Monday, September 17, 2018

Trần Huỳnh Duy Thức, một Václav Havel Việt Nam

Chuyện Nước Non Mình

Quý thính giả thân mến, chọn ở lại tranh đấu trên chính quê hương mình cho đồng bào, dân tộc dù phải bị tù đày, là sự lựa chọn quả cảm của những người chân chính và sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi chuyên mục Chuyện Nước Non Mình qua bài viết của Trần Trung Đạo có tựa đề: “Trần Huỳnh Duy Thức, một Václav Havel Việt Nam” sẽ được Quê Hương trình bày để tiếp nối chương trình.

Câu ngạn ngữ “Đừng muốn người khác làm những việc mà chính mình không muốn hay không dám làm” trong trường hợp bài viết này chỉ đúng một nửa. Nửa đúng là về phía người viết, đang sống yên thân ở Mỹ và “không dám ở tù”. Nửa không đúng là “người khác” Trần Huỳnh Duy Thức bởi vì anh không phải là người dễ bị ai sai khiến.

Ngoài cá tính chưa được biết nhiều, Trần Huỳnh Duy Thức có tư cách của một lãnh đạo cách mạng và đồng thời có cơ sở lý luận làm kim chỉ nam cho hành động của mình.
Không có lý luận dân chủ sẽ không có cách mạng dân chủ. Cách mạng dân chủ tại Việt Nam như đã chứng minh từ Âu, Phi, sang Á, đang cần một đầu tàu như Trần Huỳnh Duy Thức.
Trần Huỳnh Duy Thức có nhiều điểm giống Václav Havel, nhà soạn kịch sau trở thành tổng thống Tiệp Khắc hai nhiệm kỳ.
THẢN NHIÊN VÀ DỨT KHOÁT VỚI TÙ ĐÀY
Khi dấn thân vào đường tranh đấu nhà soạn kịch Tiệp Khắc cũng biết lao tù là căn nhà thứ hai ông sẽ dời đến. Václav Havel dặn vợ chuẩn bị sẵn một vali chứa các dụng cụ cá nhân cần thiết, từ quần áo cho đến bàn chải đánh răng, khăn tay để khi công an đến là đi ngay. Ông bị bắt nhiều lần. Tù đày trở thành một phần của sinh hoạt mà Havel đã sống từ sau cuộc Nổi Dậy Mùa Xuân Praha 1968.
Trần Huỳnh Duy Thức nhận bản án 21 năm gồm 16 năm tù giam và 5 năm “quản chế tại gia” nhưng không hề than van hay nhận tội.
VIẾT THƯ CHO GIA ĐÌNH
Václav Havel viết rất nhiều. Một trong những văn bản lý luận ra đời năm 1977 là Hiến Chương 77 làm nền tảng cho cuộc vận động dân chủ tại Tiệp Khắc. Hàng loạt tiểu luận trong đó có “Quyền lực của không quyền lực” được ông viết năm 1978 và gây nhiều ảnh hưởng đến các phong trào dân chủ không chỉ Tiệp mà cả Đông Âu và Nga.
Ngoài ra, trong thời gian ở tù từ 1979 đến 1982, Havel viết thư đều đặn cho vợ, bà Olga Havlova. Tổng cộng 123 lá thư đã được in chung thành một tác phẩm Thư gởi Olga (Letters to Olga).
Trần Huỳnh Duy Thức ngoài những bài viết đã được trích đăng trong tác phẩm “Trần Huỳnh Duy Thức và con đường nào cho Việt Nam” cũng đang viết đều đặn về nhà cho “Ba và cả nhà thương”.
Những lá thư của anh, ngoài việc thăm cha và gia đình, là cơ hội để anh mang suy tư đi vào lòng dân tộc và một ngày không xa sẽ được in thành tác phẩm.
CẢM QUAN LỊCH SỬ VÀ VIỄN KIẾN CHÍNH TRỊ
Václav Havel và Trần Huỳnh Duy Thức đều xuất thân từ những ngành nghề không liên hệ gì đến chính trị học và bang giao quốc tế, nhưng cả hai đều có một cảm quan lịch sử và trực giác chính trị rất sâu sắc.
Havel chủ trương đấu tranh bất bạo động nhưng cho rằng bất bạo động không đồng nghĩa thỏa hiệp với tội ác.
Những bài học lịch sử cho Václav Havel thấy NATO là chỗ dựa an ninh tin cậy duy nhất và ông đã kiên trì vận động cho việc mở rộng NATO sang các quốc gia cựu CS. Năm 1999, Tiệp cùng với Ba Lan và Hungary trở thành hội viên của NATO.
