Tuesday, April 30, 2019

Tin Tức: Thứ Ba 30.4.2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý vị cùng theo dõi phần Tin Tức với Mỹ Linh Bá Cơ.

1)  VIỆT NAM VẪN TIẾP TỤC TƯỚC ĐOẠT QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO
Trong phúc trình thường niên năm nay, được công bố vào hôm qua, Uỷ hội Quốc tế về Tôn giáo của Hoa Kỳ lại xếp Việt Nam vào danh sách các nước thiếu tự do tôn giáo.

Theo phúc trình nói trên, Việt Nam có dân số hơn 97 triệu người, trong số đó người theo Phật giáo chiếm khoảng một nửa, kế đến là Thiên chúa giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành và Hồi giáo. Trên thực tế, nhà nước  cs Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt tôn giáo trên toàn lảnh thổ. Người dân hầu như không còn tự do về mặt tôn giáo như ở các quốc gia khác.
Phúc trình cho biết là trong năm 2018, quyền tự do tôn giáo lại bị siết chặt hơn khi đạo luật tôn giáo được thông qua và có hiệu lực từ tháng Giêng. Các giáo hội không chấp nhận gia nhập hệ thống quốc doanh đều bị đàn áp, một số chùa chiền bị đập phá, nhiều tăng, ni bị trục xuất khỏi chùa, thiền viện, tu viện. Điển hình như trường hợp Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Không Tánh. Cũng theo phúc trình, tính đến cuối năm 2018, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án tù 244 người bất đồng chính kiến và tu sĩ.
Cần nhắc lại, vào năm 2006, Việt Nam được Hoa Kỳ loại bỏ khỏi danh sách các nước cần lưu tâm đặc biệt vì đàn áp tôn giáo. Nhưng mấy năm qua, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ ghi tên Việt Nam vào danh sách đen trở lại vì có những hành vi đàn áp rất thô bạo đối với các tôn giáo tại Việt Nam.
2)  NHÂN QUYỀN PHẢI LÀ TRỤ CỘT TRONG QUAN HỆ VIỆT – MỸ
Phát biểu sau chuyến viếng thăm Việt Nam và Nam Hàn, Thượng nghị sĩ Mỹ Tim Kaine tuyên bố nhân quyền phải là một tụ cột chính trong mối quan hệ Việt – Mỹ.
Tuyên bố nói trên được ông Kaine đưa trong buổi gặp gỡ cộng đồng Nam Hàn tại Mỹ vào chiều hôm qua, thứ Hai 29/4. Là một thành viên trong phái đoàn chính khách Mỹ đến thăm Việt Nam 5 ngày vào giữa tháng 4 vừa qua, ông Kaine nhận thấy là lãnh vực nhân quyền rất quan trọng trong mối quan hệ Việt – Mỹ, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ đã có nhiều nỗ lực để giải quyết các hậu quả của cuộc chiến Việt Nam.
Theo nhận định của ông Kaine, Hoa Kỳ đã làm xong nhiệm vụ của mình, và đã đến lúc đòi hỏi phía Hà Nội phải làm nhiệm vụ của mình là cải thiện về nhân quyền. Ông Kaine cho biết là phái đoàn của ông đã chất vấn giới chức Việt Nam về việc bắt bớ và bỏ tù giới bất đồng chính kiến trong mấy năm qua, đặc biệt là trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, một nhà đấu tranh đã kiên quyết không chấp nhận lưu vong ra hải ngoại để đổi lấy tự do.
3)  DÂN VIỆT NAM KÊU TRỜI VÌ HÓA ĐƠN TIỀN ĐIỆN ĐỘT NGỘT TĂNG CAO
Sau 3 đợt tăng giá, người dân Việt Nam đang kêu trời vì hóa đơn tiền điện tăng nhanh liên tục, thì nhà nước Việt Nam đã đồng ý tăng thêm giá điện lần nữa trong vài tuần tới.
Để giải thích cho việc hóa đơn tiền điện tăng quá cao, tập đoàn Điện lực Việt Nam đổ thừa là vì thời tiết nóng bức trong hai tháng qua nên người dân đã xài điện nhiều hơn, chứ không chỉ vì giá điện tăng cao.
Liên tiếp trong mấy ngày qua, một số báo chí nhà nước đăng tải các số liệu cho thấy đa số hóa đơn tiền điện trong tháng 4 đã tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với tháng 3. Thế nhưng theo ông Đinh Quang Trí, phó tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam, thì do thời tiết quá nóng, người dân đua nhau xử dụng máy điều hòa không khí khiến lượng điện tiêu thụ tăng vọt.
