Kính thưa quý thính giả, dân VN thật ra rất chú ý đến tình
hình rối ren của đất nước cũng như đang quan sát cơ hội lập lại
nền dân chủ của các quốc gia khác với mục đích nắm lấy thời cơ
thay đổi cho quê hương. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:”Từ chuyện ông Trọng nhập viện, nghĩ về tương lai Việt Nam” của Trung Nguyễn qua sự trình bày của Nguyên Khải.
Trung Nguyễn.
Ngày 14/4/2019 dương lịch, tức 10 tháng 3 âm lịch, là ngày giỗ tổ
Hùng Vương nhưng cũng là ngày sinh nhật chính thức của ông Tổng bí thư –
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng sinh ngày 14/4/1944, như vậy
ngày này ông tròn 75 tuổi.
“Long thể” bất an?
Dân tình chẳng ai quan tâm tới ngày sinh nhật của ông Trọng như đối
với các diễn viên, ca sĩ, người mẫu. Thế nhưng ngày 14/4 vừa qua tên ông
Trọng là cái tên “hot” (nóng) nhất trên Google, được nhiều người tìm
kiếm nhất. Lý do là theo một số Facebooker nổi tiếng trên Facebook, ông
Trọng khi đang làm việc tại Kiên Giang đã nhức đầu dữ dội, phải nhập
viện và được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy tại Sài Gòn. Hiện tại vẫn còn
nhiều nguồn tin đồn đoán về ông.
Rồi chúng ta sẽ còn phải xem diễn biến sắp tới về ông Trọng thế nào.
Nhưng đến đây chúng ta có thể rút ra một vài điều về đảng cộng sản Việt
Nam và người dân Việt Nam.
Đảng cộng sản không còn người tài.
Thứ nhất, đảng cộng sản Việt Nam thực sự không còn ai tài giỏi đủ sức
gánh vác giang sơn xã tắc. Tại sao một ông già 75 tuổi lại phải kiêm cả
hai chức Tổng bí thư của đảng cộng sản và chức Chủ tịch nước của quốc
gia? Hai chức đó vốn dĩ trước kia dành cho hai người, mà làm mới có một
chức như Chủ tịch Trần Đại Quang mà còn phải “băng hà” trước khi hết
nhiệm kỳ. Tại sao vị trí quan trọng như vậy lại do một ông già 75 tuổi,
vượt tuổi về hưu đã lâu, đảm trách? Sức khỏe của ông già đó hầu như chắc
chắn không thể bảo đảm xử lý việc quốc gia đại sự liên tục với cường độ
cao.
Đến đây, tôi cũng phải bật cười khi nhớ lại quan chức nào khi lên
chức cũng có bản khám sức khỏe tốt đẹp. Vậy mà khi bị còng ra trước tòa
vì các tội tham nhũng thì lại xin thẩm phán ân xá vì ông bà nào cũng
bệnh tật đầy mình, gần chết đến nơi.
Thật sự, trong hệ thống chức tước của đảng cộng sản, muốn leo cao thì
một kỹ năng phải có là … nhậu giỏi để tạo quan hệ chứ không phải là làm
việc giỏi để được dân bầu lên. Việc nhậu triền miên như vậy sau bao
nhiêu năm thì các lãnh đạo đảng cộng sản không bị bệnh mới là điều lạ.
Việc một đảng cầm quyền thất bại trong việc lựa chọn lãnh đạo quốc gia xứng tầm thì việc đảng đó sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian.
Dân Việt Nam rất quan tâm tới chính trị.
Thứ hai, trong ngày 14/4/2019 qua thì cái tên ông Nguyễn Phú Trọng
được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Điều này cho thấy, hàng ngày người
dân Việt Nam có thể không quan tâm tới chính trị, nhưng khi có sự kiện,
ngay cả khi sự kiện đó không hề được báo chí trong nước loan tải, thì
chính trị lập tức trở thành chủ đề thu hút người dân nhất.
