Kính thưa quý thính giả, trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc
Minh xâm lược vào thế kỷ 15, có một võ tướng đầu quân dưới trướng Giản Định Đế,
nhưng về sau bị Giản Định Đế giết chết vì lời gièm pha của kẻ tiểu nhân, khiến hoài bão cứu nước của ông bị mai
một. Về sau, ông được vua Lê
Thái Tổ truy phong tước “Đại Quốc Công – Thượng đẳng Tôn thần”, ban bảng vàng
ghi 8 chữ “Tiết liệt cương trung – Trung thần hiếu tử”. Qua chuyên mụcDanh Nhân Nước Việt
tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Danh Tướng Đặng Tất” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình
phát thanh tối hôm nay.
Quốc sĩ vô song, song Quốc sĩ.
Anh hùng bất nhị, nhị Anh hùng.
Đó là 2 câu đối
của vua Lê Thái Tổ cảm khái đề ra khi viếng quê hương của danh tướng Đặng Tất.
Đặng Tất sinh năm 1357 tại làng Tả Hạ, xã Phù Lưu, tổng Nội Ngoại, huyện Thiên Lộc, phủ
Đức Quang, trấn Nghệ An. Hiện nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Thám hoa triều Trần, làm quan với chức
Hành khiển. Ông là con cháu của Lại bộ Thượng thư Đặng Bá Tĩnh.
Khi giặc Minh xâm lược, biến nước Việt thành quận
huyện với chính sách “lấy di trị di”. Do bị bức bách ông trá hàng, được giao làm Đại Tri châu Châu Hóa.
Ngày 1/11/1407, Trần Ngỗi tự xưng làm Giản Định Đế, dựng cờ khởi nghĩa ở
Yên Mô (Ninh Bình) lập triều Hậu Trần. Lực lượng nghĩa quân vừa mới gây dựng bị
quân Minh kéo đến đàn áp nên có nguy cơ tan rã. Giản Định Đế liền đưa quân vào Nghệ An tiếp tục hoạt động,
được một số quý tộc nhà
Trần cùng quan lại cũ của nhà Hồ tìm
về tụ nghĩa.
Thấy cảnh hung ác và tàn bạo của quân Minh, ông cùng con là Đặng Dung nổi dậy khởi nghĩa ở
Châu Hóa, giết hết quan binh của giặc Minh, đưa quân ra Nghệ An gia nhập đoàn nghĩa quân của Giản Định Đế.
Vốn là người có tài nên ông được Giản Định Đế phong làm Quốc công,
chỉ huy toàn bộ lực lượng nghĩa quân. Dưới sự chỉ huy của ông và Nguyễn Cảnh
Chân, nghĩa quân đánh thắng nhiều trận
nổi tiếng.
Cuối năm 1407, ông đánh
thành Diễn Châu và thành Nghệ An tiêu diệt Trần Thúc Dao, Trần Nhật Chiêu và
600 quân Minh.
Tướng giặc tên Trương Phụ
đưa quân đến Nghệ An đàn áp, vì thiếu quân, ông phò Giản Định Đế rút vào Châu Hóa (Quảng
Trị) xây dựng căn cứ.
Đầu năm 1408, ông đánh tan đạo quân của tướng Minh tên Phạm
Thế Căng ở cửa Nhật Lệ.
Tháng 10 năm
1408, ông điều động quân các
lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An và Thanh Hóa tiến ra Đông Đô. Nhiều hào
kiệt trong vùng nhiệt liệt hưởng ứng, gia nhập vào đoàn quân của ông.
Ngày 14/12/1408, ông và Nguyễn Cảnh Chân chỉ huy đánh tan
quân Minh trên bến Bô Cô (nay là xã Hiếu Cổ, Nam Định) chém chết Thượng thư Bộ binh Lưu
Tuấn và Đô ty Lữ Nghị của quân Minh.
Sau hơn một năm
giúp nhà Hậu Trần, Đặng Tất góp sức lập nhiều công trạng lớn. Nhưng
Giản Định Đế đa nghi, nghe lời gièm pha của hoạn quan Nguyễn Quỹ và Nguyễn Mộng
Trang ra lệnh giết Đặng Tất cùng với
Nguyễn Cảnh Chân trên bến Hoàng Giang vào năm 1409.
Trong sách “Đại việt sử ký toàn thư”, sử gia Ngô Sĩ Liên có lời bình: “Nghe lời gièm pha của kẻ hoạn quan một lúc
giết hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt
bỏ chân tay bè cánh thì làm sao nên việc được”.
Các triều vua nhà Lê, vua nhà Nguyễn đều sắc phong thần cho ông và con ông là võ tướng Đặng Dung.
Năm 1654, cháu mấy đời của Đặng Tất và Đặng Dung là Tổng binh
Đặng Ngũ Quế lấy ngày mùng 10 tháng Giêng năm Tý làm chuẩn, cứ 3 năm tổ chức lễ tưởng niệm hai ông
một lần.
*****
Võ tướng Đặng Tất là một trong
những anh hùng thời Hậu Trần, nhưng ông không có được may mắn như những tướng lãnh
sinh cùng thời với ông là Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo.v.v. đầu quân
dưới trướng Bình Định Vương Lê Lợi, đã đạt được tâm nguyện giải cứu sơn hà xã tắc, dựng
lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc.
Thế nhưng, các chiến công
của ông được nhiều sử gia ghi nhận, ông đã khiến cho quân Minh không thể bình định nước Việt, tạo
cơ hội cho các lực lượng kháng chiến khác trỗi dậy ở khắp nơi, trong đó có đoàn
nghĩa quân Lam Sơn của đức Lê Lợi.
Điều đáng nói nhất là, dù biết rõ lực lượng đơn độc của
mình, ông vẫn một lòng quyết chí theo đuổi công cuộc chống ngoại xâm, nhưng bị Giản
Định Đế nghe lời gièm pha giết chết tạo nên cảnh bi thương và là điều bất hạnh
của thời Hậu Trần.
Cuộc khởi nghĩa của ông và vua tôi nhà Hậu Trần tuy thất bại
nhưng gương tiết liệt được hậu thế ghi nhớ và ông được sử Việt ghi chép
là một trong những võ tướng oai hùng trong công cuộc chống giặc ngoại
xâm của dân tộc.
Con ông là võ tướng Đặng
Dung thà nhảy xuống sông tuẩn tiết, chứ không chịu làm tai sai cho giặc. Đặng
Dung đã để lại bài thơ “Cảm hoài” nổi tiếng, thể
hiện ý chí sắt đá của một anh hùng bất phùng thời
như sau:
Việc lớn chưa xong, tuổi đã già,
Đất trời thu gọn, tiệc ngân nga.
Gặp thời bần tiện, thành công dễ,
Lỡ bước anh hùng, dạ xót xa.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất,
Rửa dòng không lối, kéo ngân hà.
Bạc đầu, thù nước còn chưa trả,
Mấy độ mài gươm, bóng nguyệt tà.
Đặc biệt trong hoàn cảnh đen
tối của đất nước hiện nay, ngoài tuổi trẻ đang vùng lên tranh đấu chống chế độ độc tài
cộng sản, nước Việt cũng đang cần
nhiều người “dù tóc đã bạc” nhưng vẫn “mài kiếm dưới trăng”
trong hoài bão cứu nguy Tổ quốc trước hiểm họa mất nước về tay Tàu cộng!
No comments:
Post a Comment