Friday, April 5, 2019

Văn Hóa Côn Đồ

Quan Điểm

Vụ 5 nữ sinh vây đánh một bạn học cùng lớp ở Hưng Yên ngày 22 tháng 3 vừa qua đang là một đề tài nóng bỏng trong dư luận. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ về sự kiện này với tựa đề: “Văn Hóa Côn Đồ” sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay. 

LLCQ
Thưa quý thính giả,
Mặc dù sự việc đã xẩy ra gần 2 tuần, dư luận quần chúng vẫn còn xôn xao phẫn nộ về vụ một nữ sinh trường Trung học Cơ sở Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị nhóm năm học sinh cùng lớp lột quần áo, đánh đập dã man tại lớp học. Kinh tởm hơn nữa là cảnh tượng hung bạo này đã được một học sinh trong nhóm thu hình và chuyển tải rộng rãi trên mạng xã hội.

Sự nhẫn nộ của quần chúng đã khiến Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đến Hưng Yên ngày 31 tháng 3 để gọi là “làm việc với các giới chức địa phương để làm rõ vụ việc.” Trong buổi họp với ban giám hiệu nhà trường cùng các quan chức tỉnh, ông Nhạ tuyên bố, xin trích nguyên văn, “Hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước cơ bản là ngoan, tốt nhưng lại xuất hiện một nhóm các thầy cô, trong đó, có lãnh đạo nhà trường, học sinh suy thoái, biến chất, có hành động côn đồ, chúng ta phải xử lý nghiêm.” (Hết trích).
Nhìn vào những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam thì vụ nữ sinh đánh hội đồng này không phải là một sự kiện cá biệt, do “một nhóm thầy cô, học sinh suy thoái, biến chất, có hành động côn đồ” như ông Nhạ tuyên bố. Trái lại đây là biểu hiện của nạn bạo lực tại học đường, một hiện tượng phổ quát, đã và đang diễn ra thường xuyên và ở nhiều địa phương. Và đáng quan tâm hơn nữa là đối tượng của những vụ bạo hành này lại là giới nữ sinh, thành phần vốn được xem là “chân yếu, tay mềm”!
Thật vậy, xem đoạn phim ở Hưng Yên, chúng ta nhớ lại một video clip tương tự phổ biến cách đây không lâu. Đó là đoạn phim quay cảnh một nữ sinh lớp 7 Trường Trung học Trần Phú ở Huế bị các nữ sinh khác cùng lớp vây đánh trước đây. Nạn nhân bị các bạn lao vào đánh, dùng chân đá, tay đấm tới tấp vào mặt. Vừa đánh, các học sinh còn la hét, chửi mắng với những lời lẽ thô tục. Và cũng tại Huế, không lâu sau đó, một nữ sinh Trung học Bùi Thị Xuân bị năm sáu bạn gái cùng trường xúm vào đánh đấm tới tấp trong lúc những học sinh khác chỉ đứng nhìn chứ không can thiệp.
Đây chỉ là những vụ bạo hành điển hình mà nhờ các mạng xã hội mọi người mới được biết. Trong thực tế, chắc chắn còn biết bao vụ khác diễn ra ở nhiều trường học khắp nơi mà không được dư luận biết đến.
Tương tự, các vụ bạo hành loại này cũng không chỉ xẩy ra trong học đường, mà hiện hữu trong khắp các môi trường khác. Trước đây không lâu nhiều người đã bàng hoàng khi xem youtube chiếu cảnh một đám phụ nữ trẻ rượt đánh một cô gái. Ngoài việc hứng chịu những cú đạp, những cái giộng đầu xuống nền đường nhựa, nạn nhân còn bị lột sạch quần áo, đồ lót, hoàn toàn trần truồng.
Trước tệ nạn trầm trọng này, nhiều người cho rằng đây là hệ quả của tình trạng giáo dục bị xuống cấp. Một số khác quy trách nhiệm cho bố mẹ đã không chú ý dạy dỗ con cái. Cũng có người đổ lỗi cho tình trạng xã hội suy đồi, mất đạo đức.
Tuy nhiên nhận định như vậy là chỉ nhìn đằng ngọn mà quên xét đằng gốc. Hiển nhiên là học đường, vì là nơi đạo tạo trẻ em nên có ảnh hưởng quan trọng đến chúng. Tương tự, dạy giỗ con cháu là trách nhiệm hàng đầu của cha mẹ, ông bà. Và không ai có thể phủ nhận tác động tiêu cực của các tệ nạn xã hội đối với con người Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng.
Thế nhưng trong một đất nước độc tài toàn trị và bao trùm bởi chủ nghĩa CS Mác-Lê như Việt Nam thì trường học, và gia đình không còn là trường học và gia đình hiểu theo nghĩa thông thường, mà tất cả đã trở thành công cụ của Đảng. Trường học thay vì giáo huấn lại là nơi nhồi nhét vào đầu con trẻ, ngay từ lúc tấm bé phải luôn “nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng”. Còn gia đình, thay vì con cái hiếu kính cha mẹ, ông bà thì Đảng đã dạy phải “Thờ Mao chủ Tịch/thờ Sít-ta-lin bất diệt” như trong bài thơ “Cải cách ruộng đất” của Tố Hữu.
Nhìn rõ như vậy để thấy cái căn nguyên gốc rễ của tệ nạn bạo lực tại học đường nói riêng và trong giới trẻ nói chung là do chính chủ nghĩa CS gây ra. Cũng vậy, tính cách dã man, không còn nhân tính của những kẻ tham dự các vụ bạo động kể trên cũng bắt nguồn từ chủ trương “đấu tranh giai cấp” sắt máu mà đảng CSVN đã áp dụng ngay từ khi mới ra đời. Chủ trường này đã thể hiện rõ rệt qua hai câu thơ “để đời” cũng trích từ bài “Cải cách ruộng đất” của Tố Hữu: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ/Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong”.
Chủ trương “giết, giết nữa” này đã trở thành một yếu tính của chế độ CS. Với hơn 70 năm thấm nhuần ở miền Bắc và gần 45 năm nhuộm đỏ miền Nam, tính cách sát nhân, côn đồ man rợ này đã ảnh hưởng đến lối sinh hoạt, hành xử của con người. Nó đã trở thành một thứ văn hóa – văn hóa côn đồ.
Đảng CSVN không những không tìm cách cải sửa, chữa trị tệ nạn côn đồ, mà ngược lại còn tận dụng thứ văn hóa này làm phương tiện củng cố guồng máy cai trị độc tôn. Điển hình là các vụ dân phòng và côn đồ chận đánh những người biểu tình chống Trung Cộng, hoặc ném chất bẩn, gạch đá vào nhà các cựu tù nhân chính trị.
Văn hóa “côn đồ” là một trong những di lụy vô cùng nguy hiểm mà đảng CS đã để lại cho dân tộc Việt.
Công cuộc đấu tranh loại bỏ chế độ CS độc tài toàn trị, xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, dù khó khăn, gian nan, nhưng có thể hoàn thành trong một thế hệ. Nhưng công cuộc phục hưng nền văn hóa dân tộc đã bị tróc gốc, phục hoạt lại bản chất con người Việt Nam đã bị mai một, chắc chắn còn gian nan, khó khăn hơn nhiều, và đòi hỏi hàng chục thế hệ, nếu không muốn nói có thể còn kéo dài hơn nữa!
Trân trọng cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment