MỘT DÂN BIỂU MỸ PHẢN ĐỐI VIỆC ĐÀM PHÁN HIỆP ĐỊNH TPP VỚI VN
Dân biểu Loretta Sanchez, vị chính khách luôn ủng hộ tích cực cho
phong trào dân chủ ở VN, vào hôm qua đã ra một thông cáo báo chí, nội
dung chống đối việc chính phủ Mỹ đàm phán với VN về Hiệp định Mậu dịch
Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP.
Bà Sanchez, người nắm ghế đồng chủ tịch an ninh quốc nội và ủy ban
kinh tế lưỡng viện quốc hội Mỹ, giải thích lý do phản đối là vì VN không
cho phép thành lập một công đoàn độc lập để bênh vực cho quyền lợi của
giới công nhân, đặc biệt là các quyền lợi của nữ công nhân. Bà Sanchez
nhấn mạnh rằng, bất chấp những thỏa thuận đã ký kết với nước Mỹ và thế
giới để được gia nhập các tổ chức như WTO, VN vẫn không có những bước
tiến cụ thể nào trong việc bảo đảm và tôn trọng các quyền công dân.
Cần nhắc lại là trong buổi điều trần của hạ viện Mỹ về tình hình nhân
quyền tại các quốc gia Đông Nam Á, diễn ra vào hai ngày qua, một số dân
biểu Mỹ đã thẳng thừng chỉ trích VN về việc đàn áp thô bạo những người
bất đồng chính kiến với chế độ. Dân biểu Chris Smith mỉa mai là VN đang
tranh đua với Trung Cộng và Bắc Hàn để chiếm chức vô địch về "đàn áp
nhân quyền".
VN PHẢN BÁC CÁC TÀI LIỆU VỀ CHỦ QUYỀN TRUNG CỘNG
Bộ ngoại giao VN vào hôm qua đã công bố những văn thư mà VN đã gửi
cho Liên Hiệp Quốc vào hôm 8/7 vừa qua, nội dung khẳng định chủ quyền
của VN tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như than phiền về
hành vi xâm lấn lãnh hải của Trung Cộng khi đưa giàn khoan Hải Dương vào
thềm lục địa VN.
Các tài liệu nói trên được đăng tải trên một số trang mạng của báo
chí nhà nước, và được mô tả là có mục đích phản bác những lập luận trong
các tài liệu mà Trung Cộng đã gửi cho LHQ. Các tài liệu này trưng dẫn
các hội nghị quốc tế sau hai cuộc thế chiến, theo đó thì không có quốc
gia nào công nhận hay bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho
Trung Cộng.
Điều đáng chú ý là trong văn thư, bộ ngoại giao VN khẳng định là VN
chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Cộng tại Hoàng Sa và Trường
Sa. Riêng về bức công hàm năm 1958 của Phạm Văn Đồng, phía VN nói rằng
Trung Cộng đã xuyên tạc lịch sử và diễn giải một cách sai lạc, vì bức
công hàm này không hề nhắc tới chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Theo một
số học giả thì lập luận này của VN quá yếu ớt, vì nội dung bức công hàm
Phạm Văn Đồng rõ ràng là ủng hộ bản tuyên bố trước đó của Trung Cộng về
chủ quyền của họ trên các quần đảo ở Biển Đông và biển Hoa – Nhật.
6 NGƯ DÂN QUẢNG NGÃI HIỆN BỊ TRUNG CỘNG GIAM GIỮ TẠI CẢNG TAM Á
Trong buổi họp báo vào sáng hôm qua, phát ngôn nhân bộ ngoại giao VN
cho biết là 6 ngư dân Quảng Ngãi, bị quân Trung Cộng bắt giữ vào tuần
trước, hiện bị giam tại cảng Tam Á ở Hoa Lục.
Cần nhắc lại là vào ngày 3/7 vừa qua, chiếc tàu cá của ông Võ Đạt ở
huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã bị các chiến hạm Trung Công bao vây
tấn công khi đang đánh cá tại ngư trường Hoàng Sa, sau đó thì bị bắt
giải đi đâu không rõ.
