Saturday, July 20, 2019

Mạc Đăng Doanh

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, cuối đời Hậu Lê, cùng một thời nước Việt có 3 vương quyền. Ngoài vua Lê – Chúa Trịnh ở miền Bắc, Chúa Nguyễn ở trong Nam, thì vùng Tây Bắc thuộc về nhà Mạc. Triều đình nhà Mạc kéo dài khoảng 65 năm. Mặc dù không có được những chiến công hiển hách như Mạc Đăng Dung, nhưng thời Mạc Đăng Doanh là thời yên ổn sau nhiều năm binh lửa loạn lạc. Thời kỳ này được xem là thời thái bình thịnh trị của nhà Mạc… Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Mạc Đăng Doanh” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái
Mạc Đăng Doanh là con trưởng của Thái tổ Mạc Đăng Dung, người lật đổ nhà Hậu Lê và sáng lập ra vương triều nhà Mạc (từ năm 1527 đến năm 1592). Quê ông ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng). Khi Mạc Thái Tổ lên ngôi, ông được lập làm Thái tử, được phong là Dục mỹ hầu, trông nôm điện Kim Quang. Năm 1530, ông lên kế vị Mạc Thái Tổ, lấy vương hiệu là Mạc Thái Tông, đổi niên hiệu là Đại Chính.

Nắm giữ triều chính trong bối cảnh đất nước còn nhiều loạn lạc, chiến tranh liên miên giữa các phe phái thù địch, ông đã khéo biết lèo lái đất nước, vừa giữ vững pháp trị, giảm nhẹ sưu thuế, tạo dựng cho dân lành một cuộc sống yên ổn, ấm no.
Khi mới lên ngôi, ông bị thế lực cựu thần nhà Lê là Lê Ý khởi binh chống đối. Ông đem quân vào Thanh Hóa cùng với quân của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung để đánh dẹp, nhưng vì lực chưa đủ mạnh nên thua trận. Ông phải để một số quân sĩ ở lại cầm cự và đem quân trở về kinh sư. Về sau, ông giao cho tướng Mạc Quốc Trinh chỉ huy quân sĩ tiến đánh và bắt giết Lê Ý. Trong lúc này, thế lực Nguyễn Kim ở Ai Lao. Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chiếm cứ Thái Nguyên. Vũ Văn Uyên chiếm cứ ở xứ Tuyên Quang. Tất cả đều chống lại triều đình nhà Mạc.
Đầu năm 1531, ông cử tướng Nguyễn Kính vào Thanh Hóa đánh Nguyễn Kim, nhưng lại thua. Về sau phải dùng chiến thuyền mới đẩy lùi được quân của Nguyễn Kim, và Nguyễn Kim phải rút quân trở về Ai Lao.
Đầu năm 1533, Nguyễn Kim cùng các cựu thần triều Lê lập con trưởng của vua Lê Chiêu Tông lên làm vua, lấy vương hiệu là Lê Trang Tông. Lê Trang Tông một mặt luyện binh, mưu đồ khôi phục nhà Lê, mặt khác cho người sang Tàu để cầu viện binh. Năm 1534, vua nhà Minh sai Hàm Ninh Hầu Cừu Loan và Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn dẫn quân dàn ở biên giới đe dọa tiến đánh nhà Mạc.
Mạc Đăng Doanh liền cho tu sửa doanh trại, luyện tập thủy quân, mời các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước. Ông còn phục chức cho Thái bảo Vũ Hộ làm Tây quân Đô đốc Chưởng phủ sự. Sau đó, ông còn tuyển mộ thêm trai tráng bổ sung vào quân đội. Để có thêm những người phụ tá cho triều đình, ông cất nhắc những kẻ sĩ đỗ đạt và những công thần vào những vị trí quan trọng tương xứng với tài năng của họ. Điển hình như Nguyễn Thiến được giữ chức Thượng thư bộ Công, Trần Phỉ được cất nhắc vào chức Lại bộ Tả thị lang, Thượng thư bộ Lễ kiêm Thừa tuyên sứ Hưng Hóa… phong chức Đông quân Đô đốc với tước Quận công cho công thần Lê Bá Ly.
Mạc Đăng Doanh là người rất chú trọng đến việc khoa cử. Ông mở các khoa thi đều đặn 3 năm một lần và chọn được nhiều nhân tài, điển hình là Nguyễn Thiến (đỗ đầu khoa thi năm 1532) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (đỗ đầu năm 1535), Giáp Hải (đỗ đầu năm 1538).
Đầu năm 1536, ông giao cho Quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử Giám.
Giữa lúc vương triều Mạc đang ổn định, văn hóa xã hội đang phát triển, thì ngày 25 tháng Giêng năm Canh Tý (1540), Mạc Thái Tông băng hà, để lại một sự nghiệp dang dở sau 11 năm trị vì.
****
Bàn về lịch sử, một số sử gia trung thành với nhà Hậu Lê thường lên án dòng họ Mạc đã lật đổ triều đại Hậu Lê do đức Lê Lợi sáng lập sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Thế nhưng công tâm mà nói thì vào cuối triều Lê, xã hội đã quá băng hoại, quần thần tham nhũng và nhu nhược, tệ nạn cường hào ác bá diễn ra khắp nơi mà nhiều sử gia Việt sau này gọi là thời kỳ “Lê mạt”. Trước tình thế đó, trọng thần Mạc Đăng Dung không còn chọn lựa nào khác hơn là phải lật đổ nhà Lê để xây dựng một triều đại mới cho đất nước, mở ra một cơ hội vẻ vang cho dân tộc.
Và thực tế cho thấy cách lựa chọn của Mạc Đăng Dung rất đúng đắn vì chỉ trong thời gian ngắn đã mang lại một xã hội khá công bằng và ấm no hơn, đặc biệt là có được 11 năm thịnh trị dưới thời Mạc Đăng Doanh. Thậm chí là sau khi bị Nguyễn Kim đánh bại, vương triều nhà Mạc vẫn đứng vững nhiều thập niên ở vùng Tây Bắc VN vì chiếm được cảm tình của các sắc tộc thiểu số và có nhiều sĩ phu tài giỏi đi theo phò tá.
Có thể nói, bối cảnh xã hội VN hiện nay cũng tương tự như thời “Lê mạt”, thậm chí là còn tàn tệ hơn với hàng triệu dân oan đang kêu cứu trên khắp các nẻo đường đất nước, và hàng triệu ngư dân đang dở sống dở chết vì quân Tàu tràn ngập Biển Đông và thảm họa cá chết ở vùng biển miền Trung. Nhà Mạc tuy chiếm ngôi nhà Lê nhưng cương quyết “không rước voi về dày mả tổ”, hay dâng hiến đất đai cho giặc Tàu như tập đoàn cộng sản đang ngự trị tại Ba Đình hiện nay. Chỉ nội điểm khác biệt này cũng đủ cho thấy ai là “gian thần” trong lịch sử.
Chính vì thế, Mạc Đăng Dung hay Mạc Đăng Doanh rất xứng đáng để được dân tộc Việt ngưỡng mộ vì đã mang lại một thời kỳ thái bình thịnh trị cho đất nước!

No comments:

Post a Comment