Wednesday, March 3, 2021

Chín ngày trong một đời người của Vũ Cao Quận

Hồi Ký

Để tưởng niệm “Người Lính Già Vũ Cao Quận”, Đài DLSN trân trọng giới thiệu tập hồi ký “Chín ngày trong một đời người”.  Sau đây, mời quý thính giả tiếp tục theo dõi tập hồi ký qua sự trình bảy của Bá Cơ

Bài 5

Nhân đây nói ngoài lề về chuyện đề nghị “đổi tên nước, đổi tên đảng, đổi cờ đảng” của tôi. Khoảng năm 1995 hay 1996, nhân cuộc hội nghị mở rộng của Đảng bộ Phường tới các bí thư, phó bí thư học tập, thảo luận nghị quyết Đại hội VIII, nhân danh cá nhân đảng viên, tôi đề nghị lên Đảng bộ cấp trên và xin bảo lưu ý kiến của mình gồm 3 điều:
– Thứ nhất: Xin đề nghị đổi tên đảng cộng sản Việt Nam trở về tên Đảng lao động Việt Nam thân thương vì suốt mấy chục năm nhân dân Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng khi chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc lập của chính quyền Sài Gòn, giang sơn thống nhất thu về một mối là dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam quang vinh. Cái tên Đảng Lao động Việt Nam rất thân thương ăn sâu, bám rễ trong lòng nhân dân rồi, trong lòng người lao động rồi.
– Thứ hai: Xin trả lại tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” vì cái tên thiêng liêng đó Bác Hồ vĩ đại là người khai sinh, đặt tên cho nước. Ngày nào chưa thực sự có chủ nghĩa xã hội thì ngày đó tên nước vẫn phải là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
– Thứ ba: Giang sơn Việt Nam là hương hỏa của tổ tiên ông cha để lại cho con Hồng cháu Lạc, của cả dân tộc, của những thân phận nhỏ bé như: chị bán rau, anh xe thồ đến các thân phận cao quý như các nhà khoa học, trí thức, các văn nghệ sĩ chứ không phải là của riêng giai cấp công nông. Cương lĩnh chính trị của Đảng cũng xác nhận là Đảng cộng sản Việt Nam là đảng của toàn dân tộc. Vậy nếu đảng muốn là đảng được toàn dân tôn vinh thì trên lá cờ của đảng phải là biểu trưng của toàn dân tộc, của bốn ngàn năm lịch sử, chứ không thể là mô hình búa liềm của riêng công nông. Và mẫu cờ búa liềm cũng là mẫu cờ ngoại lai của Liên Xô, một đất nước mang lá cờ này đã sụp đổ thảm hại.
Khi hội nghị lấy biểu quyết về 3 vấn đề của tôi thì chỉ có một mình tôi thui thủi giơ tay. Tôi liếc nhìn những người vừa là đồng chí, vừa là đồng ngũ cựu chiến binh của tôi, mới cách đây ít hôm khi nhâm nhi bia bọt với nhau đa số gần như tuyệt đối của “tiểu hội nghị bia bọt” đó là đều luyến tiếc cái thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cái thời Đảng Lao động Việt Nam, đều im lặng.
Thế mới biết:

Trước uy quyền, líu giọng đến lặng câm
Thân ngang dọc đành âm thầm uốn lưỡi…

Nhưng lúc ấy chẳng cấp nào “buộc tội” tôi cả. Cho đến năm 1999, tôi làm “giấy xin ra Đảng” một phần vì niềm tin, phần khác tôi không đồng tình với cách đối xử với tướng Trần Độ. Thế là họ “cộng” cái tội từ những năm 1995 vào biến người Đảng viên xin ra đảng thành bị khai trừ khỏi đảng.

