Kính thưa quý thính giả, sau đây phóng viên Hoàng Ân và Trường
An sẽ điểm lại những sự kiện nỗi bật tại Việt Nam trong tuần qua.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh
Trước hết HA xin kính chào quý thính giả của đài và xin chào anh TA
Trường An: TA xin chào quý thính giả và chị HA
Hoàng Ân: Được biết sau cái chết của ông Trần Đại Quang, nhà cầm quyền Việt Nam đã vấp phải sự phản đối của dư luận khi cho xây dựng lăng mộ của ông này. Anh có ghi nhận như thế nào trước việc này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, trong khi đảng CS Việt Nam đang lo tổ chức quốc tang cho ông Trần Đại Quang, thì trên mạng xã hội xuất hiện làn sóng chỉ trích việc xây dựng lăng mộ của ông Quang trên một khu ruộng rộng hai mẫu ở xã Quảng Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Theo đó báo chí lề đảng cho biết khu vực lăng mộ vốn là một cánh đồng trồng lúa, sau đó được san nền và chuyển sang trồng cây. Kể từ chiều ngày 21/9, hàng trăm công nhân và máy móc đã làm việc ngày đêm để hoàn thành lăng mộ cũng như những con đường trải nhựa ở chung quanh, với tổng phí tổn lên đến vài triệu Mỹ kim.
Ngay lập tức trên mạng lề dân đặt câu hỏi về số tiền quá lớn dùng trong việc xây mộ là do gia đình ông Quang hay nhà nước chi trả? Có người nhắc lại thông tư ban hành năm 2013 của Bộ Tài chính Việt Nam, nội dung ấn định chi phí cho lễ quốc tang không được vượt quá 800 triệu đồng, tức khoảng 36 ngàn Mỹ kim. Một nhà báo lề dân mỉa mai là việc xây lăng tẩm như thế có khác gì vua chúa thời phong kiến và càng chứng tỏ là giới lãnh đạo CS Việt Nam là chủ, không phải là “đày tớ của nhân dân”.
Hoàng Ân: Cũng trong tuần qua, nhà cầm quyền Sài Gòn đã phải báo động về làn song đánh cướp ngân hàng tại VN. Anh có ghi nhận như thế nào trước việc này?
Trường An: Theo tôi được biết nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn vừa đề nghị các ngân hàng và giới chức công an hãy tăng cường công tác bảo vệ trước làn sóng đánh cướp ngân hàng khá táo bạo trong thời gian qua.
Trong lời báo động, nhà cầm quyền Sài Gòn cho biết các ngân hàng trong thành phố có lượng tiền giao dịch mỗi ngày rất lớn, vì thế cần đề phòng việc bị đánh cướp tại ngân hàng hay trên đường vận chuyển. Chính vì thế nhà cầm quyền Sài Gòn đề nghị các ngân hàng hãy tăng cường bảo vệ cho kho tiền, các hoạt động giao dịch bằng tiền mặt và các máy rút tiền ở bên ngoài. Về phía công an, nhà cầm quyền Sài Gòn đề nghị tăng cường các biện pháp giải cứu và đối phó nhanh chóng mỗi khi xảy ra các vụ đánh cướp.
Xin nhắc lại, trong vòng 9 tháng vừa qua, hai vụ cướp táo bạo đã xảy ra ở tỉnh Khánh Hòa và Tiền Giang, các tên cướp không ngần ngại nổ súng nếu bị nhân viên ngân hàng kháng cự.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế, dựa vào các số liệu thì nền kinh tế VN vẫn bị dựa vào việc gia công sản phẩm. Anh có suy nghĩ gì về việc này?
Trường An: Thật sự là đúng như vậy đó chị. Dựa trên các số liệu thu thập được từ nhà nước Việt Nam, giới chuyên gia thế giới khẳng định là mặc dù có mức tăng trưởng khá, nhưng nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào sức lao động rẻ mạt để gia công sản phẩm cho các công ty nước ngoài.
Vào hôm 19/9, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố báo cáo, cho thấy đa số các công ty Việt Nam đều dựa vào việc gia công hàng hóa cho nước ngoài với lệ phí rất thấp. Theo báo cáo, tổng lệ phí thu được trong năm 2016 là 8 tỷ 600 triệu Mỹ kim. Các ngành gia công là những ngành nghề chỉ lắp ráp hoặc chế biến nhỏ các loại hàng hoá gia dụng như: may dệt quần áo, làm giày dép, ráp máy tính, điện thoại… với giá lương lao động thấp.
Điều nghịch lý, là các công ty nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề khác tại Việt Nam đều có lợi nhuận lớn. Theo lời biện bạch của giới kinh tế gia Việt Nam, thì các công ty Việt Nam không thể cạnh tranh được vì thiếu chuyên gia, thiếu vốn đầu tư và thiếu kỹ thuật sản xuất.
Hoàng Ân: Thưa anh TA, việc hơn trăm ngàn sinh viên tại VN tốt nghiệp đại học mà không có việc làm là sao?
Trường An: Theo tôi được biết, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho biết trong quý II năm nay, cả nước có số người thất nghiệp có trình độ đại học là 126,900 người, chiếm 2.47%, giảm 15,400 người so với quý I.
Ngoài ra, còn có thêm 70,800 người có trình độ cao đẳng vẫn chưa có việc làm. Tình trạng dân lao động có trình độ đại học nhưng thất nghiệp, đến nay vẫn được đánh giá là quá cao, ở mức báo động.
Theo một người tốt nghiệp đại học trên 10 năm nay, hiện đang kinh doanh nhỏ tại Hà Nội, cho biết vì không xin được việc làm đúng ngành học nên phải chọn một nghề phổ thông khác để sinh sống. Đó cũng là số phận của nhiều người có bằng đại học nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng, đành phải chấp nhận ở nhà hay làm các công việc khác để trang trải cuộc sống. Tình trạng có bằng cấp nhưng không có việc làm hiện nay rất phổ biến trong xã hội Việt Nam CS.
Hoàng Ân: Vâng, Hoàng Ân xin cám ơn anh Trường An và xin hẹn gặp lại vào tuần tới.
No comments:
Post a Comment