Thứ Tư, ngày 02.07.2014
Dân tộc Việt, trong bất cứ giai
đoạn nào của lịch sử, cũng bày tỏ một tinh thần bất khuất cao độ chống
kẻ thù phương Bắc. Một Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà đã bị Quang
Trung Đại Đế đuổi chạy về Tàu. Tương tự, trước sự phẫn nộ của toàn dân,
hàng ngũ lãnh đạo CSVN bán nước sẽ sớm có ngày cong đuôi lưu lạc tại Bắc
phương. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân
Dụng với tựa đề: "Dân Việt và dân Uyghur" sẽ được Song Thập trình bày để
kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nếu từ giữa thế kỷ thứ 10 mà người Việt Nam không giành được độc lập;
hoặc vào thế kỷ 18 người Việt không đánh đuổi được quân Thanh; thì bây
giờ dân Việt chắc cũng đang chịu số phận giống người Uyghur, một sắc dân
thiểu số trong tỉnh Tân Cương, miền cực Tây nước Trung Hoa.
Vua Càn Long nhà Thanh sai quân chiếm vùng đất này vào giữa thế kỷ
18, trước đó thuộc một triều đại thường gọi là đế quốc Dzungaria do sắc
dân Tây Mông Cổ (Oarat) thành lập từ thế kỷ thứ 17. Càn Long ra lệnh tàn
sát người Mông Cổ Oarat. Hơn nửa triệu người, tức 80% dân số đã bị tiêu
diệt trong thời gian từ 1755 đến 1758. Năm 1776, Càn Long ban một sắc
lệnh cho người Hán di cư đến miền đất mới này, thưởng tiền cho các di
dân định cư; sau đó mới lập ra tỉnh Tân Cương.
Dân Uyghur (đọc là Uy Gua), người Trung Hoa gọi là Duy Ngô Nhĩ không
sống du mục mà là dòng dõi những thương gia gốc Sogdia, một vương quốc
nằm phía Bắc Iran và Afghanistan từ thời thượng cổ. Khi Cộng sản Trung
Quốc chiếm được nước Tàu, họ đổi vùng này thành Khu Tự Trị và công nhận
sắc dân Uyghur chiếm đa số. Nhưng chính sách thực dân của Trung Cộng vẫn
tiếp tục đường lối nhà Thanh, đưa di dân người Hán đến vùng này, vì tài
nguyên dầu lửa và hơi đốt phong phú. Hiện nay, 10 triệu người Uyghur
sống ở Tân Cương trở thành thiểu số, ít hơn số di dân người Hán nắm giữ
các địa vị chính trị và kinh tế quan trọng. Người Uyghur bị bạc đãi về
kinh tế, nhưng cả nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của họ cũng bị đe
dọa, giống như người Tây Tạng. Chữ viết của người Uyghur, dùng mẫu tự
giống như chữ Á Rập thông dụng đã có từ thế kỷ thứ 10. Ðại Hãn Genghis
Khan từng sử dụng các chuyên viên hành chánh Uyghur và chữ viết của họ
vì người Mông Cổ chưa có chữ viết. Ngày nay thứ chữ viết cổ này bị xóa
bỏ dần trong các trường đại học. Nhiều khu phố cổ, với các đền thờ Hồi
Giáo, bị phá hủy để lấy đất phát triển kinh doanh. Những người làm việc
cho nhà nước bị cấm không được nhịn đói ban ngày trong tháng Ramadan,
như tục lệ Hồi Giáo đòi hỏi. Chính quyền bổ nhiệm các pháp sư và kiểm
duyệt các bài giảng pháp. Trước đe dọa văn hóa bị tiêu diệt, người Tây
Tạng theo đạo Phật đã phản đối bằng một phong trào tự thiêu, hơn 100
người đã hy sinh. Còn người Uyghur theo Hồi Giáo chọn phản kháng bằng vũ
khí.
Người Uyghur bắt đầu các vụ tấn công mạnh mẽ vào người Hán ở Tân
Cương từ năm 2009. Họ nổi loạn sau khi nghe tin một khu người lao động
Uighur ở Quảng Ðông bị người Hán đánh, giết; sau khi di dân Uighur đã bị
kỳ thị và bạc đãi ở khắp nơi, do ảnh hưởng tuyên truyền của nhà nước.
Vụ bạo động ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương làm chết 156 người; đánh dấu
tình trạng uất hận đi tới tức nước vỡ bờ.
Ðoạn phim video mới của người Uighur được phát hành sau biến cố tấn
công bằng dao nhọn và bom ở Urumqi vào tháng Năm vừa qua, làm chết 43
người, một trong nhiều cuộc tấn công kể từ Tháng Mười năm ngoái.