Hỏi: Anh nghĩ gì về những người như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Thanh Giang, Phạm Quế Dương… và đánh giá về họ?
Đáp: Hãy để lịch sử đánh giá và phán xét về họ. Còn riêng đối với tôi thì về tuổi tác có người vào bậc cha chú. Về hiểu biết cuộc đời, về trí thức họ bậc thầy của tôi. Về công lao đối với Tổ Quốc, họ đều là những bậc công thần xin đừng ai quên điều này. Còn về nhân cách, tôi kính trọng họ.
Trong buổi sáng hỏi cung đó có thể có nhiều điều nữa mà tôi không nhớ hết mà chỉ nhớ một số ý hỏi đáp chính. Buổi chiều vợ tôi được mời đến để chứng kiến việc mở niêm phong bì những gì đã thu giữ ở nhà tôi trong một cái hộp các tông lớn. Bởi vì buổi chiều hôm trước khi thu giữ tài liệu nghiên cứu lý luận, thư tín và các sách báo tài liệu khác của tôi không thể ghi vào biên bản thu giữ chi tiết được nên công an đã cho tất cả vào hộp các tông niêm phong lại có chữ ký của vợ tôi. Sau khi vợ tôi ký nhận là việc niêm phong còn nguyên vẹn rồi ra về. Xung quanh một cái bàn rất dài, kiểu bàn họp, hộp các tông được phá niêm phong; tài liệu, sách báo, thư tín, sổ tay kể cả những tấm ảnh chụp với bạn bè được trải ra. Cả buổi chiều hôm đó tôi phải ký và viết đến mỏi tay để xác nhận của tôi. Nhưng rồi cũng không xong, lại phải đóng niêm phong số tài liệu còn lại để ngày mai ký tiếp. Lúc đó là 16 giờ 30 ngày 25-04-2001. Mọi người ra về chỉ còn lại V.N.C. và V.L. ở lại làm việc tiếp với tôi. Tôi đề nghị với thiếu tá V.N.C.: “Thưa ông, 24 tiếng tạm giữ tôi đã hết. Nếu còn bị giữ tiếp thì xin ông cho xem lệnh mới của Viện Kiểm sát thành phố”.
Dù biết rằng lời đề nghị đó cũng chỉ bằng thừa, vì chỉ một loáng trung tá V.L. đã có lệnh tạm giam 3 ngày của Viện Kiểm sát. Tôi ký vào 3 bản đó thì họ đề nghị tôi chuẩn bị đồ đoàn để chuyển đến trại giam trung tâm. Tôi vơ vội cái màn bọc vào cái chăn len vợ tôi mới gửi tối qua rồi ra xe.
Chờ tôi ở cổng là chiếc xe con chở tù chuyên dụng loại nhỏ. Khi tôi lom khom chui vào xe thì đã thấy một bạn tù là một thanh niên chừng 25, 26 tuổi gì đó. Xe chạy trên đường phố quen thuộc mà mới mấy hôm trước tôi cùng bạn bè chơi bóng bàn xong ra ngồi nhâm nhi bia bọt, nói chuyện trên trời, dưới biển đâu có nghĩ tới thân chim lồng, cá chậu thế này. Mải nghĩ mới chừng dăm phút xe đã tới cổng trại giam. Đáng lẽ xe đi thẳng vào trong sân trại nhưng vì vướng mấy bà bạn hàng gồng gánh nên xe đỗ ở ngoài đường. Một thoáng xấu hổ khi chui ra khỏi xe. Ôi, cái thân trai đã từng “gươm đàn nửa gánh, một thời dọc ngang” mà giờ đây trong cái thân hình còm cõi của một ông già vai đeo một quai ba lô, một tay ôm bọc chăn màn gói vội lôi thôi lếch thếch, mặt mũi hốc hác bước vào lúc này nhỉ?… Bọn bạn bè cũ và cả mấy ông già bạn bè mới cũng khó tưởng tượng nổi là Vũ Cao Quận thảm hại thế này. Nếu bạn nào vẽ được tranh biếm họa thì cũng được bữa cười nôn ruột, cười ra nước mắt.

No comments:

Post a Comment