Trong lá thư mới nhất gởi cho gia đình ngày 26 tháng 6, 2018, Trần Huỳnh Duy Thức nhắc lại quan điểm của anh về tương lai châu Á. Anh thấy ánh dương xa tít tận chân trời từ cánh cửa nhà tù chật hẹp khi nhấn mạnh đến “trật tự mới” đang hình thành: “Mục tiêu của Mĩ không chỉ là thương mại, mà chính yếu là trật tự thế giới. Nhưng không phải là thứ trật tự mà Mĩ ban phát cho nước này nước kia ở vị trí này vị trí nọ, mà là một trật tự theo Quy luật phát triển. Dù là nước lớn hay nhỏ thì đều phải tôn trọng luật. Dân tộc nào nỗ lực hơn thì sẽ vượt lên theo Dòng chảy của thời đại.”
Quan điểm này đã được anh trình bày trong những lá thư gởi gia đình tháng 8 và tháng 9, 2014, trước khi sách lược Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Mỹ ra đời.
Đừng quên Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt từ năm 2009 và vào thời điểm này chủ trương đối ngoại của Mỹ vẫn còn đặt nặng trên chính sách hai mặt vừa hợp tác xuyên qua ngoại giao, mậu dịch với Trung Cộng và vừa gia tăng áp lực quân sự. Biển Đông bị Trung Cộng quân sự hóa chứng tỏ sự thất bại của chính sách hai mặt.
BÁM LẤY QUÊ HƯƠNG
Václav Havel và Trần Huỳnh Duy Thức đều bám lấy quê hương.
Cách mạng dân chủ cho Tiệp Khắc đã không xảy ra ở Washington, thủ đô nước Mỹ nhưng xảy ra tại Prague, Tiệp Khắc. Tương tự, cách mạng dân chủ cho Việt Nam sẽ không xảy ra tại San Jose, Houston, Santa Ana, Paris, Melbourne hay những nơi có nhiều người Việt định cư nhưng sẽ xảy ra tại Hà Nội và Sài Gòn.
Họ bắt đầu bằng một nhóm nhỏ nhưng là những người mang tâm nguyện vì đất nước và từ đó phát triển đông dần. Havel có lần đã nói “khi đủ số người hành động theo đúng lương tâm, chế độ sẽ sụp đổ” nên ông, và hẳn cả Trần Huỳnh Duy Thức của Việt Nam, không hề cảm thấy cô đơn.
TRẦN HUỲNH DUY THỨC CỦA VIỆT NAM
Một điểm khác. Václav Havel đã đi, đã đến và đã về. Trần Huỳnh Duy Thức vẫn còn đang đi.
Như đã viết trong phần nhập đề của bài này, Trần Huỳnh Duy Thức có chọn lựa và quyết đinh riêng cho đời mình. Không ai có tư cách gì để khuyên hay muốn anh làm khác. Tuy nhiên, riêng trường hợp Việt Nam, với tình trạng nhận thức chính trị còn tương đối thấp của người Việt, Trần Huỳnh Duy Thức nên sống và viết trong tù hay trong nước hơn là viết từ ngoài nước.
Những bài bình luận chính trị của Trần Huỳnh Duy Thức viết ở Mỹ hay Đức nội dung lý luận có thể không thay đổi nhưng sẽ mất đi tính thôi thúc tinh thần.
Trong lá thư gởi gia đình hôm 2 tháng 6, 2018 Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã thừa nhận điều này khi viêt: “Trái ngon nhất khi cây sống trên vùng đất vùng nước chứa đựng khát vọng của trái quả đó”.
Nếu Trần Huỳnh Duy Thức chọn lựa ra đi vì một lý do riêng, có khả năng cao anh sẽ trở thành một học giả như khá nhiều học giả khác. Cách mạng dân chủ không chỉ cần học giả mà còn cần những người thật sự dấn thân, xuống đường và ngay cả hy sinh mạng sống.
Nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Thái Học từng nói “Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu, hoa tự do phải tưới bằng máu” và máu ở đây là máu Việt Nam đổ trên đất Việt Nam. Không ai đổ máu vì độc lập tự do của người khác.
Tác giả: Trần Trung Đạo.
Tiếng Dân 

No comments:

Post a Comment