4) Indonesia sẽ cho hủy toàn bộ 51 “tàu đánh cá phi pháp” mà đa số từ Việt Nam
Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia, bà Susi Pudjiastuti cáo buộc bốn tàu cá Việt Nam vào ngày 27/4 đã xâm phạm lãnh hải của Indonesia, đánh cá phi pháp, và đâm vào 1 tàu tuần tra của Indonesia, nhưng nhà nước cs Việt Nam đã ngăn cản chấp pháp của Indonesia khi 4 tàu cá Việt Nam bị bắt.
Bà Bộ trưởng Susi Pudjiastuti khi đó nói: “Chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam giải thích và xin lỗi.”
Nhà nước cs Việt Nam hiện vẫn chưa phản ứng về cáo buộc này, thì hôm qua, ngày 29/4 bà Susi Pudjiastuti viết trên Twitter rằng ngày 4 tháng 5 này, chính quyền Indonesia sẽ cho hủy toàn bộ 51 “tàu đánh cá phi pháp” từ trước tới nay, mà đa số từ Việt Nam.
5)  HOA KỲ SẼ TRẤN ÁP LỰC LƯỢNG NGƯ QUÂN TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG
Tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của tờ Financial Times ở Mỹ, Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Hoa Kỳ, cảnh cáo là Hoa Kỳ sẽ mạnh tay đối phó với sự hung hăng của các tàu cá võ trang của ngư dân Trung Cộng ở Biển Đông.
Lời cảnh cáo nói trên cũng được Đô đốc Richardson gửi đến Đô đốc Thẩm Kim Long, tư lệnh hải quân Trung Cộng, vào tuần trước. Ông Richardson nhấn mạnh là nếu các tàu hải cảnh hay tàu cá Trung Cộng có những hành vi hiếu chiến, Hoa Kỳ sẽ mạnh tay trấn áp mà không cần biết đó là lực lượng quân sự hay bán quân sự.
Trong bài phỏng vấn, tờ Financial Times nhắc lại là từ năm 2015, Trung Cộng đã trang bị vũ khí cho các tàu cá của họ để trở thành lực lượng “dân quân trên biển” nhằm độc chiếm Biển Đông. Bộ Chỉ huy của lực lượng này đặt trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, và thường xuyên tổ chức các cuộc huấn luyện với hải quân và hải cảnh Trung Cộng.
6)  CHIẾN HẠM HOA KỲ LẠI THỊ UY Ở EO BIỂN ĐÀI LOAN
Vào hôm Chủ nhật 28/4 vừa qua, hai chiến hạm Hoa Kỳ lại băng qua eo biển Đài Loan nhằm thách thức chủ quyền của Trung Cộng ở vùng biển này.
Đây là lần thứ 7 mà hải quân Hoa Kỳ tiến vào hải lộ này kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay, nhằm thể hiện lập trường bảo vệ quyền tự do hàng hải theo công pháp quốc tế. Hiện Trung Cộng chưa lên tiếng về vụ này.
Như tin đã loan, vào ngày 6/4, một chiến hạm Pháp cũng băng qua eo biển này khiến Trung Cộng tức giận và hủy bỏ lời mời hải quân Pháp tham gia cuộc thao diễn 70 năm thành lập hải quân Trung Cộng vào tuần trước. Bộ quốc phòng Trung Cộng sau đó công văn phản đối hành vi mà họ gọi là “vi phạm vùng biển Trung Cộng”.
7)  INDONESIA CÔNG BỐ KẾ HOẠCH DỜI ĐÔ
Chính phủ Nam Dương đang lựa chọn một vùng đất mới để làm thủ đô, thay thế cho thành phố Jakarta thường xuyên bị ngập lụt và trở ngại lưu thông.
Ý tưởng dời đô đã có từ năm 1945, khi Nam Dương giành độc lập từ tay người Hòa Lan. Hơn 70 năm trôi qua, Jakarta đang chịu nhiều thách thức lớn. Với dân số hơn 10 triệu người, nhiều khu vực ở Jakarta đang bị lún sụt vì tình trạng khai thác nước ngầm, gây ngập lụt mỗi khi trời mưa và tình trạng kẹt xe diễn ra hằng ngày.
Vào năm 2016, một cuộc khảo sát cho thấy tình trạng kẹt xe ở Jakarta ở mức trầm trọng nhất thế giới, mà ước tính thiệt hại lên đến cả chục tỷ Mỹ kim mỗi năm. Và hơn một nửa diện tích đang nằm dưới mực nước biển.
Hiện chưa biết chính xác địa điểm được chọn lựa làm tân thủ đô, nhưng theo danh sách tuyển chọn thì có lẽ là thành phố Palangkaraya ở đảo Borneo.

No comments:

Post a Comment