“… Một cuốn sách làm nhân chứng cho các tù nhân dưới chế độ CSVN tàn bạo phi nhân hiện nay. Đặc biệt tác giả lại là một cựu nữ tù nhân lương tâm viết lại ...” Liên tục chương trình, qua chuyên mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính giả theo dõi bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh với tựa đề: “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt – Những Ký Ức Không Thể Lảng Quên”, sẽ được Bảo Trân trình bày sau đây.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Thỉnh thoảng, tôi vẫn hay phải kể lại những câu chuyện về thời người
Việt Nam khốn khó, những ngày tháng sau 1975, khi bữa cơm độn với khoai,
với trấu. Và thậm chí bữa ăn chỉ toàn là bo bo, một loại thức ăn cho
ngựa của Nga sô. Rất nhiều người không biết về giai
đoạn đó. Người ta
hay dễ quên. Nhất là vào giai đoạn cái ăn cái mặc dễ dàng hơn. Người ta
hay quên.
Cũng như vậy, khi tôi đọc cuốn sách của Phạm Thanh Nghiên – “Những
mảnh đời sau song sắt” – cảm giác lúc đó cũng không khác gì những người
trẻ tuổi. Tôi thấy mình dường như cũng đang quên. Cuốn sách kéo giật tôi
về hiện thực, rồi nhắc tôi nhớ lại rất nhiều tác phẩm nói về tù ngục và
sự cùng quẫn của một con người bị đẩy đến chân tường. Những con người
với suy nghĩ bình thường – nhưng chỉ bình thường thôi đã là trọng tội
trong chế độ độc tài.
Cuốn sách bắt đầu với ngày 18 tháng 9 năm 2008, vào lúc 9:45 phút
sáng. Rất đông công an đã đến bao vây tư gia của mẹ cô Phạm thanh
Nghiên, lúc cô Nghiên đang tọa kháng tại phòng khách, phản đối công hàm
của thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi đến chính phủ Trung Quốc vào ngày 14
tháng 9 năm 1958. Chứng cứ để bắt Nghiên, là cô đang ngồi ở phòng khách
nhà mình và có biểu ngữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”.
Từ một phụ nữ có tiếng nói khác biệt, Nghiên dần dần trở thành một
người tranh đấu cho lẽ phải, giới thiệu về lẽ phải với cả những nhân
viên công quyền. Và cô ghi chép lại cả cuộc tranh đấu đó với một thế
giới quan hấp dẫn.
Những đoạn đối thoại trong sách, thật sự thú vị. Nó thú vị đến mức
khiến người đọc hồi hộp trước những tình huống và các câu hỏi mà Phạm
Thanh Nghiên gặp phải, vì nếu tự đặt mình vào tình huống đó, chưa chắc
gì mình đã có được một phản ứng suông sẻ.
Tôi may mắn được được đọc nhiều tác phẩm đối thoại trong nhà tù của
cộng sản. Từ Trại Đầm Đùn của Trần Văn Thái (giải thưởng văn học của
VNCH năm 1970) cho đến Số không với vô tận của Arthur Koestler, từ đó,
nhận ra rằng những cuộc đối thoại giữa công an viên và tù nhân trong các
chế độ cộng sản thay đổi dần qua năm tháng. Từ sự dã man và vô luân lý,
họ đi dần qua các thủ thuật tâm lý rồi dẫn đến những kẻ giăng bẫy người
tinh khôn, thậm chí điên cuồng săn lùng nhân tính của người đối diện để
kết án.
Sách của Phạm Thanh Nghiên cũng vậy, nhưng mở ra một thế giới mới,
hiện đại của các nhân viên thẩm vấn của thế kỷ 21. Tất cả mọi thứ là một
chuẩn mực mới: thô bỉ hơn, trơ trẽn hơn, kiên nhẫn hơn và xảo quyệt
hơn.