Một tổ chức chiến tranh bất bạo động của người Uighur đang hoạt động
khắp thế giới là Nghị hội Uyghur Thế giới (World Uyghur Congress, WUC),
lập ra tại Munich, Ðức quốc, vào năm 2004, được nhiều doanh nhân Uyghur
giầu có trong vùng Trung Ðông ủng hộ. Vị chủ tịch từ năm 2006 là bà
Rebiya Kadeer, một doanh nhân thành công ở Tân Cương, đã bị chính quyền
Trung Cộng bỏ tù sáu năm, xin tị nạn chính trị tại Mỹ từ năm 2005. Nghị
hội Uyghur WUC đặt đại diện chính thức tại nhiều nước, như Pháp, Bỉ,
Thụy Ðiển, Úc, Nhật Bản, Anh quốc, và Kyrgyzstan. Năm 2006, bà Rebiya
Kadeer đã được cựu Tổng Thống George W. Bush tiếp kiến, và Quốc Hội Mỹ
yểm trợ tài chánh. WUC tố cáo chính quyền Trung Cộng tìm cách mô tả
phong trào của người Uyghhur là khủng bố và liên hệ với nhóm al-Qeada để
đánh lừa dư luận thế giới và biện hộ cho chính sách đàn áp dã man của
họ.
Nhà Ðường bên Tàu đã lập An Tây Ðô Hộ Phủ, trong thế kỷ thứ 8, để cai
trị vùng Tân Cương bây giờ, cùng thời gian đó họ cũng đặt nước ta trong
An Nam Ðô Hộ Phủ. Vào thế kỷ 18, quân Nhà Thanh đã xâm lăng nước ta,
năm 1788 ba chục năm sau khi tấn công miền Tây Vực, lập tỉnh Tân Cương.
Cho nên người Việt có thể thông cảm với nỗi uất hận của người Uyghur, vì
họ không được may mắn như dân tộc Việt.
Mặc dù lịch sử hai dân tộc đi về hai hướng khác nhau từ hơn một ngàn
năm, nhưng ngày nay người Việt và người Uyghur vẫn đều là nạn của Cộng
Sản Trung Quốc. Mặc dù không bị quân Trung Cộng chiếm đóng và trực tiếp
cai trị, nhưng người Việt Nam vẫn chịu hậu quả của chính sách bành
trướng mới của Mao Trạch Ðông. Họ Mao tiến quân vào vùng đất Tổ tiên của
người Uyghur và người Tây Tạng, mang theo danh nghĩa "giải phóng" các
dân tộc này khỏi "ách thống trị phong kiến;" dưới ngọn cờ một chủ nghĩa
quốc tế. Trong cùng thời gian đó, Mao Trạch Ðông đã huấn luyện một số
người Việt Nam theo "chủ nghĩa quốc tế" này, để đưa nước Việt Nam vào
vòng lệ thuộc. Mao khôn ngoan hơn các hoàng đế Trung Hoa đời trước,
không dụng binh mà vẫn đạt được kết quả.
Một đảng viên cộng sản mới được gọi đi học tập, cho biết một trong
những điều "Trung Ương" chỉ thị là "Các đảng viên tuyệt đối không được
dùng các mạng xã hội phản đối Trung Quốc." Họ cũng phải ghi nhớ chủ
trương "Bảo vệ quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ chế độ cộng sản;" trong
khi phải ghi nhớ "kẻ thù lâu dài" của đảng vẫn là nước Mỹ. Tất cả các
hành động phản đối Trung Quốc phải do chỉ thị cấp trên đưa ra; chủ yếu
chỉ yêu cầu họ rút giàn khoan mà thôi (mà giàn khoan HD-981 thì trước
sau cũng sẽ dời đi nơi khác).
Ngày nay người Việt Nam cũng không khác người Uyghur, vẫn phải tranh
đấu để thoát khỏi gọng kìm của Trung Cộng. Cuộc tranh đấu của hai dân
tộc lại chứng tỏ, một lần nữa, rằng lý thuyết của Karl Marx sai từ nền
tảng. Ðộng lực thúc đẩy lịch sử là tình tự dân tộc, thể hiện qua ngôn
ngữ, phong tục, tập quán, và được củng cố bằng tôn giáo. Câu Marx viết,
"Lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp." Ý kiến này đã được Mao Trạch
Ðông sử dụng để bành trướng uy quyền. Mao mê hoặc cả người Trung Hoa lẫn
người Uyghur và Việt Nam. Cầu mong dân tộc Uyghur sẽ có ngày giành được
độc lập, dân tộc Việt vẫn còn phải tiếp tục đấu tranh.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment