Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân Hà và Miên Dương.
1) TRUNG CỘNG LẠI ĐỊNH ĐƯA GIÀN KHOAN KHỔNG LỒ VÀO VÙNG BIỂN VIỆT NAM
Tân Hoa Xã, vào hôm qua loan tin là một giàn khoan khổng lồ của Trung
Cộng sẽ được kéo đến một vị trí thuộc hải phận Việt Nam vào ngày 10/4,
để khoan dò dầu khí.
Giàn khoan này có tên là Dongfang 13-2, có kích thước không kém gì
giàn khoan Hải Dương 981 được đưa đến Biển Đông vào năm 2014, dẫn đến
làn sóng phản đối dữ dội của dân chúng Việt Nam, và nhiều công ty do
người Tàu làm chủ đã bị đốt phá ở một số tỉnh thành Việt Nam.
Theo lời của Tân Hoa Xã, giàn khoan Dongfang nặng hơn 17 ngàn tấn, có
diện tích bằng một sân túc cầu. Vị trí được kéo đến nằm giữa đảo Hải
Nam và vịnh Bắc bộ của Việt Nam. Giàn khoan sẽ đi vào hoạt động vào
tháng 6 tới đây.
2) HỆ THỐNG CHỐNG NGẬP Ở THÀNH HỒ LẠC HẬU HƠN 20 NĂM SO VỚI BANGKOK
Chỉ vài ngày, sau khi nhà cầm quyền thành Hồ tuyên bố sẽ chi thêm
240 triệu Mỹ kim để xây hệ thống chống ngập lụt, nhiều chuyên gia đô thị
cho biết thành Hồ lạc hậu hơn 20 năm, so với thủ đô Bangkok của Thái
Lan về hệ thống thoát nước mưa.
Theo kế hoạch, nhà nước sẽ chi tổng cộng 4 tỷ Mỹ kim để xây dựng các
công trình chống ngập cho thành phố. Nhưng theo Tiến sĩ Hồ Long Phi
thuộc viện đại học thành Hồ, thì Bangkok đã hoàn thiện hệ thống này từ
20 năm trước, và thủ đô Tokyo của Nhật đã hoàn thành từ 70 năm trước.
Trong khi ở Việt Nam chỉ mới đi bước đầu, nhưng lại không đồng bộ từ
trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
Cùng quan điểm với ông Phi, Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, cố vấn chống ngập
cho thành phố, cho biết là hệ thống đê điều sẽ không giải quyết được
vấn nạn ngập lụt, vì phải đi kèm với máy bơm nước ra ngoài, dẫn đến tốn
kém nhiều hơn.
3) 25,000 CÔNG NHÂN VIỆT ĐANG SỐNG BẤT HỢP PHÁP Ở ĐÀI LOAN
Một thống kê chưa đầy đủ cho biết, khoảng 25,000 công nhân Việt đã
mất tích khi đặt chân đến Đài Loan theo diện xuất cảng lao động. Đa số
đều là nạn nhân của các công ty môi giới trong nước, mà lệ phí lên đến
7,000 Mỹ kim cho 1 người muốn có giấy xuất cảnh lao động.
Theo thống kê nói trên, số người Việt mất tích này đang làm lậu tại
các nhà máy hay cửa tiệm của Đài Loan, sau khi hủy hợp đồng ký kết với
các công ty môi giới. Con số 25,000 người Việt chiếm hơn một nửa tỷ lệ
công nhân ngoại quốc mất tích ở Đài Loan.
Đồng thời, hai tổ chức là Fair Wear Foundation và Care International
vừa công bố kết quả một cuộc nghiên cứu, cho thấy rất nhiều nữ công
nhân trong ngành may mặc Việt Nam thường xuyên bị xâm phạm tình dục,
thậm chí họ bị cưỡng hiếp. Cuộc nghiên cứu dựa trên việc phỏng vấn 763
phụ nữ làm việc tại các cơ xưởng may mặc ở 3 tỉnh thành. Khoảng 43% nữ
công nhân cho biết họ luôn phải đối phó với tệ nạn bạo lực và xâm phạm
tình dục.
