Thursday, July 17, 2014

ĐỐI THOẠI MỸ-TRUNG: THÁI BÌNH DƯƠNG KHÔNG CÓ NHƯỢNG BỘ!

Thứ Năm, ngày 17.07.2014    
Trong 4 thập niên vừa qua, Hoa Kỳ đã phạm sai lầm chiến lược khi mở cửa thị trường của mình cho Trung cộng phát triển kinh tế mà không có những điều kiện khắc khe hơn về cái tổ chính trị và nhân quyền. Sai lầm chiến lược này là một bài học cần áp dụng và không nên lập lại trong tương quan giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mời quý thính giả Đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Minh Quân với tựa đề: "ĐỐI THOẠI MỸ-TRUNG: THÁI BÌNH DƯƠNG KHÔNG CÓ NHƯỢNG BỘ!" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngày 09/07/2014 tại Bắc Kinh đã khai mạc cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên Mỹ-Trung ở cấp bộ trưởng. Theo đánh giá ban đầu của giới truyền thông quốc tế, hai cường quốc hàng đầu thế giới này phát đi tín hiệu công nhận các bất đồng tồn tại trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung cộng.
Những khác biệt được hai bên nhắc đến bao gồm nhiều lĩnh vực như: Chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và đặc biệt là tranh chấp lãnh hải trên biển Đông và biển Hoa Đông, v.v... Nhưng cái khó cho việc thúc đẩy hành động giải quyết các bất đồng giữa hai nước, chính là về các quan điểm mang tính chiến lược, với Hoa Kỳ là lợi ích quốc gia, còn với Trung cộng là lợi ích cốt lõi. Về mặt ngôn từ có đôi chút khác nhau, nhưng về mặt thúc đẩy hành động để đạt được mục tiêu, xem ra hai nước Mỹ-Trung không muốn có bất cứ nhượng bộ nào. Báo Washington Post của Mỹ đánh giá quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi bình thường hóa. Cần nhớ lại vào ngày 19/5 vừa qua, Bộ Tư Pháp Mỹ đã phát lệnh truy nã năm sĩ quan quân đội Trung cộng, bị cáo buộc thực hiện hành vi gián điệp mạng vì mục đích kinh tế. Tuyên bố này lập tức khiến Bắc Kinh nổi giận và hối thúc Washington "ngay lập tức sửa chữa sai lầm" và rút lại các cáo buộc, nhưng Hoa Kỳ phớt lờ. Vấn đề đánh cắp thông tin và công nghệ cao qua mạng cùng vấn đề biển Đông đã làm cho cuộc đối thoại thường niên Mỹ -Trung năm nay đi vào ngõ cụt. Thay vì đôi bên tìm ra cách thức giải quyết vấn đề thì chỉ thấy những chỉ trích tố cáo lẫn nhau. Trong vấn đề đánh cắp ý tưởng, bí mật công nghệ và thông tin của phương Tây nhất là của Hoa Kỳ, Trung cộng từng được đánh giá là bậc thầy trong việc "nấp dưới gầm giường nhà hàng xóm", để phục vụ cho chiến lược đi tắt đón đầu trong phát triển quốc gia và họ tự huyễn hoặc rằng, hành động của họ không đáng để mà phải xấu hổ. Về vấn đề biển Đông, Phó thủ tướng Uông Dương của Trung cộng lập lại tuyên bố cố hữu: "Phía Trung cộng sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình ở các vùng biển Nam Hải (tức biển Đông) và biển Hoa Đông. Trung cộng thúc giục phía Hoa Kỳ hãy có quan điểm khách quan, công bằng và tuân thủ cam kết không bênh vực bên nào và giữ vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực". Như vậy rõ ràng Trung cộng không quan tâm đến quan ngại của Mỹ trong vấn đề tự do lưu thông hàng hải ở biển Đông, vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền một cách cứng rắn và nỗ lực kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên một cách phi pháp. "Quan điểm khách quan" mà Trung cộng nêu ra với Hoa Kỳ trong vấn đề biển Đông, cũng cùng lối nói của Tổng thống Barack Obama rằng: Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông ngoại trừ yếu tố lưu thông hàng hải tại đây. Hơn 40 năm trước, biển Đông từng được mặc cả bí mật trên bàn cờ địa chính trị thế giới và khu vực giữa hai nước Mỹ-Trung. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger khi ấy, được Trung cộng trình xem công hàm bán nước 1958 của Phạm Văn Đồng đã gật đầu, mỉm cười đầy toan tính, để rồi một năm sau đó Hiệp định đình chiến ở Việt Nam được ký kết tại Paris năm 1973. Đến năm 1974, Trung cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính phủ Việt Nam Cộng Hòa một đồng minh của thế giới tự do, thì Hoa Kỳ đóng vai quan tổng trấn Philato khi xưa rửa tay để chối bỏ cam kết bảo vệ miền Nam Việt Nam. Bài học đắt giá về quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ của Việt Nam Cộng Hòa khi xưa, cho Bắc Kinh hy vọng một tiền lệ trong quá khứ rất có thể sẽ lập lại cho Đài Loan, Philippines và có thể là cả Nhật Bản. Trung cộng mong muốn điều đó xẩy ra nếu Mỹ-Trung lại có dịp sống lại bầu không khí "ngoại giao bóng bàn" lần nữa như hồi năm 1972, để rồi sau bức màn che, hai nước có thể chiều chuộng những đòi hỏi quyền lợi của nhau.
Quan hệ Mỹ-Trung có những thay đổi phức tạp và rối rắm, bởi tham vọng của Trung cộng là vươn ra Thái Bình Dương như một cường quốc biển thật sự, còn của Hoa Kỳ là xoay trục về châu Á để kềm chế sự bành trướng của Trung cộng. Phát biểu khai mạc cuộc đối thoại Mỹ-Trung lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: "Ðối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, đối với hai quốc gia và đối với cả thế giới, sẽ dứt khoát là một thảm họa. Trong các tình huống này, chúng ta ở cả hai bên phải nhìn xa, củng cố và tiếp tục hợp tác, và tránh đối đầu". Ở phía ngược lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã mạnh mẽ gây sức ép lên Trung cộng trong hồ sơ tranh chấp biển đảo, khi cảnh báo đối tác Trung cộng là Washington không thể chấp nhận các mưu toan tạo ra một hiện trạng mới ở vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Xem ra khi Mỹ-Trung kết thúc đối thoại năm nay, thì sự đối đầu có nguy cơ tăng cao và lộ rõ hơn, nhất là sau khi Hoa kỳ bật đèn xanh cho Nhật Bản sửa Hiến pháp, cho phép quân đội tham gia phòng vệ tập thể và xuất khẩu vũ khí. Chính Trung cộng đã làm cho Thái Bình Dương thình lình dậy sóng và với bản chất "quân tử Tàu", Trung cộng sẽ không chọn đường lui mà phải thẳng tiến, cho dù sẽ phải đón nhận một cuộc chiến không cân sức giữa họ với Mỹ và đồng minh.
Minh Quân

No comments:

Post a Comment