Saturday, July 20, 2019

TIN TỨC: Thứ Bảy, ngày 20 tháng 07 năm 2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Minh Nguyệt&hướng Dương trình bày sau đây.

HOA KỲ QUYẾT TÂM CHỐNG LẠI MỌI ĐÀN ÁP TÔN GIÁO TRÊN THẾ GIỚI
Thứ ba 16/7, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Sam Brownback, Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cho biết: “Việc đàn áp những người có đức tin là một cuộc khủng hoảng toàn cầu vốn nhận được quá ít sự chú ý, chúng tôi quyết tâm đảo ngược”.
Ông cũng cho biết hầu hết mọi người trên thế giới đều tuyên xưng đức tin, nhưng có đến 80 phần trăm đang phải sống ở những nơi bị hạn chế tôn giáo. Vì thế, chính quyền Donald Trump cam kết chống lại những cuộc đàn áp tôn giáo trên toàn thế giới.
Hội nghị cấp bộ trưởng vì tự do tôn giáo lần hai năm nay diễn ra tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ từ ngày 16-18/07/2019, nhằm mục đích thúc đẩy hơn nữa tự do tôn giáo trên thế giới. Hội nghị này đánh dấu sự kiện về tự do tôn giáo lớn nhất thế giới và quy tụ hơn 1.000 người tham dự, trong đó có các nhà lãnh đạo tôn giáo của Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái, Ấn Độ giáo, đạo Sikh, Phật giáo, Pháp Luân Công và các nền tảng thế tục khác đến từ hàng chục quốc gia.
Đồng thời, vào ngày kết thúc Hội Nghị, ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo thông báo sẽ thành lập một định chế quốc tế mang tên “Liên Minh Quốc Tế Vì Tự Do Tôn Giáo”, nhằm bảo vệ quyền tự do tôn giáo không thể tước bỏ của mọi công dân. Thành viên của Liên minh là những quốc gia cùng chia sẻ mục đích trên.

DIỄN BIẾN TẠI BÃI TƯ CHÍNH VÀ LÔ 06-01 QUA GÓC NHÌN LUẬT QUỐC TẾ
Thứ sáu 19/7, Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã lên tiếng rằng nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung cộng đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Bà cũng cho biết Việt Nam đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung cộng chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Hiện nay, trên Biển Đông đang có hai diễn biết mới nhất và đáng chú ý nhất liên quan đến hoạt động của các tàu Trung cộng và phản ứng của Việt Nam.
Thứ nhất, từ ngày 3/7 đến 17/7/2019 tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung cộng đã đi vào vùng biển gần với khu vực Bãi Tư Chính – Vũng Mây. Đi theo bảo vệ tàu này, còn có ba tàu hải giám của được vệ tinh phát hiện, đặc biệt là tàu hải giám trên 10.000 tấn, ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014. Trong lúc đó, cũng có sự xuất hiện của các tàu cảnh sát biển mang cờ Việt Nam ở khu vực này, thực hiện các hoạt động cần thiết để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Thứ hai, từ ngày 18/6 đến nay tàu hải cảnh của Trung cộng được trang bị vũ khí hạng nặng neo đậu cách Bãi Tư Chính 40 dặm về phía tây (hôm 12/7 tàu này có di chuyển đến Bãi Chữ Thập và đã quay trở lại khu vực Bãi Tư Chính). Tàu này tuy không trực tiếp tham gia vào việc đi theo bảo vệ tàu Hải Dương 8 nhưng thay vào đó nó thực hiện các hành vi rất khiêu khích xung quanh dàn khoan Hakuryu-5, ở lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.
Các thông tin này sau đó đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hôm 19/7. Như vậy, tình trạng bất ổn trên Biển Đông hiện giờ đang kéo dài.

50 LUẬT SƯ KIẾN NGHỊ BẢO VỆ QUYỀN CHO LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI
Cho tới chiều thứ sáu 19/7, có khoảng 55 luật sư đang làm việc ở Việt Nam đồng ý ký tên vào bản Kiến nghị đề ngày 15/7/2019 gửi tới 11 lãnh đạo cao cấp của Việt Nam và Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chỉ ra những điểm nghi vấn bất thường trong việc khởi tố và khám xét Văn phòng ông Trần Vũ Hải ngày 02/7/2019. Có 4 nghi vấn được nêu ra, trong đó nổi bật nhất là việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra thông báo không cấp giấy đăng ký bào chữa cho luật sư Trần Vũ Hải, mặc dù ông Hải đã đăng ký bào chữa cho bị can là blogger Trương Duy Nhất hơn 3 tháng trước và liên tục có khiếu nại.
Phải chăng việc khởi tố blogger Trương Duy Nhất là nhằm ngăn cản ông Hải bào chữa cho thân chủ của mình theo luật định?
NGƯỜI DÂN THỦ THIÊM TIẾP TỤC BIỂU TÌNH ĐÒI QUYỀN LỢI
Thứ sáu 19/7, truyền thông trong nước loan tin: Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân Thủ Thiêm đã kéo đến trụ sở Ủy ban Nhân dân quận 2, Sài Gòn, khiếu nại và đòi quyền lợi. Lý do là vì trong cuộc họp trực tiếp của Chính phủ và các địa phương hồi đầu tháng 7, lãnh đạo thành phố đã cam kết thực hiện đúng kết luận thanh tra về vấn đề quyền lợi của người dân Thủ Thiêm và điều này cũng đã được đem ra bàn thảo tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân.
Không thể chờ lâu hơn nữa, hàng ngàn gia đình đã kéo đến Ủy ban Nhân dân quận 2 để nộp đơn khiếu nại và tố cáo sai trái của nhà cầm quyền.
Trước diễn biến trên, sáng thứ sáu 19/7, chủ tịch UBND thành Hồ cho biết kể từ hôm nay, UBND quận 2 bắt đầu làm việc với từng hộ dân trong số 331 hộ dân trong khu 4,3ha và dự kiến sẽ hoàn thành trong 3 ngày sau đó sẽ trình lên hội đồng nhân dân.

