Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân Hà và Miên Dương.
1) THÊM MỘT NGƯỜI DÂN BỊ BẮT GIAM THEO LUẬT AN NINH MẠNG.
Vào hôm qua, thứ Ba 9/4, công an tỉnh Yên Bái đã bắt giam ông Trần
Đình Sang, một người thường xuyên loan tin về các vụ mãi lộ của công an
giao thông.
Ông Sang bị cáo buộc “Chống người thi hành công vụ” khi bị công an
ngăn chận trên đường với lý do “vi phạm giao thông” vào ngày 23/3 vừa
qua. Khi loan tin này, một số tờ báo nhà nước cho biết thêm là ông
Trần Đình Sang từng “gây rối” tại đồn công an thành phố Hòa Bình vào
tháng Giêng.
Kể từ khi đạo luật an ninh mạng có hiệu lực vào đầu năm nay, hàng
loạt người sử dụng mạng xã hội đã bị bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền
chống phá chế độ” hoặc “loan tin sai sự thật, gây rối loạn xã hội”.
2) NHÀ ĐẤU TRANH HOÀNG DŨNG SANG HOA KỲ TỊ NẠN CHÍNH TRỊ.
Nhà đấu tranh Hoàng Dũng, một thành viên thuộc phong trào Con đường
Việt Nam, đã cùng gia đình sang Mỹ tị nạn chính trị sau nhiều năm bị
nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù và sách nhiễu.
Ông Dũng và gia đình đã đặt chân đến tiểu bang California vào lúc 9
giờ tối thứ Ba 9/4, giờ địa phương. Trước đó, một thành viên khác của
phong trào Con đường Việt Nam là ông Trương Minh Tam, cũng được Hoa Kỳ
chấp nhận và hiện định cư tại tiểu bang Illinois.
Phong trào Con đường Việt Nam ra mắt vào ngày 10/6/2012, quy tụ
nhiều nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Suốt 7 năm
qua, rất nhiều thành viên đã bị bạo quyền CS Việt Nam bỏ tù với các bản
án nặng nề.
3) NHÀ CẦM QUYỀN THÀNH HỒ ÁP ĐẶT VIỆC TUYÊN TRUYỀN HỌC SINH VỀ VỤ CHIẾM ĐOẠT VƯỜN RAU LỘC HƯNG.
Nhà cầm quyền quận Tân Bình – Sài Gòn vừa ra lệnh cho các trường học
trong quận phải tuyên truyền cho học sinh về sự hợp lý của hành vi cưỡng
chiếm 5 mẫu đất của vườn rau Lộc Hưng vào đầu năm nay.
Theo nội dung tuyên truyền thì khu đất rộng 5 mẫu nói trên là khu
đất công cộng nhưng bị nhiều người lấn chiếm suốt nhiều năm qua. Vì thế
mục đích thu hồi khu đất là để xây dựng một ngôi trường. Ngoài ra, các
trẻ em cũng bị nhồi sọ là phải trình báo cho công an nếu thấy bất cứ ai
có hành vi chống đối vụ thu hồi đất đai này.
Theo công văn của phòng giáo dục Tân Bình, ký ban hành vào ngày 3/4,
các trường học bị yêu cầu phải tổ chức các buổi tuyên truyền vào mỗi
ngày thứ Hai đầu tuần, kéo dài trong vòng 3 tháng, từ ngày 25/3 đến
30/6.
4) MỘT CHỦ TỊCH XÃ BỊ CHẶN ĐÁNH ĐẾN TRỌNG THƯƠNG.
Bất mãn vì bị thu hồi đất đai, vào chiều ngày 5/4, một nhóm thanh
niên đã chặn đường đánh trọng thương ông Lê Văn Trung, chủ tịch xã Định
Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Theo lời kể của công an, vào lúc 4 giờ chiều ngày 5/4, ông Trung đang
lái xe gắn máy đến trụ sở xã Định Liên thì bị một chiếc xe hơi áp sát
khiến ông Trung ngã xuống đường. Ngay sau đó 3 thanh niên bịt mặt từ
trên xe lao ra, dùng gậy gộc đánh tới tấp khiến ông Trung bị thương
nặng.
