Thứ Ba, ngày 22.07.2014
Sau đêm dài tăm tối dưới độc tài
đảng trị CSVN, toàn dân đã tỏ tường rằng, tương lai của dân tộc nằm tại
quyết tâm dân chủ hóa đất nước, tạo thế liên minh với Hoa Kỳ và các nước
dân chủ, hầu phát triển đất nước và đẩy lùi đế quốc Đại Hán từ Bắc
Phương. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Huỳnh Ngọc
Tuấn với tựa đề: "Việt Nam cần thay đổi thể chế để bảo vệ đất nước" sẽ
được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm
nay.
Ngày 01/7/2014 vừa qua, chính phủ Nhật bản đã có một quyết định quan
trọng là thay đổi học thuyết quốc phòng từ chỗ chỉ được quyền 'phòng vệ
cá nhân' như quy định của Hiến pháp Nhật từ sau đệ nhị thế chiến đến nay
sang quyền được 'phòng vệ tập thể' mở đường cho Nhật bản tham chiến
cùng các nước đồng minh trong tình huống chiến tranh, mục đích tối hậu
là để đối phó với một Trung cộng đang trở nên tự tin quá mức.
Sự phát triển như vũ bão của Trung cộng về kinh tế và quân sự cộng
với tham vọng bá quyền cố hữu của đất nước khổng lồ này đặt Mỹ, Nhật, Úc
và các nước trong khu vực đông Á vào tình thế bị đe dọa trước mắt và
lâu dài buộc các nhà hoạch định chính sách của những quốc gia này phải
có một tầm nhìn thực tế hơn về tính mong manh của hòa bình và ổn định
trên thế giới và chiến lược chuyển trục của Hoa kỳ đang thực hiện là một
đáp ứng theo chiều hướng đó.
Người Mỹ đang thiết lập một vành đai an ninh bao quanh TC từ Bắc
xuống Nam, bắt đầu từ Nam Hàn qua Nhật bản đến Philippines, xuống Mã
lai, Nam Dương và Singapore, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu rõ
ràng rằng người Mỹ muốn cộng sản VN đóng một vai trò gì và như thế nào
trong cái vành đai an ninh đó và CSVN cũng không hề có chỉ dấu nào là
muốn tham gia vào một liên minh phòng thủ chung để được bảo vệ. Việc này
sẽ đẩy đất nước vào thế đơn độc đối đầu với TC, nếu TC đơn phương hành
động trong lúc này khi VN chưa được ai bảo vệ như Ukraina đã tạo điều
kiện cho Nga xâm chiếm Crimea.
Nhận thức được nguy cơ từ Trung cộng, Philippines đã nhanh chóng có
những hành động cụ thể như cho phép quân đội Mỹ có mặt gần như thường
trực tại Phi với một loạt căn cứ quân sự hùng hậu, trong khi đó VN bị TC
đe dọa nặng nề hơn mà vẫn tiếp tục chủ trương "không liên kết" thì quả
là khó hiểu...!
Để giải thích cho việc VN vẫn đang còn đứng ngoài một liên minh phòng thủ khu vực có hai khả năng:
- Thứ nhất VN vẫn là một chế độ CS độc tài không chia xẻ cùng một giá
trị với Hoa kỳ và đồng minh dẫn đến sự nghi ngờ, hơn nữa trong tương
quan với TC và Hoa kỳ thì CSVN gần gủi hơn với TC về ý thức hệ và mục
tiêu chiến lược, mối quan hệ Trung–Việt vẫn còn ẩn chứa nhiều nghi vấn
vì những thỏa thuận ở Thành Đô mà cho đến nay chưa được giải mật. Ngày
nào VN chưa thay đổi thể chế, thay đổi học thuyết quốc phòng, đoạn tuyệt
với quá khứ CS thì việc gia nhập liên minh với Mỹ là không thể thực
hiện được vì có thể chính phủ Mỹ vì lợi ích thực dụng họ đồng ý vô điều
kiện để CSVN tham gia liên minh, nhưng với Quốc hội Mỹ điều này khó chấp
nhận được.
- Thứ hai có thể Hoa kỳ không cần thiết có thêm VN trong vành đai an
ninh đã được thiết lập vì vị trí trọng yếu của Philippines đã thay thế
một cách hoàn hảo cho VN trong sự bố phòng chiến lược?
Nếu đúng như vậy thì rất nguy hiểm cho dân tộc VN vì có thể Mỹ và
đồng minh không cần VN trong vành đai an ninh của mình nhưng TC thì rất
cần vị trí chiến lược của VN trong chiến tranh "chống tiếp cận", vì hệ
thống cảng biển VN từ Đà nẵng, Dung Quất đến Cam Ranh, Vân Phong và Vũng
Tàu sẽ tạo ưu thế quân sự cho TC nếu họ kiểm soát được những vùng đất
hiểm yếu này để khai triển khí tài quân sự mở rộng không gian chiến
tranh làm phân tán hỏa lực của Mỹ và đồng minh. Như vậy VN vừa mất chủ
quyền vừa mất an ninh.
Xét theo lập luận này thì việc Mỹ và đồng minh mở cửa cho VN tham gia
khối quân sự sẽ vô hiệu hóa hình thái "chiến tranh chống tiếp cận" của
TC và ưu thế chiến lược sẽ nghiên về phía Mỹ. Riêng với Nhật bản việc VN
tham gia liên minh sẽ rất có lợi cho họ vì sẽ phân tán hỏa lực của TC
một khi chiến tranh nổ ra, "chia lửa" cho Nhật bản và làm cho TC bị bao
vây ở nhiều mặt giúp cho việc phòng thủ và tấn công của liên minh thuận
lợi hơn rất nhiều.
Nhìn nhận trong góc độ này thì vị trí chiến lược của VN là cực kỳ quan trọng mà cả Mỹ – Nhật và Trung cộng không thể bỏ qua.
Hiện tại chúng ta chưa thể xác quyết được điều gì, chúng ta chỉ hy
vọng rằng người Mỹ sẽ hành động có trách nhiệm với nhân dân VN. Hy vọng
người Mỹ và Nhật hiểu cho rằng chỉ có một chính phủ dân chủ do nhân dân
chọn lựa qua cuộc bầu cử tự do mới đủ tính chính danh để đàm phán với họ
về việc VN gia nhập khối phòng thủ chung, mọi thỏa hiệp của CSVN với
các nước kể cả Hoa kỳ sẽ không có giá trị và nó sẽ bị hủy bỏ một khi CS
sụp đổ, mà CS sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Mỹ và Nhật nên đồng hành
với nhân dân VN chứ không nên đồng hành cùng CSVN, vì CSVN chỉ là một
giai đoạn trong lịch sử dân tộc VN.
Về phía VN, chúng ta không có lý do hay lợi ích gì khi can dự vào
tranh chấp quyền lực của các siêu cường, chỉ vì ngày hôm nay chủ quyền
quốc gia và sinh mệnh dân tộc Việt bị đe dọa cho nên chúng ta mới chấp
nhận rủi ro tham gia vào một liên minh phòng thủ . Trên đời này mọi sự
cao quý đều có giá của nó, việc bảo vệ tổ quốc đương nhiên phải trả bằng
máu của chính dân tộc mình, để tồn tại chúng ta phải chiến đấu và hy
sinh không có sự chọn lựa nào khác.
Nhưng sự chiến đấu và hy sinh này của dân tộc Việt phải được bảo đảm
bằng cái giá của tự do cho cả dân tộc, chúng ta không chiến đấu để duy
trì chế độ độc tài, một chế độ đã làm ung thối đất nước, đặt đất nước
vào tình thế hiểm nghèo vì một "mối tình hữu nghị viễn vông" như chính
ông Thủ tướng CS Nguyễn tấn Dũng đã nhìn nhận.
Thêm một lần nữa khẳng định: Để bảo vệ sự trường tồn của dân tộc và
quốc gia, mở ra lộ trình canh tân đất nước, VN phải thay đổi thể chế từ
độc tài sang dân chủ, chỉ có như vậy mới đoạn tuyệt được ý thức hệ CS
nguyên nhân của mọi sai lầm và bi kịch, mới thay đổi được học thuyết
quốc phòng tự cô lập, chủ động tham gia liên minh phòng thủ khu vực do
Mỹ lãnh đạo .
Đây cũng chính là cơ may cuối cùng để gìn giữ hòa bình, nhưng phải là
một nền hòa bình trong sự tôn trọng tự do và phẩm giá dân tộc, hòa bình
trong thế mạnh.
Huỳnh Ngọc Tuấn
No comments:
Post a Comment