Kính thưa quý thính giả tự do tư tưởng phải là nền tảng của
mọi mạng lưới thông tin xã hội. Những âm mưu kiểm soát thông tin mạng
của đảng CSVN chỉ là những mơ ước hão huyền của một chế độ độc tài trên
đường đào thải.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Hiền với tựa đề: “Mạng xã hội mới: nền tảng có tự do hay không?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Hiền với tựa đề: “Mạng xã hội mới: nền tảng có tự do hay không?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nguyễn Hiền
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp
tục đề cập đến việc tạo ra một mạng xã hội, và công cụ tìm kiếm mà giá
trị nó tạo ra được chia sẻ cho người dùng thay vì chỉ đổ về một người.
“Đã đến lúc chúng ta phải viết một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm
mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ
thể”, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông gợi ý trong buổi gặp gỡ với
cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam, do Hội tin học tổ
chức chiều 15.7 tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất ý
tưởng này, và quan điểm làm mạng xã hội thay thế Facebook cũng không
phải là lần đầu đặt ra.
Vào năm 2013, dự án mạng xã hội trị giá 200 triệu USD cũng được đặt ra dưới thời Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Xu hướng nội địa hóa mạng xã hội và công cụ tìm kiếm cũng được nhiều
quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Triều Tiên, Liên bang Nga đặt ra.
“Coi trọng khách hàng, đưa người dùng làm chủ thể” gợi nhớ về những
bài học liên quan đến chủ thuyết Mác – Lenin, gắn liền thế giới quan duy
vật và phương pháp luận biện chứng, đề cao con người là chủ thể của
lịch sử và mục tiêu phát triển của xã hội. Thậm chí, ở một góc độ nào
đó, quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Hùng giống như là diễn giải từ quan
điểm gần nhất của ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư ĐCSVN,
khi ông Thưởng tuyên bố: Internet là xa lộ, cho mấy làn xe chạy là quyền
chúng ta. Qua đó để thấy rằng, tư duy quản không được thì cấm, đã
chuyển sang, “quản không được thì rào đón” đã xuất hiện trong đội ngũ
lãnh đạo cấp cao của các ban ngành bây giờ.
Nhân văn và tôn trọng luật pháp cũng là quan điểm khá ổn đến từ vị Bộ
trưởng này, bởi nơi đó, “người chơi được quyết định luật chơi và được
bảo vệ, trên giá trị đạo đức căn bản và luật pháp quốc gia”.
Thế nhưng, nếu luật pháp quốc gia đó là một hệ thống luật còn quá
nhiều tồn đọng mang tính pháp quyền, bản chất luật trực tiếp điều chỉnh
các hành vi trên internet (luật an ninh mạng) bị phản ứng vì nó kiểm
soát quyền tự do ngôn luận, và có thể tạo ra xu hướng “bắt-giữ” đối với
những người dùng khi họ tìm cách biểu đạt, thì liệu giá trị đạo đức căn
bản, nhân văn, và được bảo vệ có thực sự tồn tại? Rộng ra, bảo vệ đây có
phải là bảo vệ người dùng, hay thuần túy là bảo vệ sự kiểm soát người
dùng của nhà nước?
Đó là vì sao, mạng xã hội chia sẻ video của Viettel – Mocha, ứng dụng
được phát hành từ thời ông Nguyễn Mạnh Hùng còn làm lãnh đạo bên tập
đoàn quân đội này đến nay vẫn chưa thể có chỗ đứng trong lòng mạng xã
hội Việt Nam, mặc dù được Viettel thúc đẩy mạnh bằng cách cho phép nhắn
gọi điện miễn phí nội mạng. Thậm chí, nếu không có sự bổ trợ của yếu tố
tập đoàn viễn thông, thì có khi Mocha đã biến mất sau vài ba tháng, chứ
không kéo dài theo kiểu cầm cự như hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng có bao giờ đặt ra câu hỏi, tại sao người
dùng Việt Nam lại phản ứng mạnh mẽ, thậm chí tìm kiếm các thủ thuật
“vượt rào” khi Facebook bị chặn? Và tại sao Google đã vượt qua các công
cụ tìm kiếm nội địa khác để trở thành địa chỉ đầu tiên khi người dùng
tìm kiếm thông tin?
Đó hẳn là giá trị được tạo ra bởi sự tự do thông tin, một thứ mà ông
Nguyễn Mạnh Hùng từ khi lên nắm quyền Bộ trưởng Bộ thông tin &
Truyền thông đã ra sức tìm cách ngăn chặn, và đưa vào khuôn khổ, với mục
đích duy nhất là định hướng.
Không có tự do thông tin, sẽ không có cái gọi là hệ sinh thái, không
có hệ sinh thái thì mọi dự án dù có đổ hàng trăm triệu USD cũng sẽ chết
bất kỳ tử. Và thực tế đã chứng minh, từ Zing me, go.vn,
muctim, hohohala, aziba, Vcnet… đã và đang là những dự án chết dở và
đốt tiền. Đó là minh chứng rõ ràng nhất của việc, những mạng xã hội với
giá trị hàng triệu USD này dù “giá trị phù hợp với thế giới” nếu căn cứ
theo quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhưng thực tế lại đang bị đào
thải ở Việt Nam, và mạng xã hội Facebook, thứ mà ông Hùng cho là “triết
lý giờ không còn phù hợp với thế giới nữa” lại được cộng đồng người dùng
Việt Nam đón nhận, len lỏi vào trong từng ngóc ngách của xã hội Việt.
Việt Nam, theo số lượng thống kê từ Facebook Rankings năm 2018, xếp
thứ 7 thế giới với 58 triệu người dùng và tăng liên tục qua các năm.
Sẽ khó có thể thuyết phục người dùng rằng, mạng xã hội của Chính phủ
là nhân văn, tôn trọng, và đưa con người làm chủ thể khi mà tư duy kiểm
duyệt vẫn còn tồn tại, Luật an ninh mạng dù bị phản ứng vẫn được thông
qua để “bảo vệ chế độ”.
Đó cũng là lý do vì sao, dù nội địa hóa công cụ tìm kiếm và mạng xã
hội vẫn là xu hướng của các quốc gia, nhưng rõ ràng, để đánh bại được
Google và Facebook, thì ít nhất nền tảng tự do vẫn phải là sự bắt buộc
để có cơ hội giành chiến thắng.
Ông Bộ trưởng và bộ máy nhà nước vẫn có thể tạo ra hàng chục dự án
mạng xã hội và bộ máy tìm kiếm nội địa “made-in-vietnam”, nhưng hãy để
người dùng tự do quyết định lựa chọn sản phẩm nào phù hợp cho họ, bởi
nếu sử dụng biện pháp hành chính và kỹ thuật, thì mọi quan điểm của ông
về cái là “nhân văn, tôn trọng người dùng” sẽ bị người đời đánh giá là
“miệng quan trôn trẻ”./.
No comments:
Post a Comment