Ăn cướp của công để được sống phú quý giàu sang trong
thiên đường XHCN đó cũng là một cách làm mạt đất nước nhanh
nhất để thiết lập địa ngục XHCN cho lớp trẻ nghèo đói bần
cùng. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý
thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Đường vào nhà quan” của Đàm
Ngọc Tuyên sẽ được Quê Hương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm
nay.
Nhiều người hay nói với tôi rằng, làm gì có cái gọi là thiên đường xã
hội chủ nghĩa hay làm sao xây dựng được con đường tiến lên xã hội chủ
nghĩa. Trước đây, tôi cũng suy nghĩ giống họ nhưng rồi theo thời gian
tôi biết ý nghĩ của tôi sai. Vì thật sự có thiên đường xã hội chủ nghĩa,
có con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Quan trọng là thiên đường này
dành cho ai mà thôi! Mà nếu đã có thiên đường thì chắc chắn phải có địa
ngục.
Lâu nay, người dân xôn xao bàn tán về sự to, cao, lộng lẫy của những “túp lều của đầy tớ”, dù chỉ là “đầy tớ” ở cấp phường, xã! Nó biểu lộ rằng chủ nhân phải là những người “giỏi làm kinh tế”. Có câu nói mà người dân truyền miệng cho nhau: Khi đến một xã nào đó, mà bạn muốn tìm nhà của bí thư hay chủ tịch thì chỉ cần tìm và thấy nhà nào to nhất, nhì xã, chắc chắn không là nhà của bí thư thì cũng là chủ tịch, dù huyện hay tỉnh cũng vậy!
Ngoài những “túp lều của đầy tớ” thì còn có những “con đường vào nhà quan” cũng được xây dựng vĩ đại không kém nhưng dư luận ít quan tâm hơn. Bởi, hầu hết nhà của quan chức nằm trên các trục lộ, những vị trí đắc địa, nên khi có dự án làm đường thì sẽ là “vì dân, do dân, của dân”. Có nhiều dự án lưu thông, buộc phải thay đổi lại bản vẽ chỉ vì đụng trúng nhà quan, nên mới có cụm từ “đường cong mềm mại” để ám chỉ những sự vụ này.
Chỉ một số ít quan chức chưa “phấn đấu” và “phát huy, kế thừa truyền thống cách mạng” tốt, thành ra nhà họ “kẹt” lại chưa ra mặt tiền hay vì một lý do rất tế nhị: liêm khiết. Chuyện nhỏ! Nhân dân lại đóng thuế, làm những “con đường vào nhà quan, có hoa vàng trước ngõ…”. Những con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa là đây chứ đâu!
Quê tôi ở Nghĩa Hành, một huyện trung du miền núi của tỉnh nghèo Quảng Ngãi. Người dân quê tôi nghèo lắm, phải tha phương cầu thực khắp nơi. Điều này được minh chứng rất rõ, tại huyện đã có ít nhất 4 hãng xe chạy tuyến cố định Nghĩa Hành –Saigon. Với gần 10 đầu xe, hằng ngày đưa người dân nghèo bỏ quê ra đi. Đó là con đường dành cho dân, bởi ở quê hương rễ khế cũng chẳng còn. Nhưng dân quê tôi lại rất tự hào, vì quê hương mình đã thành công khi có thể xây dựng được “con đường vào nhà quan – con đường tiến lên XHCN” như đã nói ở trên. Đáng tự hào lắm chứ!
Từ thành phố Quảng Ngãi, theo đường tỉnh lộ 624, đi khoảng 7 cây số là đến trung tâm huyện Nghĩa Hành. Còn có hai con đường tỉnh lộ khác, TL 624B, 628 đi qua huyện. Nhưng ba con đường này, xét về mức độ lớn rộng, quy mô, độ rộng mặt cắt đường… thì chả là gì so với con đường “liên thôn” dẫn đến nhà ông quan huyện Phan Bình, Chủ tịch kiêm Bí thư đương nhiệm huyện Nghĩa Hành. Chính xác, con đường to lớn, có hoa trồng hai bên chỉ khoảng 1 cây số thôi, nằm ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức. Ngôi nhà cũ của ông quan huyện ở giữa đoạn đường 1 cây số này. Còn lại những phần đường tiếp nối xung quanh thì cũng nhỏ thôi!
Gọi là ngôi nhà cũ, vì đây là nơi ông Bình và gia đình sinh sống trước đây. Bây giờ, ông và gia đình ở một biệt thự thuộc khu trung tâm huyện, khu Đồng Xít. Nghe nói, căn biệt thự này hợp phong thủy, chứ nhiều căn nhà mặt tiền khác của ông, ông dành cho người ta thuê! Làm quan cả đời “cống hiến cho dân cho nước”, ông đâu có thời gian “vui thú vui tao nhã” nên ông phải thuê hai người chăm sóc vườn bonsai trị giá cả tỷ đồng, ở ngôi nhà cũ! Phải chăng vì vậy, nên phải làm một con đường đặc biệt, trồng thật nhiều hoa lá quanh năm tươi tốt, để ông quan ngắm mỗi khi có dịp trở về thăm ngôi nhà cũ này chăng? Tất nhiên, số tiền 7 tỷ để làm con đường liên thôn vào nhà quan huyện là tiền của dân. Còn công ty trúng thầu làm đường là công ty của em gái ruột ông Bình, bà Phan Thị Nghị. Công ty của bà Nghị trúng thầu hầu hết những công trình xây dựng ở huyện, có vốn từ tiền thuế của dân!
Nhiều tỉnh thành khác hay tự hào về gia phả cả nhà làm quan của những vị quan đứng đầu tỉnh như Hà Giang, Bắc Ninh chẳng hạn! Cá nhân tôi vẫn tự hào nhất về gia phả ông quan huyện quê nhà! Quan huyện thôi nhưng gia phả của ông Phan Bình cũng có thua chi, cát cứ được cả một vùng! Ở huyện có 8 người giữ những chức vụ quan trọng thì đều là người thân của ông Phan Bình, trong đó có cả con trai ông!
Chuyện con đường vào nhà quan huyện hay cả gia phả đều làm quan của gia đình ông Phan Bình đã khiến nhiều người dân phẫn nộ, tố cáo. Cho nên ông Bình đã phải đem “danh dự” của ông ra thề rằng ông không có liên quan! Tôi thì tôi tin rồi đó, vì chẳng lẽ ông lại vô liêm sỉ? Tuy nhiên, không biết các vị quan cấp cao hơn và người dân huyện Nghĩa Hành có tin không thì đó chuyện khác! Chỉ biết là vụ này đã bị chìm xuồng rất đúng qui trình gần một năm qua, nên người dân quê tôi, mỗi khi tự hào về ông Bình, về con đường vào nhà quan, thì họ lại chửi! Còn ông Bình lại nghĩ “dân chửi ai chứ không phải chửi mình!”
Dù ai nói ngả nói nghiêng, chứ người viết vẫn kiên định với suy nghĩ: con đường tiến lên thiên đường XHCN là có thật, thiên đường XHCN cũng có thật! Còn con đường đó ra sao, thiên đường dành cho ai, với câu chuyện này, câu trả lời đã rất đủ đầy (xin được nhấn mạnh câu chuyện ở một huyện nghèo, tỉnh lẻ)! Hoa vẫn nở đường vào nhà quan, chim vẫn hót trong vườn nhà quan, dân vẫn đói bên đường kêu than!
Còn ai thắc mắc con đường địa ngục ở đâu, xin được trả lời luôn: con đường của các em nhỏ đến trường bằng túi nilon băng suối, đu dây vượt thác… mà nó hiển hiện khắp đất nước này! Tương lai của các em là tương lai của đất nước, của dân tộc vậy…
Đàm Ngọc Tuyên.
No comments:
Post a Comment