Vào sáng hôm qua, công an huyện Yên Định tuyên bố là đã bắt được 4
nghi can của vụ tấn công, tạm giữ một chiếc xe hơi cùng một số dao kiếm
và gậy.
Nguyên nhân dẫn đến vụ hành hung, theo nhận định của công an, xuất
phát từ một vụ thu hồi đất đai của nhà cầm quyền xã Định Liên.
5) ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG MỖI NĂM MẤT 400 MẪU ĐẤT VÌ SẠT LỞ BỜ SÔNG.
Trong cuộc hội thảo vào hôm qua, ngày thứ Ba 9/4, bộ Nông nghiệp
Việt Nam cho biết là trung bình mỗi năm, đồng bằng sông Cửu Long bị mất
từ 300 đến 500 mẫu đất vì bị sạt lở và hàng chục ngàn gia đình phải di
tản để tránh nguy cơ nhà cửa bị cuốn xuống sông.
Cũng theo số liệu của bộ này, miền nam hiện có 562 chỗ sạt lở, dọc
theo 786 cây số chiều dài, trong đó có 57 vị trí bị sạt lở rất nghiêm
trọng. Ông Hà Công Tuấn, thứ trưởng bộ nông nghiệp, cho biết tình trạng
sạt lở bờ sông càng lúc càng nhiều, mặc dù đã chi ra rất nhiều tiền để
xây bờ kè hay đê điều ở 13 tỉnh thành miền Nam. UBND tỉnh Đồng Tháp nêu
một ví dụ là dọc theo tuyến sông Tiền dài 123 cây số, chảy qua tỉnh này,
đã có đến 110 cây số bị sạt lở hay xói mòn. Và tính từ năm 2007 đến
nay, tỉnh Cà Mau đã mất khoảng 9 ngàn mẫu rừng phòng giữ đất ở ven
biển.
6) CHÍN THỦ LÃNH BIỂU TÌNH Ở HỒNG KÔNG BỊ TÒA ÁN KẾT TỘI “GÂY RỐI”.
Chín thủ lãnh của phong trào biểu tình Dù Vàng đã bị tòa án Hồng
Kông kết tội “gây rối trật tự công cộng”, với bản án có thể lên đến 7
năm.
Trong số 9 người nói trên, có 3 khuôn mặt rất nổi tiếng trong cuộc
tổng biểu tình đòi tự do dân chủ vào năm 2014, gồm có giáo sư đại học
Chan Kin-man 59 tuổi, giáo sư luật khoa Benny Tai 54 tuổi và mục sư Chu
Yiu-ming 74 tuổi.
Phát biểu sau khi bước ra khỏi tòa án, trước mặt đông đảo nhà báo và
người dân đến theo dõi phiên tòa, cả ba đều tuyên bố “sẽ kiên trì đấu
tranh, không bỏ cuộc”. Theo cáo buộc thì 9 nhà đấu tranh này đã cầm đầu
cuộc biểu tình kéo dài 79 ngày trên đường phố vào năm 2014.
7) MỘT CHIẾN ĐẤU CƠ CỦA NHẬT BỊ MẤT TÍCH KHI ĐANG HUẤN LUYỆN TRÊN BIỂN.
Một chiến đấu cơ tàng hình F-35A của Nhật đã biến mất khỏi màn ảnh
radar vào chiều hôm qua, thứ Ba 9/4, trong phi vụ huấn luyện xuất phát
từ căn cứ không quân Misawa.
Theo xác nhận của Bộ Quốc phòng Nhật thì chiếc máy bay mất tích tại
một vị trí cách căn cứ Misawa vào khoảng 135 cây số về hướng đông. Cho
đến tối hôm qua, giới chức Nhật vẫn chưa liên lạc được với viên phi công
và các phi cơ tuần thám vẫn chưa tìm được xác máy bay.
Chiếc F-35A là một trong số 13 chiến đấu cơ mới nhất mà Nhật Bản đặt
mua để thành lập phi đoàn mới nhất ở căn cứ Misawa vào tháng 3 vừa qua.
Theo dự trù thì không quân Nhật sẽ có tổng cộng 147 chiếc F-35, trong đó
có 105 chiếc F-35A do Hoa Kỳ sản xuất.
No comments:
Post a Comment