Thứ Bảy 19.07.2014
Kính thưa quý thính giả, Lịch sử
Việt Nam thời cận đại ghi lại, không những chỉ có Đại Học Sĩ Phan Thanh
Giản, Tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết để giữ tiết tháo trước cơn quốc
nạn, mà còn có nhiều danh tướng yêu nước, thương dân, bất khuất trước kẻ
thù, đã chọn cái chết để tỏ lòng trung với nước. Trong tiết mục "Danh
nhân nước Việt", chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Danh tướng
Nguyễn Tri Phương" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt
chương trình tối nay.
"Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa,
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên".
Tạm dịch:
Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất,
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh.
Đó là hai câu đối trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa để tưởng nhớ
Nguyễn Tri Phương, một danh tướng thời nhà Nguyễn, tổng chỉ huy quân đội
chống quân Pháp xâm lược ở Đà Nẵng, Gia Định và Hà Nội.
Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu
là Đồng Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân tại làng Đường Long,
xã Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Xuất thân trong một gia
đình làm ruộng và nghề thợ mộc. Nhà nghèo nhưng nhờ ý chí tự lập, ông
dựng nên nghiệp lớn.
-Năm 1823, vua Minh Mạng phong cho ông chức Điển bộ, năm sau thăng Tu
soạn, lên Thừa chỉ, hai năm sau thăng chức Thị độc, Thị giảng học sĩ và
năm 1831 lên chức Hồng lô tự khanh.
-Năm 1835, ông vào Gia Định cùng Trương Minh Giảng bình định các vùng mới khai hoang, được thăng lên Thị lang.
-Năm 1840, được bổ làm Tuần phủ Nam Nghĩa, lo việc bố phòng cửa biển
Đà Nẵng, được thăng làm Tham tri bộ Công và được vua Thiệu Trị cử làm
Tổng đốc An Giang, Hà Tiên để dẹp giặc cướp. Sau đó, làm Tổng đốc Vĩnh
Long, Định Tường, kiêm Khâm sai đại thần, được thưởng danh hiệu "An Tây
trí dũng tướng".
-Năm 1845, cùng với Doãn Uẩn đánh bại quân Xiêm La, bình định Cao Miên, ổn định hoàn toàn vùng biên giới Tây Nam.
-Tháng 5 năm 1847, được triệu về kinh, thăng chức Chánh hiệp biện Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công.
-Năm 1850, vua Tự Đức phê chuẩn cải tên ông từ Nguyễn Văn Chương
thành Nguyễn Tri Phương, phong làm Khâm sai Đại thần, kiêm Tổng đốc các
tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên.
-Năm 1853, ông được phong làm Đại học sĩ, lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ.
-Năm 1860, ông được thăng chức Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại
thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam. Năm sau, thăng
Binh bộ Thượng thư chỉ huy lực lượng quân sự chống Pháp.
-Năm 1862, khi triều đình Huế mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào tay
Pháp, ông được cử ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân vụ, thăng chức Võ
hiển Đại học sĩ.
-Năm 1863, ông được cử ra Bắc đánh dẹp quân Lê Duy Phụng.
-Năm 1870, quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc đánh phá và cướp bóc các tỉnh
Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Năm 1872, ông giữ chức Tuyên sát Đại
thần, lo việc quân sự ở Bắc Kỳ và thu phục quân Cờ Đen.
-Rạng sáng ngày 20/11/1873, quân Pháp đánh úp thành Hà Nội. Con trai
ông là Phò mã Nguyễn Lâm tử trận, ông cũng bị trọng thương, quân Pháp
đưa đi cứu chữa, nhưng ông từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng
lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết vì việc nghĩa". Sau đó, ông
tuyệt thực và mất vào ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi. Đích thân vua Tự Đức
soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và
Nguyễn Lâm) và cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà.
* * *
Nhắc đến triều đình nhà Nguyễn, rất nhiều sử gia và giới hậu bối đều
phê phán nặng nề vì cho rằng vua quan nhà Nguyễn ươn hèn, không thức
thời để canh tân đất nước nên đã dẫn đến cơn quốc nạn Pháp thuộc kéo dài
gần một trăm năm. Có những phê phán rất đúng, nhưng không thể "vơ đũa
cả nắm" để nói rằng cả triều đình đều nhu nhược, yếu hèn hay đầu hàng
giặc Pháp.
Không tính đến các vị vua trẻ như Duy Tân, Hàm Nghi đã can đảm đứng
lên chống quân xâm lược Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã có không ít văn
thần võ tướng đầy lòng ái quốc, sẵn sàng hy sinh tính mạng để đưa đất
nước ra khỏi cơn quốc nạn. Và một trong những người mang tấm lòng nhiệt
huyết đó là Nguyễn Tri Phương, một người xuất thân từ giới bình dân giỏi
cả văn lẫn võ.
Nhắc đến Nguyễn Tri Phương, hậu thế thường biết đến khí tiết võ tướng
của ông khi nhất quyết từ chối việc chữa thương của người Pháp và tuyệt
thực đến chết để "báo ơn vua, đền nợ nước" sau khi thành Hà Nội bị thất
thủ.
Thế nhưng trước khi nắm quyền chỉ huy đại quân chống Pháp, ông là một
vị quan đã đóng góp rất nhiều công trạng trong việc bình định loạn lạc ở
ba miền, đặc biệt là đã lôi kéo được quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, một
mãnh tướng nhà Thanh, ủng hộ dân tộc VN trong các cuộc kháng chiến
chống Pháp sau này.
Điều đáng nói hơn là, dù triều đình nhà Nguyễn có yếu hèn đến đâu
chăng nữa thì vẫn có được những văn thần võ tướng như Nguyễn Tri Phương,
Phan Thanh Giản... chứ không đến độ như chế độ cộng sản hiện nay không
hề có được một quan chức nào đủ can đảm lên tiếng chỉ trích Trung Cộng,
chứ đừng nói đến việc cầm quân chống giặc Tàu xâm lược. Thậm chí kẻ nắm
ghế bộ trưởng quốc phòng, giống như Binh bộ thượng thư Nguyễn Tri
Phương, lại lên tiếng biện hộ cho bọn Tàu xâm lược ngay tại một diễn đàn
quốc tế.
Chính vì thế, nếu thật sự là khách quan, các sử gia hôm nay và mai
sau, cho rằng triều Nguyễn ươn hèn đầu hàng giặc Pháp, thì cũng nên viết
thêm là triều đại cộng sản kế tục sau đó đã cam tâm dâng nhượng sơn hà
xã tắc cho giặc Tàu để đổi lấy quyền lực và vinh hoa phú quý. Tệ hơn thế
nữa là triều đình cộng sản không sản sinh ra được một khuôn mặt nào
sáng chói như Nguyễn Tri Phương để con cháu lấy làm hãnh diện và học hỏi
tấm gương của tiền nhân!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment