Đảng CSVN, với bản năng sử dụng luật rừng, đã bị doanh nhân
Trịnh Vĩnh Bình dạy cho một bài học tày trời tại một pháp đình nghiêm
chỉnh Âu Châu. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đặng
Đình Mạnh với tựa đề: “Tiền từ nguồn nào trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình” sẽ
được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm
nay.
Đặng Đình Mạnh
Sau sự phát tán thông tin về vụ kiện ông Trịnh Vĩnh Bình, theo đó, số
tiền mà chính phủ Việt Nam bị thiệt hại trong vụ kiện lên đến 45 triệu
USD. Nhiều người đã ta thán rằng mình phải đưa vai gánh chịu một phần
thiệt hại này cho dù mình không có liên quan và cũng chẳng làm gì hại
đến ông Trịnh Vĩnh Bình.
Rất nhanh nhẩu, công chúng đã chia đều số tiền mà chính phủ thua kiện
cho từng đầu dân, từ ông cụ chân đi run lẩy bẩy cho đến cháu bé mới oe
oe chào đời chưa từng biết mặt ngang mày dọc đến tờ VND, đều phải gánh
chịu ngang nhau số tiền là 11,500 đồng/dân.
Thật ra, lời ta thán này sai mà lại đúng!
SAI: Sai vì lẽ, theo nguyên tắc chung thì công chức phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Theo đó, dù nhân danh công
sở hay nhân danh quốc gia, nhưng nếu họ thực hiện hành vi trái pháp
luật gây nên sự tổn thất cho công chúng, phát sinh trách nhiệm bồi
thường thì họ phải gánh chịu phần bồi thường ấy.
Thế nhưng, như thông lệ quốc tế, thì luật pháp nước ta cũng quy định
sự bồi thường thiệt hại sẽ được công sở đứng ra đảm nhận chi trả cho
người bị thiệt hại bằng nguồn tài chính từ công quỹ. Sau đó, buộc công
chức có lỗi bồi hoàn lại.
Như trong trường hợp vụ ông Trịnh Vĩnh Bình chẳng hạn. Tuy sự thiệt
hại vật chất, tinh thần của ông là do công chức thuộc các cơ quan tố
tụng, thi hành án, UBND tỉnh ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Tòa phúc thẩm
TANDTC tại TP.HCM gây nên. Nhưng bằng bản án của cơ quan tài phán quốc
tế thì chính phủ đã phải đứng ra gánh lấy trách nhiệm bồi thường vì lẽ
đã không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của ông ấy theo hiệp ước bảo hộ
thương mại giữa hai chính phủ Hà Lan – VN.
Sau đó, việc truy trách nhiệm và phân định lỗi của các công chức của
các cơ quan kể trên sẽ phải được tiến hành. Nếu tính chất, mức độ nghiêm
trọng thì có thể phải khởi tố hình sự vụ án. Số tiền 45 triệu USD mà
chính phủ VN phải trả không chỉ là tiền, mà còn bao gồm cả uy tín quốc
gia thì quá thừa để gọi là cực kỳ nghiêm trọng. Theo đó, khi xử lý trách
nhiệm hình sự, sẽ phải xử lý cả trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền mà
chính phủ đã ứng ra thi hành án chi trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình.
Điều đó cho thấy về lời ta thán rằng công chúng phải gánh chung với
nhau về số nợ là sai về phương diện pháp lý. 90 triệu dân VN sẽ không
phải mất một đồng bạc nào để góp trả cho khoản thi hành án ấy cả! Mà số
tiền ấy sẽ do một số ít cá nhân công chức thuộc các công sở hữu quan có
trách nhiệm chi trả.
ĐÚNG: Tuy vậy, xét về phương diện thực tế, lời ta thán của công chúng
cũng không phải là không có cơ sở, nếu không nói rằng họ đúng.
Bởi lẽ, đã từng có nhiều vụ việc công sở phải đứng ra bồi thường
thiệt hại cho người bị kết tội oan sai. Cũng theo đó, đã từng có công
chức phải ngồi tù vì đã có hành vi trái pháp luật tác động vào những vụ
việc oan sai như vậy. Nhưng điều đáng nói nhất là công chúng chưa từng
nghe vụ nào có công chức phải móc hầu bao của mình để bồi hoàn lại cho
công sở khoản bồi thường mà công sở đã ứng trả cho người bị thiệt hại.
Trách nhiệm của công chức, từ nguyên tắc do pháp luật quy định đến
thực tiễn áp dụng vẫn còn khoảng cách xa diệu vợi và cứ thế, công chúng
vốn vô can với những hành vi trái pháp luật của công chức nhưng vẫn cứ
phải góp thuế để bồi thường cho những khoản thiệt hại không phải do lỗi
của mình.
Suy cho cùng, điều đó cũng đáng khi mà phần đông công chúng xứ này
vẫn vô tư chấp nhận những công chức tham lam, bất tài… ngồi trên đầu,
cưỡi trên cổ của mình như bao nhiêu năm qua.
Riêng đối với ông Trịnh Vĩnh Bình. Công lý đã mỉm cười với ông khi cơ
quan tài phán quốc tế tuyên ông thắng kiện. Điều đó là tất nhiên khi
ông đã chọn khởi kiện tại một nơi chỉ biết tôn trọng lẽ công bằng. Ông
đã thắng trong vụ kiện đòi bồi thường với tư cách là người tự do. Nhưng
trớ trêu, tại quê hương ông, thì luật pháp vẫn xem ông là tội phạm nợ
hình phạt 11 năm tù giam, mà trong đó, ông chỉ mới thụ án 18 tháng nếu
như bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật vẫn chưa bị hủy.
Có vẻ như món nợ 11,500 đồng/dân góp trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình khó
tránh khỏi. Nhưng xem ra, tuy phàn nàn, nhưng công chúng lại rất sẵn
sàng hả hê cất lời chúc mừng cho ông ấy.
Tôi đoán, bạn biết rõ lý do của sự hả hê ấy nhỉ./.
No comments:
Post a Comment