Tôi không thể diễn tả hết được cảm giác của mình khi đọc đến đoạn
Chiềm (tôi không biết đó là tên thật hay đã được thay đổi), một công an
thẩm vấn, tặng cho Phạm Thanh Nghiên cuốn tập nhạc của Trịnh Công Sơn và
đề nghị hát cho cô nghe. Chú mục và sự kiện, có thể tưởng rằng đó là
một hoạt động đáng mến giữa người và người, nhưng nhìn rộng, sẽ thấy đó
chỉ là một bước của trò đặt bẫy cảm giác cũng như nhân đó giới thiệu
phần “văn hóa” và “nhân cách” của mình với người đang bị giam cầm.
Trong lời giới thiệu Trại Đầm Đùn, NXB Nguyễn Trãi viết rằng “tai họa
bất ngờ không biết đâu mà lường trước được. Miệng cán bộ, miệng đảng
viên có gang có thép, họ bắt bẻ, buộc tội như thế nào, tù nhân cũng đành
chịu, cán bộ bảo sống là sống, bảo chết là chết, tù nhân không thể nào
tránh né được”.
Trong Số không với vô tận, nhân vật Rubashov đã phải chịu liên tục
các phiên thẩm vấn đêm, từ hai nhân viên là Ivanov và Gletkin. Trong đó
có một người từng là đồng chí của Rubashov – để nhằm dễ luồn và tâm lý
và khai thác.
Những gì Phạm Thanh Nghiên chịu đựng trong tù là tổng hợp cả những
điều ấy. Vì các thẩm vấn viên giỏi chuyển mình như thể là những người am
hiểu và chia xẻ tính cách, suy nghĩ của cô nhưng bất kỳ giờ nào họ cũng
trở thành “có gang có thép” và trở thành phán quan.
Nhưng có lẽ, cuốn sách của Nghiên là cuốn sách đầu tiên của một phụ
nữ nói về nhà tù và hoàn cảnh của mình, hoàn cảnh của những người phụ nữ
khác. Cuốn sách chân thật đến nỗi, người ta có thể cảm nhận được mùi
của phòng giam tổng hòa thức ăn và hố xí kề bên. Nó gai góc và rõ nét
đến mức ngang hàng với một hồ sơ tố cáo.
Nhưng Phạm Thanh Nghiên viết ra không để hù dọa những ai đang dám cất
lên tiếng nói của mình mà giới thiệu rõ phía bên kia của bóng tối là
gì. Nghiên viết không phải để làm nhụt chí những ai có lẽ sống như mình,
mà viết như một chứng thực rằng với sự thật và niềm tin, cô đã đi qua
những nơi đó và bất kỳ ai cũng có thể.
Hơn cả đáng quý, đây là một cuốn sách chân thật và hiếm hoi, cho tôi và cho bạn.
Khác với miếng cơm độn hôm qua, bọn trẻ hay chúng ta có thể quên,
nhưng sự phi nhân tính và bóp nghẹt quyền được nói trong cuộc sống, là
điều buộc chúng ta phải nhớ, phải đòi quyền thanh tẩy. Sách sẽ luôn nhắc
tôi và bạn về điều đó.
——————–
TB: Trong sự kiện hàng trăm người dân Vườn Rau Lộc Hưng bị rơi vào
cảnh khốn khó. Phạm Thanh Nghiên đã quyết định dành trọn số tiền bán
sách có được, để giúp cho người dân ở đây (mà chính cô cũng là một nạn
nhân). Sách bán được đợt 1 (46 triệu) và đợt 2 (28 triệu) đã trao tặng
cho trẻ em và gia đình những nạn nhân Vườn Rau Lộc Hưng, thông qua linh
mục Nguyễn Duy Tân.
Lúc này, Phạm Thanh Nghiên dự định dành 100 bản in cuối để gây quỹ
cho người dân Vườn Rau Lộc Hưng, hiện đang rất bức thiết. Xin mời bạn
góp tay cho quỹ này.
No comments:
Post a Comment