Sunday, July 6, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật, ngày 06.07.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Kính chào quí vị thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thực chất đã từ bỏ lý thuyết cộng sản chủ nghĩa, nhưng nhà nước này vẫn duy trì nguyên vẹn cấu trúc quyền lực độc tài của chủ nghĩa cộng sản. Để hiểu thêm về cấu trúc cũng như các tính chất đặc thù của hệ thống quyền lực độc tài này, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những nhận định của một lãnh đạo cộng sản kỳ cựu, ông Milovan Djilas, cựu Phó Tổng thống nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nam Tư (cũ). Sau đây là trích đoạn đầu tiên gửi tới quí vị, quí bạn:
"Sau khi chế độ toàn trị đã hoàn toàn thắng lợi, tập trung dân chủ chỉ còn là những từ ngữ sáo rỗng che đậy bản chất của nó là sự tùy tiện của tầng lớp chóp bu đương quyền mà thôi. Từ những nguyên nhân đã nói ở trên: việc biến chuyên chính của đảng thành độc tài cá nhân là quá trình bất khả kháng. Sự mâu thuẫn về tư tưỡng, mâu thuẫn không tránh khỏi của nhóm cầm quyền và nhu cầu của hệ thống nói chung nhất định sẽ đưa tới độc tài cá nhân. Lãnh tụ đảng, người đứng trên đỉnh cao nhất của quyền lực, chính là kẻ thể hiện và bảo vệ một cách kiên định nhất quyền lợi của giai cấp mới.
Các điều kiện lịch sử cũng là nhân tố giúp cho việc thiết lập và củng cố nền độc tài cá nhân: nhu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa cũng như chiến tranh đòi hỏi mọi người phải có chung một ý chí, phải thống nhất hành động. Chúng ta có thể kể thêm một nguyên nhân nữa – nguyên nhân đặc biệt của chủ nghĩa cộng sản: đối với từng đảng viên và cả phong trào cộng sản thì chính quyền, quyền lực là mục đích chính và cũng là phương tiện chính. Người cộng sản khát khao quyền lực như nắng hạn khát mưa. Câu "được làm vua thua làm giặc" thể hiện đúng bản chất của họ.
Vấn đề có thể còn là sự xa hoa của các lãnh tụ cộng sản nữa, họ không cưỡng được chuyện này không chỉ vì đấy là điểm yếu của con người nói chung mà còn vì nhu cầu thể hiện sức mạnh, và hơn nữa, ma lực của quyền sinh quyền sát đối với đồng loại, một loại nghệ thuật mà chỉ những người đặc biệt mới có.
Thói bon chen, ưa xa hoa, hám quyền. Phải kể thêm là tham nhũng nữa. Đây không phải là tham quan ô lại, chuyện này bây giờ có thể ít hơn chế độ cũ. Đây là loại tham nhũng đặc biệt: khi quyền lực nằm dưới quyền kiểm soát của một đảng, mà đảng ấy lại là nguồn gốc của tất cả đặc quyền đặc lợi, thì việc "quan tâm đến các chiến hữu", việc bổ nhiệm họ vào những chức vụ có lợi, việc phân phối phúc lợi các kiểu giữa các đảng viên với nhau phải trở thành việc đương nhiên. Việc đồng nhất chính quyền và đảng với nhà nước (thực ra là với sở hữu) đã làm cho nhà nước cộng sản trở thành, có thể nói, nhà nước tự-tham-nhũng, nhất định kèm theo đặc quyền đặc lợi và những kẻ ăn bám...
Trên mọi nấc thang của hệ thống cộng sản, ta đều thấy tính chất quan liêu và được phân chia theo ngôi thứ rõ ràng. Khắp nơi đều có các nhóm mà người ngoài khó thâm nhập vào được và tất cả các nhóm đó đều châu tuần xung quanh các lãnh tụ hoặc ban lãnh đạo cấp trên. Tất cả hoạt động chính trị tựu trung chỉ là giải quyết mâu thuẫn giữa các nhóm ấy với nhau, ở đâu cũng có sự bao che, bè phái. Càng lên cao thì các mối ràng buộc gia đình, dòng họ càng mạnh. Các vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng nhiều khi được giải quyết trong bữa ăn hay các cuộc đi săn hoặc thảo luận chỉ có ba bốn người. Các cuộc hội nghị đảng, các cuộc họp của chính phủ hay quốc hội chỉ có tính chất trình diễn, được tổ chức nhằm hợp thức hóa các vấn đề đã được quyết định "trong xó bếp" từ lâu. Những người cộng sản coi quyền lực (của mình, dĩ nhiên rồi) như một báu vật cho nên khi những người ấy, đúng hơn phải nói những gia đình ấy, có mặt ở đâu đó như là những quan chức nhà nước thì ta thấy họ có ngay những bộ mặt lạnh lùng, xa cách và long trọng.
Đúng là chế độ chuyên chế, chỉ một chút khác biệt: ít kiến thức.
Chính hoàng đế, chính nhà độc tài cũng không nhận thức được rằng mình là độc tài, là hoàng đế. Stalin đã cười nhạo khi có người gọi ông ta là nhà độc tài. Ông ta cảm thấy mình chỉ là người đại diện cho ý chí tập thể của đảng. Ở khía cạnh nào đó thì ông ta cũng có lý, mặc dù có thể lịch sử chưa từng biết đến người nào có nhiều quyền lực hơn ông. Đơn giản là cũng như mọi nhà độc tài cộng sản khác, ông ta hiểu rằng chỉ cần xa rời các nguyên tắc tư tưởng cơ bản của đảng, xa rời sự độc quyền của giai cấp mới, xa rời chế độ toàn trị là ông ta sẽ bị lật đổ ngay. Là người tạo ra và cũng là đại diện thông minh nhất của hệ thống, không bao giờ ông ta lại làm như thế. Thế nhưng Stalin cũng là người phụ thuộc vào hệ thống do chính ông ta lập ra, cũng phụ thuộc vào "ý kiến chung" của nhóm đầu sỏ nắm quyền. Ông ta không thể sống thiếu họ, cũng không thể chống lại họ.
Dù có vẻ kỳ quặc nhưng sự thật vẫn là: trong hệ thống cộng sản ngay cả cấp cao nhất, ngay cả lãnh tụ, tất cả đều không có tự do. Mọi người phụ thuộc lẫn nhau và đều phải rất thận trọng: làm sao không tách khỏi không khí chung, quan điểm chung, quyền lợi chung, cách hành xử chung."
... và Tiến Văn kính chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quí vị, quí bạn cũng vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
6/7/2014
(Tư liệu trong chuyên mục hôm nay chúng tôi rút từ cuốn "Giai cấp mới" do dịch giả Phạm Nguyên Trường và Nhà xuất bản Giấy Vụn thực hiện năm 2010)

No comments:

Post a Comment