Hàng Loạt Người Sử Dụng Facebook Bị Mất Tích Trước Và Sau Ngày 2-9
Thứ sáu 7/9, gia đình của một số Facebooker cho biết
người thân của họ bị mất tích trước và sau ngày 2 tháng 9, đến giờ vẫn chưa liên lạc được. Dư luận ghi nhận, trước và sau ngày 2/9, có nhiều thông báo trên mạng xã hội Facebook nói về các trường hợp mất tích của các facebooker. Nhiều người nghi ngờ những người này đã bị bắt cóc. Trong khi đó, truyền thông lề đảng chỉ cho biết có ít nhất 4 người bị bắt về các cáo buộc có liên quan đến an ninh quốc gia.
Thứ sáu 7/9, gia đình của một số Facebooker cho biết
người thân của họ bị mất tích trước và sau ngày 2 tháng 9, đến giờ vẫn chưa liên lạc được. Dư luận ghi nhận, trước và sau ngày 2/9, có nhiều thông báo trên mạng xã hội Facebook nói về các trường hợp mất tích của các facebooker. Nhiều người nghi ngờ những người này đã bị bắt cóc. Trong khi đó, truyền thông lề đảng chỉ cho biết có ít nhất 4 người bị bắt về các cáo buộc có liên quan đến an ninh quốc gia.
Giáo Phận Vinh Lên Tiếng Về Thực Trạng Nhân Quyền Tồi Tệ Tại Việt Nam
Ngày 5/9, Ban Công lý & Hòa bình Giáo phận Vinh vừa công bố Bản Lên Tiếng về các tù nhân lương tâm và về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có nêu rõ: mặc dù Việt Nam đã tham gia các Công ước Quốc tế về Nhân quyền, nhưng trong những năm gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng gia tăng bắt giữ và kết án nặng nề đối với những người đấu tranh một cách ôn hòa cho nhân quyền và tự do, nhất là gia tăng bắt bớ, bỏ tù những người đấu tranh đòi tôn trọng và bảo vệ môi trường.
Bản Lên Tiếng cũng nêu rõ sự lạm quyền của lực lượng an ninh Việt Nam, việc hành xử bất công với những người dám lên tiếng đòi nhân quyền, đòi tự do tư tưởng và tự do tôn giáo một cách ôn hòa. Bản Lên Tiếng cũng tố cáo những băng nhóm được gọi là “quần chúng nhân dân tự phát” và “đội cờ đỏ” được nhà cầm quyền thường xuyên sử dụng để hành hung, đe dọa, hạn chế quyền đi lại hoặc cư trú của những người bất đồng chính kiến. Ngoài ra, Bản Lên Tiếng cũng kêu gọi các tổ chức hoạt động vì nhân quyền và người dân Việt Nam, cùng lên tiếng trong việc bảo vệ nhân quyền, vì đó là những giá trị phổ quát, bất khả xâm phạm của con người mà chính Tạo hóa đã ban tặng.
Một Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ Gốc Việt Kêu Gọi Tổng Thống Trump Lưu Ý Vấn Đề Nhân Quyền Tại Việt Nam
Trong một cuộc họp báo vào chiều thứ năm 6/9, ông Dean Trần, 43 tuổi, một Thượng nghị sĩ Mỹ gốc Việt thuộc đảng Cộng Hòa tại tiểu bang Massachusetts, đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump ủng hộ cho phong trào đấu tranh đòi nhân quyền ở Việt Nam trước sự đàn áp đáng báo động của nhà cầm quyền CSVN. Trước đó, Thượng Nghị sĩ Dean Trần và 33 Thượng nghị sĩ khác của tiểu bang Massachusetts, đã gửi cho Tổng thống Donald Trump một bức thư bày tỏ những lo ngại về việc vi phạm nhân quyền, việc kiểm duyệt thông tin trên mạng và tình trạng đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền cộng sản đối với người dân Việt Nam.
Một Bộ Trưởng Của Tòa Thánh Vatican Đến Thăm Và Hoạt Động Mục Vụ Tại Việt Nam
Những ngày gần đây, Hồng y João Braz de Aviz, bộ trưởng Bộ Đời sống thánh hiến của Tòa Thánh Vatican, trong chuyến viếng thăm và hoạt động mục vụ tại Việt Nam, đã gặp trên dưới 2.000 tu sỹ, các giám mục Việt Nam và tham dự Đại hội Liên tu hội đời châu Á tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Sàigòn. Hồng y Aviz cho biết Bộ Đời sống thánh hiến của Tòa Thánh có trách nhiệm chăm lo đời sống thánh hiến cho hơn 1 triệu tu sỹ trên toàn thế giới, trong đó có hơn 31.000 tu sỹ tại Việt Nam. Và thứ sáu 7/9 vừa qua, Hồng y Aviz cũng đã gặp ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo của CSVN, tại Hà Nội.
Việt Nam và Vatican chưa bao giờ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Tuy nhiên, những năm gần đây, quan hệ hai bên đã được cải thiện. Năm 2011, Việt Nam đã đồng ý để Tòa Thánh bổ nhiệm một vị Đại diện không thường trú tại Việt Nam.
Putin Cảnh Báo Sắp Tấn Công Vào Vùng Có Lính Mỹ ở Syria
Thứ sáu 7/9, Truyền hình CNN của Hoa Kỳ vừa loan tin: Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Moscow vừa cảnh báo Hoa Kỳ rằng, quân đội của Nga và Syria đang chuẩn bị tấn công một khu vực của phiến quân được hàng chục binh sĩ Mỹ đang hiện diện bảo vệ. Hoa Kỳ đã phản hồi rằng Nga không nên thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Truyền hình CNN cho biết lính Mỹ đang giúp kiểm soát một vùng cấm rộng 55km vuông xung quanh At Tanf nằm sát biên giới Syria, Jordan và Iraq.
Nga có thể tấn công bằng hỏa tiễn vào các mục tiêu mà họ khẳng định là của phiến quân. Nếu điều này xảy ra thì Mỹ sẽ phải đưa quân vào cuộc để đối đầu. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy bộ binh Nga tăng cường hiện diện trong khu vực.
Tòa Án Hình Sự Quốc Tế Đồng Ý Thụ Lý Hồ Sơ Rohingya
Thứ năm 6/9, Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Haye thông báo cho biết sẽ điều tra về vụ người thiểu số Rohingya ở Miến Điện bị xua đuổi, bức hại. Đây có thể coi là tội ác chống nhân loại. Quyết định trên xảy ra sau khi các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 8 đã đề nghị khởi tố tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện và năm sĩ quan cao cấp khác về tội «diệt chủng», «tội ác chống nhân loại», «tội ác chiến tranh». Chính phủ Miến Điện từ chối trả lời phóng viên AFP về thông báo của tòa án La Haye.
Như những tin đã loan, năm 2017, trên 700.000 người Rohingya theo đạo Hồi bị quân đội Miến Điện và dân quân Phật giáo truy bức đã phải chạy trốn khỏi Miến Điện, sống chen chúc trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Theo Y sĩ Không biên giới (MSF), chỉ riêng trong hai tháng 8 và 9/2017, có ít nhất 6.700 người Rohingya đã bị sát hại trong đợt trấn áp mà Liên Hiệp Quốc gọi là «thanh lọc chủng tộc».
No comments:
Post a Comment