Thứ Hai 21.07.2014
Nâng cao dân trí để đem sức mạnh
cho đất nước là mục tiêu hàng đầu cho ngành Giáo Dục hậu CS. Trong tiết
mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN
bài viết có tựa đề: " Những khẩu hiệu ở Sài Gòn" của Khải Đơn sẽ được
trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Trong hàng trăm người tập trung ở nhà thờ Đức Bà, tôi nhìn thấy những tấm biển giơ lên:
"Hãy đưa ngay TQ ra tòa án Quốc Tế – Let's sue China to International court right now"
Nâng dân trí, chấn dân khí, Việt Nam là "tiểu quốc" nhưng không phải "nhược quốc"
Những người đi bộ mang tờ giấy mỏng ghi khẩu hiệu đó cứ đi về phía
trước, họ hô vang lời mình muốn nói. Họ đi trong bình tĩnh, chậm rãi.
Khi nhìn dòng khẩu hiệu "Nâng dân trí, chấn dân khí, Việt Nam là
"tiểu quốc" nhưng không phải "nhược quốc" – tôi gần như đã rơi nước mắt.
Đó là một bạn rất trẻ cầm cái biểu ngữ ấy.
Một chuyện khác, về một phụ nữ ở trong quê, con gái bà bị hiếp dâm.
Sau một lần công an huyện gọi bà lên và bảo "Nhà đó nói gửi chị 6 triệu
đền, chị chịu thì lấy, chứ không khởi tố được." – Bà thẳng thừng nói
"Tôi không bán trinh con gái tôi 6 triệu.". Từ đó trở đi, từ một người
phụ nữ không biết viết cái đơn, chỉ biết đi ra chợ nhờ người gõ máy tính
viết dùm, bà và chiếc điện thoại Nokia của bà, đã được một cậu bé trong
quán cafe chỉ cho cách lên mạng internet. Bà đã tìm luật trên google,
tìm xem vụ án con gái bà ở khung hình phạt nào, là hình sự hay sao,
trong điều nào quy định ra sao. Khi gặp tôi, bà kể rằng khi phóng viên
báo tỉnh xuống viết về vụ án của bà, "người ta" đã đến và dọa bà sao dám
gửi đơn lên nhà báo. Bà nói với họ: "Theo điều luật này, tôi thấy
chuyện của con tôi thế này, nếu các anh không làm, thì tôi gửi đơn đi
nơi khác." Bà đã làm chuyện đó 1 năm, bà bảo bà không cần người ta phạt
tù kẻ đã hiếp dâm con gái bà, mà bà cần pháp luật xử công minh, rõ ràng
chứ không phải lời nói miệng nhận 6 triệu tiền đền là xong.
Chưa bao giờ tôi thấy tri thức có thể trở thành sức mạnh kinh khủng
đến vậy với một người phụ nữ không hề ăn học gì và chỉ biết đọc chữ. Tri
thức đã trở thành sức mạnh, như một cái đà đẩy, kích lên từng con người
một, để họ có thể thực hiện được những điều cần thiết – để bảo vệ mình,
gia đình mình và xa hơn nữa là Tổ quốc mình.
Nếu ai hay làm việc ở nông thôn sẽ hiểu người dân đói khát hiểu biết
đến thế nào. Kiến thức chỉ dừng lại ở cái trường cấp 1,2,3 con họ đi
học, với mớ hiểu biết mù mờ và vô dụng. Kiến thức chỉ dừng lại ở những
tấm biển căng ra ở ủy ban xã, phát tờ rơi đến nhà họ, hoặc bản tin bằng
chữ trên đài truyền hình cấp huyện phát 30 phút mỗi ngày. Trong tất cả
các loại tin ấy, họ chỉ được yêu cầu phải nghe lời, làm theo, chấp hành
nghiêm chỉnh.... Không có điều gì chỉ dẫn rằng họ có thể bảo vệ và làm
cho cuộc sống của mình giá trị và mạnh mẽ hơn. Không có một kiến thức
nào dạy họ rằng họ có thể hỏi ở đâu khi người khác làm sai và xâm phạm
vào cuộc sống riêng tư của họ.