Trả lời câu hỏi của các ký giả, phát ngôn nhân Lê Hải Bình cho biết
là tòa tổng lãnh sự VN tại thành phố Quảng Châu đã tiếp xúc với giới
chức Trung Cộng để thảo luận về việc phóng thích 6 ngư dân bị bắt. Điều
lạ lùng là thay vì đòi hỏi Trung Cộng phải trả tự do ngay lập tức cho
họ, ông Bình nói rằng vấn đề quan trọng mà phía VN yêu cầu là phải xác
định rõ vị trí xảy ra vụ bắt giữ. Và theo lời ông Bình thì hai bên đang
tập trung xác định vị trí này.
Một điều đáng chú ý nữa là trong buổi họp báo nói trên, ông Lê Hải
Bình tuyên bố là giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong khu vực chồng lấn
của hai nước Việt – Hoa, có nghĩa là không hẳn là nằm trong lãnh hải VN.
Đây là một tuyên bố gây sửng sốt trong dư luận, dẫn đến nghi ngờ là tập
đoàn lãnh đạo Hà Nội đang muốn nhận chìm biến cố này để tránh gây thêm
căng thẳng với Trung Cộng.
LÒ LỬA TRUNG ĐÔNG CÓ NGUY CƠ CHÁY LỚN
Trong khi tình hình chiến sự tại các nước Syria và Iraq đang có nhiều
biến chuyển khá xấu thì các cuộc không kích và giao chiến giữa Do Thái
với Palestine đang có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến toàn diện tại vùng
đất Trung Đông.
Vào hôm qua, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã khẩn cấp kêu gọi Do Thái
và Palestine hãy đình chiến sau khi Do Thái tố cáo phe Hamas đã pháo
kích vào các thành phố Do Thái vào tối thứ Tư vừa qua để trả đũa các
cuộc không kích của Do Thái vào dải Gaza. Một số nguồn tin cho biết là
hơn 60 tay súng Palestine bị sát hại trong các cuộc không kích của Do
Thái vào hôm thứ Ba, với hơn 230 phi vụ oanh tạc vào 600 mục tiêu tình
nghi trên đất Gaza.
Ông Ban Ki-moon cho biết là tình hình đang trở nên vô cùng nguy hiểm,
trong khi Hội đồng Bảo an đang nhóm họp khẩn cấp để tháo gỡ ngòi nổ
chiến tranh tại Gaza. Hiện Do Thái đã huy động khoảng 40 ngàn quân dự bị
và quân đội của họ đã áp sát vào vùng biên giới của người Palestine ở
Tây Ngạn và dải Gaza.
MỸ ĐỀ RA MỘT SỐ BIỆN PHÁP TRẤN ÁP QUÂN TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG
Quân đội Hoa Kỳ đang đề ra một số chiến thuật mới có mục tiêu trấn áp
dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng, trong số đó có việc tăng
cường phi cơ tuần thám và đưa chiến hạm đến các vùng biển đang tranh
chấp.
Theo giới báo chí Mỹ thì bộ quốc phòng Hoa Kỳ đang xem xét lại các
chiến thuật của mình, sau khi Trung Cộng đã từng bước lấn tới nhằm độc
chiếm vùng Biển Đông và hải lộ quan trọng của thế giới ở Á châu, với
lượng hàng hóa qua lại trên hải lộ này lên đến hơn 5 ngàn tỷ Mỹ kim mỗi
năm.
Các chiến thuật mới của Mỹ là nhằm ngăn chận thủ đoạn "tằm ăn dâu"
của Trung Cộng mà vẫn tránh được các cuộc xung đột quân sự trên Biển
Đông. Vào hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa yêu cầu Trung
Cộng phải ngưng ngay các hành động xử dụng sức mạnh võ lực để lấn lướt
các quốc gia đang tranh chấp về chủ quyền biển đảo như VN, Philippines
và Nhật Bản.
No comments:
Post a Comment