Như thế, điều quan trọng mà các tổ chức chính trị đối lập ngầm (nếu
công khai thì đã bị bắt rồi), các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam có
thể làm là đưa ra được các chương trình, các mô hình hoạt động an toàn
để người dân có thể đứng vô, cùng làm việc với nhau. Khi thời điểm thích
hợp đến như khủng hoảng kinh tế thì người dân Việt Nam rất cần những
lãnh đạo, những tổ chức tiên phong để dẫn dắt các cuộc đấu tranh đòi dân
sinh, dân chủ, dân quyền. Các cuộc cách mạng đang diễn ra ở Venezuela,
Algeria, Sudan đều diễn ra như thế.
Bài học từ các cuộc cách mạng đang diễn ra trên thế giới.
Tại Venezuela, khi phe đối lập đã đoàn kết lại xung quanh Tổng thống
tạm thời Juan Guaido, người dân và nhất là quốc tế liền lập tức ủng hộ
ông, đẩy Tổng thống độc tài theo chủ nghĩa xã hội Maduro vào tình cảnh
rất khó khăn và đang trên bờ vực sụp đổ toàn diện. Bài học ở đây là phe
đối lập phải đoàn kết để chiến thắng chế độ độc tài, cũng như dân oan
mất đất ở Đồng Tâm và Dương Nội đã kết nghĩa với nhau.
Tại Sudan, tổ chức xã hội dân sự tiên phong trong việc tổ chức cho
người dân biểu tình lật đổ chế độ độc tài Omar el-Bashir là Hội nghề
nghiệp Sudan (Sudanese Professionals Association). Hội này được thành
lập ban đầu chỉ với mục tiêu tăng lương tối thiểu nhưng cuối cùng lại là
một trong những hội quan trọng nhất dẫn tới việc chế độ độc tài sụp đổ.
Bài học rút ra là phe đối lập cứ xây dựng các tổ chức xã hội dân sự,
nghiệp đoàn độc lập,… đáp ứng được quyền lợi của nhân dân, được nhân dân
đi theo đông đảo thì đến thời điểm thích hợp, hội đoàn đó hoàn toàn có
thể tham gia và ảnh hưởng tới chính trường. Hiệp định thương mại tự do
Việt Nam – châu Âu có thể là chìa khóa để mở cánh cửa quyền lập hội và
nghiệp đoàn độc lập.
Rồi sẽ tới cách mạng dân chủ ở Việt Nam.
Để kết luận, xin được trích lời của một chàng thanh niên trẻ Toufik bán cờ tổ quốc Algeria cho người biểu tình phản đối chế độ độc tài Abdelaziz Bouteflika:
“Chúng tôi là những người quốc gia, chúng tôi yêu tổ quốc và
chúng tôi sẵn sàng chết vì tổ quốc. Do đó tôi bán những lá cờ Algeria để
chứng tỏ tình yêu của tôi với Algeria. Hình ảnh của những cuộc biểu
tình của chúng tôi đã lan truyền khắp thế giới, điều quan trọng là ở
nước ngoài người ta nhìn chúng tôi với lá cờ của chúng tôi và hiểu những
người Algeria là như thế nào.”
Những gì đang diễn ra ở đây vào lúc này rất quan trọng. Chúng tôi
không còn có thể quay lui. Chúng tôi muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho
chúng tôi và cho con cái chúng tôi. Đã đến lúc mọi thứ phải thay đổi.”
Một thanh niên bán cờ ở một quốc gia châu Phi còn biết phát biểu hùng
hồn như thế, yêu nước như thế. Chẳng lẽ dân tộc Việt Nam lại kém dân
tộc Algeria? Chắc chắn rằng không. Khi thời cơ đến, dân tộc Việt Nam sẽ
còn làm tốt hơn thế, tôi tin chắc vào điều đó.
No comments:
Post a Comment