũ Anh Minh, chủ tịch tập đoàn đường sắt Việt Nam, đã đưa ra
lời đe dọa nói trên trong phiên họp cao cấp của nhà nước Việt Nam vào
sáng thứ Năm 20/2 tại Hà Nội. Ông Minh cho biết là đã từng báo cáo lên
bộ Giao thông và thủ tướng về các khó khăn của tổng công ty, nhưng đến
nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo tiết lộ của ông Minh, hơn 10 ngàn nhân viên tuần tra và gác chắn
đã không được trả lương suốt hai tháng qua, nếu không giải quyết thì
phải ngưng hoạt động vào tháng 3 tới đây để tránh rủi ro cho các đoàn
tàu và hành khách.
SÀI GÒN CHO PHÉP HỌC SINH ĐƯỢC NGHỈ HỌC ĐẾN CUỐI THÁNG 3
Vào hôm qua, chủ tịch thành Hồ đã gửi một lá thư đề nghị nhà nước cho
phép sinh viên, học sinh được nghỉ học đến cuối tháng 3 vì lo ngại dịch
viêm phổi Covid-19.
Trong khi giới chức Việt Nam luôn khẳng định là đã chữa trị được
toàn bộ 16 ca bệnh Covid-19, thì trong văn thư nói trên, ông Nguyễn
Thành Phong, chủ tịch thành Hồ, cho biết là tình hình dịch bệnh có
những diễn biến khó lường nên phải cho học sinh nghỉ thêm nhiều ngày
nhằm bảo đảm mức độ an toàn. Ông Phong cũng đề nghị điều chỉnh niên học
năm nay đến cuối tháng 7, thay vì đến tháng 6 như mọi năm.
Tuần trước, Bộ Giáo dục đã gửi công văn đến các tỉnh thành, cho phép học sinh được nghỉ học đến cuối tháng 2.
BUÔN MÊ THUỘT ĐÓN NHẬN 630 NGƯỜI VIỆT TRỞ VỀ TỪ Ổ DỊCH HOA LỤC
Trong vài ngày tới đây, thành phố Buôn Mê Thuột sẽ đón nhận 630 người
Việt trở về từ Hoa Lục, nơi mà dịch bệnh viêm phổi Covid-19 đã và
đang hoành hành suốt 2 tháng qua.
Báo chí lề đảng cho biết 300 người trong số đó sẽ bị cách ly tại một
doanh trại bộ đội ở tỉnh Đắk Lắk, trong khi 330 người còn lại sẽ được
đưa về cách ly tại một doanh trại ở thành phố Gia Nghĩa, thuộc tỉnh Đắk
Nông. Hiện hai doanh trại nói trên đang chuẩn bị giường chiếu, kệ tủ và
một số thiết bị để đón nhận 630 người này.
Ngoài ra, bộ chỉ huy huy quân sự tỉnh Đắk Lắk cho biết là họ cũng sẽ
tiếp nhận những công dân Việt Nam từ các vùng dịch trở về qua cửa ải
Đắk Ruế thuộc huyện Ea Súp.
TRUNG CỘNG XẢ NƯỚC CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN ĐỂ CỨU SÔNG MEKONG
Phát biểu tại hội nghị sông Mekong vào hôm qua, Ngoại trưởng Trung
Cộng, ông Vương Nghị tuyên bố là sẽ xả nước các đập thủy điện để giúp
các nước đang bị hạn hán ở hạ lưu sông Mekong.
Trong phát biểu, ông Vương Nghị cho biết nguyên nhân hạn hán là vì
lượng mưa quá ít và Trung Cộng cũng bị thiệt hại nhưng bây giờ đã vượt
qua được nên sẵn sàng gia tăng lưu lượng xả nước để giúp các nước đối
phó với nạn hạn hán.
Một ngày trước khi diễn ra hội nghị nói trên, một tổ chức quốc tế
công bố báo cáo cho thấy nguyên nhân hạn hán đến từ việc xây dựng hàng
loạt đập thủy điện trên sông Mekong, làm đảo lộn hệ thống sinh thái ở
con sông đã nuôi sống hàng trăm triệu người suốt mấy ngàn năm qua. Theo
báo cáo, các nước ở hạ lưu sông Mekong sẽ càng ngày càng phải lệ thuộc
vào Trung Cộng, nếu không muốn bị hạn hán mỗi năm.
THẢM SÁT TẠI ĐỨC: 9 NGƯỜI DÂN VÀ HUNG THỦ THIỆT MẠNG
Trong một vụ thảm sát mà cảnh sát Đức mô tả là “hận thù chủng tộc”,
một tay súng đã bắn chết 9 người trong hai cửa tiệm của người Thổ Nhĩ Kỳ
và người Kurd ở thị trấn Hanau, gần thành phố Frankfurt.
Vụ nổ súng giết người diễn ra vào đêm thứ Tư 19/2, ngày giờ địa
phương, khiến 8 người chết trong độ tuổi từ 21 đến 44. Cảnh sát Đức cho
biết hung thủ để lại một đoạn phim và một lá thư tuyệt mệnh, nội dung
kêu gọi dân Đức hãy đứng lên tiêu diệt những người khác chủng tộc.
Vài giờ sau vụ thảm sát, cảnh sát Đức tìm thấy thi hài hung thủ tên
Tobias R. 43 tuổi, và người mẹ 72 tuổi của y trong một căn chung cư.
Hiện chưa rõ lý do tại sao người mẹ của hung thủ cũng bị thiệt mạng.
HAI CA TỬ VONG ĐẦU TIÊN CỦA Ổ DỊCH COVID-19 TRÊN DU THUYỀN Ở NHẬT
Hai cụ già người Nhật trên du thuyền Diamond Princess đã thiệt mạng
vì bệnh viêm phổi Covid-19, trở thành hai cái chết đầu tiên ở Nhật vì
dịch bệnh này.
Cả hai cụ đều trên 80 tuổi, nằm trong số hơn 620 hành khách trên tàu
bị nhiễm bệnh kể từ khi bị cách ly ở ngoài khơi nước Nhật vào ngày 3/2,
trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới sau Hoa Lục.
Vào hôm qua, thứ Năm 20/2, Nam Hàn cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên
vì dịch Covid-19 và số bệnh nhân đã tăng lên hơn 100 người . Nạn nhân
là một người đàn ông 63 tuổi, bị lây nhiễm từ các tín đồ thuộc một giáo
hội Tin lành ở thành phố Daegu.
Trong khi đó, sau khi thay đổi cách thống kê mới, Trung Cộng vào hôm
qua loan báo có thêm 394 ca nhiễm bệnh, một con số thấp nhất trong ngày
kể từ hai tuần qua. Con số tử vong tại Hoa Lục là 2200 người, tính đến
sáng hôm nay, thứ Sáu 21/2.
No comments:
Post a Comment