Thứ Tư, ngày 30.07.2014
Liên tục chương trình, trong chuyên
mục Con Người Việt Nam tuần này Nguyên Hồng chia sẻ cái nhìn của đạo
diễn Trần Văn Thủy qua cuốn phim tài liệu Chuyện Tử Tế. Mời quí thính
giả theo dõi sau đây
Đạo diễn Trần Văn Thủy không những chỉ làm Hà Nội Trong Mắt Ai với
cái nhìn rất là tử tế. Trái lại ông làm cuốn phim thứ hai có cái tên rất
là cần thiết, đó là Chuyện Tử Tế.
Phim Chuyện Tử Tế có nhắc đến cách giáo dục trẻ em là "các emyêu quý,
các em là những đứa trẻ hạnh phúc vì các em là con Hồng cháu Lạc. Giang
sơn của các em là gấm vóc, thiên nhiên ưu đãi tài nguyên giàu có, tiền
rừng bạc biển" trong khi đó học sinh Nhật được giáo dục là "các bạn nhỏ
yêu quý, các bạn là những đứa trẻ bất hạnh. Bất hạnh bởi các bạn sinh ra
ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không hề được thiên nhiên
ưu đãi. Một đất nước đã từng thua cuộc trong chiến tranh. Gương mặt của
đất nước này, tương lai của các bạn là trong tay của các bạn". Vâng!
Chính sự giáo dục xác với thực tế này đã thúc đẩy người dân Nhật chịu
học hỏi, lắng nghe để vươn lên, luôn luôn cải thiện sản phẩm của mình.
Nhật tuy thua trận sau thế chiến thứ hai nhưng kinh tế của Nhật, hàng
hóa của Nhật luôn luôn đứng đầu trên thế giới.
Trong khi đó nền giáo dục của Việt Nam từ xưa cho đến nay, hoàn toàn
đi ngược lại với thực tế thế nhưng những nhà lãnh đạo trong ngành giáo
dục, tiếp tục nghe theo lời của đảng để giảng dạy những điều đi ngược
lại với thực tế và thế giới. Chủ thuyết Cộng Sản đã hoàn toàn tan ra thế
mà sinh viên VN vẫn tiếp tục học cái chủ thuyết đã bị khải tử từ năm
1990. Phải chăng chính sự giáo dục này đã làm giới "trí thức mới" của VN
đã không còn đủ tư duy để nhìn rõ vấn đề và không đủ tâm để làm những
chuyện gọi là tử tế trong cuộc sống?
Đạo diễn Trần Văn Thủy cho rằng, nếu như chúng ta dạy dỗ trẻ là "cái
nhục của sự nghèo khổ cũng chẳng kém gì cái nhục của sự mất nước. Đừng
nghe những lời tân bốc hão huyền vì các em à. Bi kịch và cả hài kịch
thường xảy ra bất cứ ở đâu khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một
khoảng cách quá xa". Vâng! 30 năm về trước VN có thể đã không bị mất
nước. Nhưng hôm nay, Việt Nam đã hoàn toàn bị sự thống trị của Trung
Quốc mà các thái thú của hôm nay là đảng CSVN. Mất nước đấy nhưng có ai
thấy được cái nhục mất nước kiểu mới, đầy nguy hiểm này?
Trong vài phút đầu của câu chuyện, đạo diễn Trần Văn Thủy nói "từ rất
xa xưa, cha bác có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi
giòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ
tiên hay trên lễ đài quốc gia. Bởi thiếu nó -- một cộng đồng dù có những
nỗi lực tộc bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều
vớ vẫn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm
người, người tử tế -- trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những
người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm".
Vâng! Gần 30 năm về trước, đạo diễn Trần Văn Thủy đã nhìn ra được vấn
đề. Nhìn ra vấn đề là nhà cầm quyền VN lúc bấy giờ, cũng như nhà cầm
quyền hiện giờ, đều không phải là những con người tử tế. Chính không có
cái tâm của người tử tế, họ sẵn sàng chà đạp tất cả nhân phẩm của con
người, những giá trị của con người để họ tiếp tục cầm quyền, hưởng lợi.
Họ làm việc không có trách nhiệm. Khi mà một công ty Nhật lên tiếng là
đã chi phí 800 ngàn đô la cho các quan chức VN để được trúng thầu cho
một công trình VN do chính quyền Nhật tài trợ. Vậy mà, sau khi điều tra,
chẳng một ông quan nào cho rằng mình nhận hối lộ. Chẳng lẽ các quan hối
lộ kêu lên -- lạy ông tôi ở bụi này? Ngay cả những người đi điều tra
hối lộ, chính những người này sẵn sàng nhận hối lộ thì lấy gì để điều
tra sự hối lộ này? Cả nước tham nhũng, hối lộ, từ trên xuống dưới thì ai
là người có đủ uy tín để làm chuyện điều tra? Và nếu chẳng mai ông
Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng tham nhũng thì liệu các quan điều tra
tham nhũng có dám phanh phui hay không? Hỏi tức đã trả lời. Sự tử tế
hoàn toàn không có trong bộ máy cầm quyền của VN.
Điều đáng ngạc nhiên là 10 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống
nhất, với một bộ máy tuyên truyền đồ sộ, với một đội ngũ văn nghệ sĩ làm
theo lời mong muốn của bề trên, tức là đảng CSVN, nhà cầm quyền VN, vậy
mà còn có những con người có cái tâm để nhìn ra được vấn đề. Hà Nội
Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế là hai bộ phim nói lên cái tâm của người
làm phim, nói lên cái tâm của một người dân đứng trước sự xuống cấp của
đất nước.
Nhưng 30 năm sau kể từ khi hai bộ phim này được trình làng tại VN thì
dân tộc ra sao? Vẫn là một sự ù lì, ru ngủ, chờ đợi và tiếp tục chịu
đựng những đàn áp, áp bứt của bộ máy cầm quyền. Tuy rằng đã có những
cuộc biểu tình của dân oan; những đấu tranh của sinh viên; những bản
nhạc tranh đấu rất là nhân bản của nhạc sĩ Việt Khang; những tổ chức dân
sự tiếp tục hình thành; sự ra tù vào khám của những nhà đấu tranh gồm
có cả cựu đảng viên, giới làm truyền thông -- tiếp tục xảy ra trước
những đàn áp vô nhân cách của lực lượng công an và lực lượng côn đồ do
công an nuôi dưỡng. Tất cả những hình ảnh trên vẫn chưa đủ để tạo ra một
tiếng nổ thật lớn, thật to để đánh thức một dân tộc đã mê ngủ trong mấy
chục năm qua. Chỉ khi nào dân tộc không mê ngủ, sẵn sàng đứng lên như
bà Trưng, bà Triệu, Ngô Quyền thì chúng ta mới thoát được ách độ hộ kiểu
mới của Trung Hoa mà đảng CSVN, nhà cầm quyền VN là những thái thú của
thời đại.
Để chấm dứt chương trình hôm nay, xin được nhắc lại lời nói rất là quan trọng trong phim Chuyện Tử Tế.
"từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người,
mỗi nhà, mỗi giòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên
bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia. Bởi thiếu nó -- một cộng đồng
dù có những nỗi lực tộc bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là
những điều vớ vẫn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc
học làm người, người tử tế -- trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở
thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm".
Nguyên Hồng
No comments:
Post a Comment