Wednesday, July 3, 2019

Triển Vọng Các Cuộc Đàm Phán Song Phương Bên Lề Hội Nghị G20 Tại Osaka

Bình Luận

Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại OSAKA, Nhật Bản đã không còn hiệu năng và hào nhoáng vì thế giới đã suy cạn niềm tin vào một thị trường thương mại toàn cầu đặt trên căn bản luật pháp quốc tế. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đỗ Kim Thêm với tựa đề: Triển Vọng Các Cuộc Đàm Phán Song Phương Bên Lề Hội Nghị G20 Tại Osaka ” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Đỗ Kim Thêm
Thương chiến Mỹ-Hoa còn tiếp diễn, xung đột an ninh Mỹ-Iran đang leo thang và dân Hồng Kông tiếp tục phản đối Trung Quốc về Dự Luật Dẫn độ. Các biến động dồn dập và nguy hiểm này làm cho nghị trình chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh G20 không còn thu hút cho chính giới và công luận.
Ngược lại, ngoài cuộc gặp gở trong khuôn khổ nghị trình, các nhà lãnh đạo phải thu xếp các cuộc họp song phương trước và sau hội nghị để giải quyết các tranh chấp liên quan, đây là sự kiện quan trọng hơn.

Tập Cận Bình và Donald Trump đã đồng ý gặp nhau vào thứ Bảy ngày 29/6/2019 để thảo luận về giải pháp bằng thuế quan, hạn chế mở rộng cuộc xung đột sang lĩnh vực công nghệ truyền thông, mà tương lai của doanh nghiệp Huawei và 5 đại doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng. Cả hai không bàn về biến đổi khí hậu hoặc cải cách WTO và nhượng bộ vì sự ổn định toàn cầu.
Bắc Kinh trả đũa bằng cách tăng thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ và lập danh sách các công ty nước ngoài không đáng tin cậy. Hiệu ứng có thể xảy ra là hạn chế xuất khẩu đất hiếm và các khoáng sản quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu và sản xuất của Mỹ. Đây là một ưu thế dành cho Trung Quốc.
Bất ngờ nhất là Trung Quốc tặng cho Trump một vũ khí mới: Hiệu ứng của các cuộc biểu tình tại Hồng Kông mà Trump có thể tận dụng là quốc tế hoá vấn đề. Nhìn chung, uy tín quốc tế của Trung Quốc đang xuống thấp, hình ảnh an ninh nội địa và tôn trọng nhân quyền xấu hơn.
Các vấn đề liên quan đến Iran, Ukraine, Trung Đông và Venezuela sẽ được thảo luận trong cuộc gặp gỡ Donald Trump và Vladimir Putin.
Nhìn chung, bang giao Nga-Mỹ tùy thuộc vào các diễn biến nội chính của Mỹ. Phúc trình của Robert Mueller và sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 là hai đề tài mà Đảng Dân chủ và truyền thông cánh tả không thể buông tha cho Donald Trump. Bang giao Mỹ-Nga sẽ không có bước đột phá trong cuôc gặp bên lề tại Osaka và thâm tình của Trump và Putin chưa có dấu hiệu thay đổi.
Lập luận chung trong công luận cho rằng Nga tiếp tục đóng vai trò phá hoại trong an ninh khu vực Trung Đông và Ukraine. Để hỗ trợ cho Trump, chính giới đặt nhiều kỳ vọng cho Shinzo Abe, vì ông là người đã gặp Putin thường hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới.
Nhưng kỳ vọng đang dần tan biến. Trước ngày đi Osaka, Trump cáo buộc Nhật nặng nề trong chính sách hợp tác an ninh Mỹ-Nhật, một chủ đề mà chính Abe phải lo đối đầu với Trump, là vì quá mới, nên Abe không có chương trình hội thảo này với Trump.
Đàm phán song phương giữa Trump và Erdogan (TT Thổ Nhĩ Kỳ) có tầm quan trọng chiến lược cho khối NATO. Vấn đề nóng bỏng là vào tháng tới, Thổ sẽ trang bị hệ thống hỏa tiễn S-400 do Nga cung cấp. Việc tân trang này là một thách thức quan trọng đối với Hoa Kỳ và NATO, hệ thống này không phù hợp kỹ thuật với các hệ thống vũ khí của NATO và còn làm cho khả năng máy bay chiến đấu F-35 suy yếu. Nguy hiểm nhất cho an ninh tình báo Mỹ và NATO là Thổ sẽ cung cấp các dữ liệu về các khả năng tổn thương cho tình báo Nga.
Sau cuộc bầu cử ở Istanbul, Đảng cầm quyền của Erdogan thất bại một lần nữa, nhưng cơ chế độc tài của Erdogan không vì thế mà lung lay nghiêm trọng. Uy tín của Đảng đối lập tăng cao, ý nghĩa của bầu cử tự do, vai trò của báo chí và xã hội dân sự bắt đầu hồi phục, nhưng chưa thu hút để làm biến chuyển chính tình quốc nội. Sự hỗ trợ của chính giới và công luận quốc tế đang ở bước khởi đầu.
Mối quan hệ giữa Đức và Hoa Kỳ đã căng thẳng kể từ khi Trump nhậm chức. Lý do chính là thặng dư thương mại của Đức.
Trong cuộc gặp với Trump ở G20 tại Osaka, Merkel xác nhận rằng giao dịch và đầu tư là 2 vấn đề mà Đức cần Trump hợp tác, có rất nhiều chi tiết để thảo luận với Trump vì nền kinh tế Đức đang đầu tư mạnh hơn vào thị trường Mỹ và quyền lợi cả hai cần bảo vệ. Trump đồng ý về điểm này.
Chủ đề mà Trump sẽ nói chuyện với Hoàng tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman là cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Mỹ và Iran. Ả Rập Saudi và Iran là những đối thủ trong vấn đề an ninh khu vực. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran mới đây đã bắn một máy bay không người lái do thám Mỹ, với cáo buộc là vi phạm không phận Iran ở Vịnh Ba Tư. Chính phủ Mỹ cho biết máy bay còn trong không phận quốc tế. Trump hủy bỏ một cuộc tấn công trả đũa vào phút cuối, viện cớ vì lý do nhân đạo, nhưng đã có các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo. Không có một kết quả cụ thể nào cho cuộc gặp song phương này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp Donald Trump bên lề hội nghị để thảo luận về các chuyển biến gần đây ở Iran. Nhưng có một chủ đề châu Âu khác là cuộc bầu cử Chủ tịch Ủy ban Liên Âu, tương lai cũng sẽ được đề cập trong lần gặp gỡ này. Macron chỉ trích việc bổ nhiệm ứng cử viên người Đức Manfred Weber. Vào Chủ nhật, Macron sẽ gặp các đồng nghiệp Liên Âu tại Brussels để thảo luận tiếp.
Tóm lại, trong một thế giới phân hóa cùng cực, G20 là một cơ chế tập trung cho các vấn đề phối hợp quốc tế mang tính biểu tượng tương đối. G20 không có các giải pháp cho vấn đề toàn cầu mà biến đổi khí hậu và cải cách WTO là 2 thí dụ. Trái với kỳ vọng này, G20 trở thành một diễn đàn cho các quốc gia thành viên thảo luận về các tranh chấp song phương và không mang đến một kết quả nào.
Trên bình diện quốc gia, các trào lưu dân túy, mị dân ngày càng thắng thế trong việc khơi động tinh thần ái quốc cực đoan. Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc trỗi dậy với tham vọng thống trị thế giới theo định hướng của Trung Quốc. Cả hai trào lưu là một thảm hoạ chung cho nhân loại. Thanh thế của Nhật Bản đang lên, nhưng không đủ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo mới. Thế giới sẽ tiếp tục hỗn loạn thảm khốc và toàn diện hơn./.

No comments:

Post a Comment