4) 4 NGƯỜI VIỆT BỊ TOÀ ÁN ÚC PHẠT TÙ VÌ TRỒNG CẦN SA
Tờ The Herald của Úc đưa tin hôm 5/4, một tòa án ở Úc đã tuyên án tù
đối với 4 người Việt Nam bị kết tội trồng cần sa ở nước này. Họ bị cảnh
sát tại đây bắt giữ hồi tháng 2 năm 2017, sau khi hàng trăm cây cần sa
bị phát hiện tại những căn nhà ở ngoại ô Maitland, New South Wales,
trong những đợt bố ráp của cảnh sát tại khu vực.
4 người này chịu mức án từ 27 tháng đến 40 tháng tù gồm:
Trịnh Đắc Tuấn 38 tuổi, Kim Phượng 50 tuổi, mỗi người nhận án tù 3 năm 4
tháng vì trồng cần sa ở mức độ lớn; 2 người khác là Vương Lưu Quốc 27
tuổi, bị kết án 2 năm rưỡi tù và Anh Quang Phạm 26 tuổi, bị kết án 2 năm
3 tháng tù. 2 người Quốc và Tuấn sẽ bị trục xuất về Việt Nam
sau khi mãn hạn tù vì đã nhập cư trái phép vào Úc.
5) KHỐI G7 PHẢN ĐỐI TRUNG CỘNG QUÂN SỰ HÓA BIỂN ĐÔNG
Trong tuyên bố chung đưa ra vào cuối tuần qua, khối G7 mạnh mẽ phản
đối việc Trung Cộng bồi đắp các hải đảo ở Biển Đông để xây dựng các căn
cứ quân sự.
Ngoài việc phản đối Trung Cộng muốn độc chiếm Biển Đông, khối G7 cũng
phản đối Trung Cộng trong việc ra lệnh cho các tập đoàn của họ cài đặt
các thiết bị gián điệp trong các hệ thống điện toán bán cho các nước.
Bản tuyên bố chung cũng kêu gọi cộng đồng thế giới phải có biện pháp
mạnh, để ngăn chận sự tấn công mạng từ các tin tặc Nga và Trung Cộng.
6) VENEZUELA CÁO BUỘC HOA KỲ GÂY RA CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐIỆN NƯỚC
Trước tình trạng cúp điện và nước kéo dài trên toàn quốc suốt một
tháng qua, một lần nữa nhà độc tài Nicolas Maduro cáo buộc chính phủ Hoa
Kỳ là chủ mưu tấn công mạng lưới điện quốc gia, nhằm giật sập chế độ xã
hội chủ nghĩa của Venezuela.
Phát biểu trước đám đông tụ tập bên ngoài phủ tổng thống, ông Maduro
khẳng định là có nhiều bằng chứng mới về cáo buộc nói trên, nhưng chỉ
nói chung chung là các cuộc tấn công từ xa bằng “hệ thống viễn khiển”
đến từ hai nước Chí Lợi và Colombia. Ông Maduro cho biết các vụ tấn công
này là nguyên nhân khiến cho nhà máy điện Guri, vốn cung cấp hơn 80%
điện năng cho Venezuela bị tê liệt.
Trong khi đó, thủ lãnh đối lập, ông Juan Guaidó tiếp tục cáo buộc là
nhà nước của ông Maduro đã điều hành kém cỏi, không tu bổ các cơ sở
hạ tầng suốt nhiều năm qua, dẫn đến cuộc khủng hoảng điện nước hiện nay.
7) TỔNG THỐNG MỸ ĐE DỌA SẼ ĐÁNH THUẾ TRÊN CÁC XE CỘ DO MEXICO SẢN XUẤT
Để gia tăng sức ép lên Mexico, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ
đánh thuế trên các xe do Mexico sản xuất, nếu chính phủ Mexico không
ngăn chận được làn sóng di dân sang Mỹ, và không diệt trừ được các băng
đảng ma túy đang hoành hành sát biên giới Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại tòa Bạch Ốc vào cuối tuần qua, ông
Trump lặp lại lời đe dọa là sẽ đóng cửa biên giới với Mexico và đang cân
nhắc đến việc đánh thuế các xe hơi mà Mexico xuất cảng sang Mỹ. Tuy
nhiên, ông Trump đưa ra thời hạn là 1 năm để Mexico có thể giải quyết
hai yêu cầu nói trên.
Vào tuần qua, các công ty Mexico đã vận chuyển hàng hóa sang Mỹ bằng
đường hàng không, tránh tình trạng xe cộ phải xếp hàng dài cả chục cây
số ở biên giới, để an ninh Mỹ khám xét và ngăn chận khối di dân nhập lậu
vào Mỹ.
No comments:
Post a Comment