Saturday, March 6, 2021

Tin Tức : Thứ Bảy 06.03.2021

Tin Tức

Ngay sau đây, mời quý thính giả theo dõi sự kiện Việt Nam qua góc nhìn của Thụy Sỹ về vụ án Đồng Tâm với phiên xử phúc thẩm tới đây. Bảo Trân có thêm thông tin chi tiết để mở đầu phần Tin Tức hôm nay …

NHÀ HOẠT ĐỘNG THUỴ SỸ KÊU GỌI CỘNG SẢN VIỆT NAM XỬ CÔNG TÂM VỤ ĐỒNG TÂM

Bà Pascale Berry Wavre, thành viên của tổ chức nhân quyền Hội Thụy Sĩ Việt Nam (COSUNAM), viết thư ngỏ kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tiến hành xét xử công tâm trong phiên phúc thẩm xử 6 dân oan Đồng Tâm trong phiên toà tuần tới.

Trong thư được đăng tải trên nhiều báo của Thuỵ Sỹ, bà Wavre nói rằng Đồng Tâm là cơ hội để cộng sản Việt Nam chứng minh năng lực và sẵn sàng tiến tới một xã hội công bằng. Bà cũng lên tiếng kêu gọi những du khách nước ngoài, những ai thăm Việt Nam hoặc mua sản phẩm Việt Nam, cần phải nghĩ đến cái giá phải trả bởi người dân nước Việt. 

Thư ngỏ của bà bắt đầu bằng những câu “Việt Nam sát hại công dân của mình – Không chỉ có ở Miến Điện nơi mà một chế độc đảng chà đạp mãnh liệt các quyền con người.”

Bà mong rằng các viên chức tư pháp của Việt Nam nhìn nhận được vai trò của truyền thông xã hội, vì du khách nước ngoài có thể tẩy chay Việt Nam nếu họ biết rằng nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam được xây dựng trên những mảnh đất cướp từ người dân và nơi mà quyền con người không được tôn trọng.

Người lao động nước ngoài qua chính sách xuất khẩu lao động của đảng được quan tâm hay chỉ là việc thanh trừng nội bộ? Chuyện bây giờ mới nói sau cả chục năm sai phạm. Đồng Tâm có thêm thông tin chi tiết như sau …

MỘT CỤC TRƯỞNG CỦA BỘ LAO ĐỘNG BỊ ĐỀ NGHỊ KỶ LUẬT VÌ GÂY HẠI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU

Vào thứ Năm ngày 04.03, Thanh tra Chính phủ đề nghị kỷ luật Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài thuộc Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội vì làm thiệt hại cho quyền lợi người lao động xuất khẩu trong giai đoạn 2012-2016.

Cục Quản lý Lao động nước ngoài bị cho rằng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, dẫn đến việc người lao động phải chi trả số tiền quá lớn trong khi chính sách của nước tiếp nhận là không phải chi trả như Đài Loan và Nhật.

Thanh tra Chính phủ CSVN còn kiến nghị xem xét trách nhiệm của chánh thanh tra bộ này giai đoạn 2015-2018 vì không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của doanh nghiệp và đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động 36 doanh nghiệp vi phạm.

Nhật Bản cấp trên dưới 3 triệu Mỹ kim cho Ủy Hội Sông Mekong để giúp các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thích ứng với các biến đổi do việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn ở Trung Cộng. Nội dung của bản tin sẽ được Bảo Trân trình bày sau đây…

NHẬT BẢN CẤP GẦN 3 TRIỆU MỸ KIM CHO MRC ĐỂ GIÁM SÁT SÔNG MEKONG

Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định tài trợ 2,9 triệu Mỹ kim cho Ủy hội Sông Mekong (MRC) trong 4 năm tới để giúp tổ chức này và các quốc gia thành viên Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam tăng cường khả năng giám sát và đánh giá môi trường sông cũng như giúp các nước này thích ứng với những biến đổi hiện nay.

Theo kế hoạch, các hoạt động chính được tài trợ bao gồm cải thiện mạng lưới quan trắc sông và khả năng dự báo, và thiết lập các trạm quan trắc mới trên sông Mekong. Khoản tài trợ này cũng sẽ được sử dụng để cải thiện thông tin công khai về lũ lụt và hạn hán thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo các cộng đồng và chính quyền địa phương nhận được thông tin kịp thời để thực hiện các biện pháp giảm thiểu phù hợp.

Sông Mekong và các phụ lưu của là nguồn sinh kế cho gần 70 triệu người ở hạ lưu vực sông Mekong. Các quốc gia trong vùng đồng bằng sông Mekong đã phải hứng chịu mực nước thấp kỷ lục vào năm 2019 và 2020 và sinh kế của người dân tại Lào, Campuchia và Việt Nam bị gián đoạn. Từ năm 2019, nguồn nước dòng sông này đã bị giảm lưu lượng nước đáng kể do việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn ở Lào và Trung Cộng.

Đàn áp dân chủ đối lập, nhà cầm quyền phải trả một cái giá nào đó như trường hợp của Miến Điện. Phong tỏa tài sản là một trong những biện pháp mà Hoa Kỳ áp dụng cho Myanmar do những cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu. Đồng Tâm có thêm thông tin chi tiết như sau …

HOA KỲ PHONG TOẢ 1 TỶ MỸ KIM CỦA GIỚI QUÂN SỰ MYANMAR

Chính quyền Hoa Kỳ phong tỏa 1 tỷ Mỹ kim khi nhà cầm quyền quân sự Myanmar tìm cách rút số tiền đang được gửi tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang của New York vài ngày sau cuộc đảo chính đầu tháng trước.

Việc chuyển ngân khoản ngày 04.02 nhân danh Ngân hàng Trung ương Myanmar bị chặn lại bởi các biện pháp bảo vệ của Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Các giới chức chính phủ Hoa Kỳ sau đó trì hoãn chấp thuận chuyển tài khoản cho đến khi một sắc lệnh được Tổng thống Joe Biden ban hành cho phép họ có quyền chặn vô thời hạn việc rút tiền này một cách hợp pháp.

Việc phong toả diễn ra sau khi quân đội Myanmar bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương mới và bắt giữ những viên chức cải cách trong vụ đảo chánh. 

Hoa Kỳ, Canada, Liên hiệp Châu Âu và Anh đã đưa ra những chế tài mới sau cuộc đảo chánh và sau những cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu. Đã có ít nhất 54 người bị cảnh sát bắn chết kể từ vụ đảo chánh, và hơn 1.700 người bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.

Chuyện dài Iran và Hiệp Ước Vũ Khí Hạt Nhân vẫn chưa ngả ngũ sau khi Hoa Kỳ có nội các mới. Bảo Trân có thêm thông tin để kết thúc phần Tin Tức hôm nay …

PHÁP, ANH VÀ ĐỨC TỪ BỎ NGHỊ QUYẾT CHỐNG IRAN LIÊN QUAN ĐẾN HẠT NHÂN

Pháp, Anh và Đức quyết định không đệ nạp một dự thảo nghị quyết lên án Iran cắt giảm một số hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), liên quan đến việc thanh tra chương trình hạt nhân của Iran. 

Dự thảo nghị quyết, do ba nước châu Âu (Pháp, Anh và Đức) chủ trì và được Hoa Kỳ hậu thuẫn, sẽ không được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Thống đốc AIEA trong tuần này. Quyết định từ bỏ việc đệ trình nghị quyết chống Iran ngay lập tức đã được Teheran đón nhận tích cực. 

Diễn biến mới này để ngỏ khả năng cho một cuộc gặp không chính thức kéo dài một đến hai tuần tới với sự tham gia của Hoa Kỳ. Đây là điều mà trước đó Iran đã từ chối, do quan hệ giữa hai nước vẫn căng thẳng.  AIEA cũng cho biết Iran đã chấp nhận tham gia các cuộc họp mang tính kỹ thuật với tổ chức này để làm sáng tỏ một số vấn đề hiện đang bị treo lại. Từ nhiều tháng nay, cơ quan này bày tỏ lo ngại về khả năng tồn tại của nhiên liệu hạt nhân uranium tại một số địa điểm không được chính quyền Iran công bố. 

No comments:

Post a Comment