Khi cái điện thoại Nokia kia đến tay người đàn bà trong quê, bà đã sờ
tới tri thức, thứ thông tin có thể giúp bà gặng hỏi chính quyền khi họ
làm gì đó chưa thích hợp với bà và bà chưa được giải thích cặn kẽ.
Phương tiện thông tin kia không phải thanh kiếm ta có thể vung lên và
giết ai, mà nó là một cái điện thoại, nơi mà người dân nghèo khổ ngu dốt
có thể tìm ra một phương thức ôn hòa để bảo vệ bản thân và gia đình
mình – dù rất khó khăn.
Tấm băng-rôn trong cuộc biểu tình xuất hiện trong tay một bạn trẻ, nó
nhắc tôi rằng mỗi chúng ta, mỗi người rất trẻ, đều có thể tham gia vào
cuộc chăm sóc và bảo vệ quê hương của mình. Có những người đã đi đến
vùng nông thôn để chỉ dạy cho nông dân về cách tránh dịch bệnh cho gà,
lúa miễn phí. Có người đã đến và đưa vào tay họ những quyển sách luật và
chỉ họ nên đọc thế nào. Có người đến và tặng cho người ở xa một tủ sách
có đầy đủ sách nông nghiệp và truyện cho trẻ con.
Khi tăng thêm "sức đề kháng" bằng kiến thức cho mỗi người nông dân
rất khỏe về tinh thần nhưng yếu về hiểu biết là lúc mỗi người Việt Nam
có thêm trong tay mình khí cụ để trở thành một nhà trí thức, dịch những
văn bản về tiếng nói của Việt Nam, viết những bài viết, sưu tầm tài liệu
về hải đảo... và biến quê hương mình thành một ngọn giáo trước những kẻ
xâm lược đang chực chờ ngoài biển.
Không có một phương cách ngắn hạn để kết thúc xung đột. Cũng không có
một cách đơn giản để làm những cuộc biểu tình trở nên giá trị hơn. Giá
trị lớn nhất mà một người biết và có thể làm được, giống như bạn bè tôi,
biết về ngành thủy sản, biết về ngành lịch sử, ngành hành chính, đang
làm các công việc thêm để giúp những người nông dân mình quen có thêm
sức mạnh – để họ hoặc con cái họ bước vào hàng ngũ trí thức – và trở
thành những kẻ mạnh trong một dân tộc bé và mạnh mẽ.
Tôi từng thấy một nhà nghiên cứu văn hóa hàng ngày vẫn làm công việc
miễn phí là chỉ giúp nông dân cạnh nhà ông viết đơn, đi làm giấy tờ
chuẩn bị hồ sơ đi xin việc, chuẩn bị hồ sơ đi làm chứng minh nhân dân
hay viết một cái đơn xin trợ giúp... Những người đang làm những việc rất
bé, rất bé đó, đang thay đổi xã hội Việt Nam này.
Ở đâu có tri thức, ở đó người ta không dùng dùi cui táng vào mặt nhau
được. Người ta sẽ phải dùng đến luật chơi để nói chuyện với nhau. Ở đâu
có tri thức, từng con người sẽ hiểu vì sao mình cất tiếng nói và làm
cách nào để tiếng nói của mình đến được nơi xa nhất của công lý.
Dù sớm hay muộn, liệu chúng ta có làm được gì khác không, ngoài việc
tự vận hành mỗi ngày để cái bánh xe cuộc sống này lăn về phía trước –
theo cách mạnh mẽ nhất nó có thể?
"Hãy đưa ngay TQ ra tòa án Quôc Tế – Let's sue China to International court right now"
Khải Đơn
No comments:
Post a Comment