XĂNG GIẢ ĐƯỢC TUNG RA THỊ TRƯỜNG HƠN 350 TRIỆU LÍT TRONG HƠN 2 NĂM
Thứ sáu 19/7, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đăk Nông đã ra quyết định bắt giữ khẩn cấp đối với ông Lưu Văn Nguyện để điều tra về việc ông này đã bán dung môi để pha chế xăng giả cho đường dây của ông Trịnh Sướng.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, đường dây xăng giả của ông Trịnh Sướng tại tỉnh Đắk Nông đã sản xuất khoảng 350 triệu lít xăng giả để bán ra thị trường, với số vốn bỏ ra mua dung môi và các chất làm tăng chỉ số Octan là 4.200 tỉ đồng.
Ông Lưu Văn Nguyện sinh năm 1977, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dầu Khí Bình Minh, có cơ sở tại phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Công an Đăk Nông đã khám xét nhà ông Nguyện, thu giữ được tài liệu liên quan việc mua bán hóa chất, dung môi, và tạm giữ được hơn 3,26 triệu lít dung dịch để pha chế. Công an tỉnh Đăk Nông đã quyết định khởi tố vụ án và khởi tố 28 bị can trong đường dây buôn bán xăng giả của ông Trịnh Sướng.

TRANG MẠNG ZALO BỊ THU HỒI VÌ HOẠT ĐỘNG MẠNG XÃ HỘI KHÔNG PHÉP

Thứ sáu 19/7, truyền thông trong nước loan tin: Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành Hồ vừa yêu cầu các cơ quan quản lý thông tin thu hồi hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me với cáo buộc là công ty cổ phần VNG là chủ sở hữu hai tên miền trên, đã hoạt động mạng xã hội mà không xin phép. Zalo là ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí trên nền tảng công nghệ máy tính, được phát triển bởi Công ty cổ phần VNG của Việt Nam. Kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2012, ứng dụng Zalo hiện đã có hơn 100 triệu người dùng, chủ yếu là người Việt Nam.
Sở Thông tin và Truyền thông Thành Hồ đã xử phạt hành chính công ty VNG, buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ trước ngày 19/7. Tuy nhiên theo báo Thanh Niên, đến sáng 19/7 cả hai tên miền trên vẫn hoạt động bình thường và được chuyển hướng về tên miền zalo.me, một tên miền quốc tế. Theo luật hiện hành, các tên miền có đuôi .vn đều do Bộ thông tin truyền thông quản lý, nên Zalo chuyển tên miền .vn sang .me là tên miền quốc tế khi tên miền Việt Nam bị thu hồi.

VIỆT NAM BẮT 5 NGƯỜI TRUNG QUỐC GÂY NHIỄU THÔNG TIN Ở BIÊN GIỚI

Thứ sáu 19/7, Công an thành phố Móng Cái cho biết: Sau khi nhận được phản ánh từ người dân và các doanh nghiệp tại Quảng Ninh cho biết các mạng di động tại thành phố Móng Cái thời gian qua liên tục bị phá sóng, thậm chí nhiều lúc tê liệt, thì tối thứ năm 18/7, Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã ập vào nhà trọ của một cư dân trong khu vực để kiểm tra, và bắt quả tang 5 người Trung Quốc đang dùng máy kích sóng di động trái phép, gây nhiễu loạn thông tin ở khu vực biên giới Móng Cái suốt từ tháng 3 đến nay. 5 người này đã lắp đặt bộ thiết bị kích sóng tại nhà trọ, bao gồm 3 ăng ten phát sóng, 2 thiết bị kích sóng, 35m dây trục, 13 điện thoại bàn không dây.
Trước đó 3 tháng, vào ngày 17/4, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã bắt 11 người Trung Quốc thuê nhà trọ ở thành phố Móng Cái để cài đặt bộ thiết bị kích sóng gây nhiễu mạng thông tin di động trong khu vực.

CƯ DÂN CHUNG CƯ Ở HÀ NỘI TREO BĂNG RÔN BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI CHỦ ĐẦU TƯ

Thứ sáu 19/7, Cư dân tòa nhà Hei Tower ở Hà Nội đã căng băng rôn biểu tình phản đối chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, chiếm không gian chung…
Tòa nhà Hei Tower, tọa lạc tại số 1 đường Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội và chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư điện lực (HNPIC). Ban quản trị tòa nhà cho biết chủ đầu tư tòa nhà mới chuyển giao có 4 tỉ đồng cho ban quản trị trong khi số tiền phải trả cho dân cư là 21 tỉ đồng; ngoài ra họ còn chiếm dụng phòng sinh hoạt cộng đồng tại tầng 2 để làm quán ăn và một số diện tích sử dụng chung đã được giao cho một đơn vị khác vào khai thác.
Các băng rôn được treo trước tòa nhà và trên ban công của các căn hộ có nội dung: “Đề nghị chủ đầu tư trả quỹ bảo trì”; “Đề nghị chủ đầu tư trả cư dân nhà sinh hoạt cộng đồng.

No comments:

Post a Comment