Friday, October 6, 2017

CUNG TRẦM TƯỞNG NỖI BUỒN HIỆN SINH

Thi Ca Yêu Nước

Cung Trầm Tưởng sinh quán tại Hà Nội,vào Sài Gòn, học trung học Chasseloup Laubat.
Năm 1952, ông sang Pháp du học, tốt nghiệp trở về nước phục vụ ngành không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Hai bài thơ “Mùa thu Paris” và “Vô Đề” của ông xuất hiện trong tuyển tập Đất đứng của Mặc Đỗ Vũ Khắc KhoanNghiêm Xuân Hồng làm nhiều nguời chú ý.

Năm 1958, ông chủ trương tờ Văn nghệ mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành…
Năm 1962, ông sang Hoa Kỳdu học, đậu Tiến sĩ khí tượng, trở về Sài Gòn tiếp tục làm việc trong binh chủng Không quân Việt Nam Cộng hòa.
Ông bị bắt đi tù cộng sản 10 năm.
Năm 1993, ông sang định cư tại Hoa Kỳ..
Ông đã cho xuất bản nhiều tác phẩm nhưTình ca, Lục bát Cung Trầm Tưởng, Lời viết hai tay, Bài ca níu quan tài, Một hành trình thơ
Thơ Cung Trầm Tưởng, theo Thụy Khuê, “ thường có giọng buồn. Nhưng là giọng buồn nguyên thủy, gợi nỗi cô đơn hiện sinh, khi con người nhận thức lại chính mình..” Qủa thế, Thơ Cung Trầm Tưởng luôn luôn phảng phất một chút gì bi đát của kiếp người, từ nỗi sầu thu, sầu đông, đếnsầu đời cũng như sầu chinh chiến .
Về nét buồn thu, người ta không thể quên Tương Phố, Lưu Trọng Lư, Văn Cao.Nay Cung Trầm Tưởng lại chuyên chở mối sầu thu trong những vần điệu mới hơn và truyền cảm hơn.
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly..
Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù
Thu buồn thực đó, nhưng anh còn được hẹn em nơi quán nhỏ, đến nhưđông buồn thì da diết hơn, vìtay phải rời tay, từ giã hơi ấm đểđong đầy tuyết giá:
Lên xe tiễn em đi.
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris.
Suốt đời làm chia lỵ..
Tuyết giá trên tay, tác giảđã tìm hơi ấm trên môi để tôđiểm cho khoảnh khắc chia ly:
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn.
Một trăm ngày xa cách
Tuyết rơi mỏng manh buồn.
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói gì cũng muộn màng
Với tâm hồn đa cảm của người nghệ sĩ, Cung Trầm Tưởng cũng canh cánh bên lòng mối sầu nhân thế, như một nỗi buồn triết lý mà hầu hết các nhà thơ đều mang cùng tâm trạng. Cuộc đời nói chung vẫn chỉ là chốn bi ai, con người dắt tay nhau đi tìm ấm cúng an lạc, nhưng mãi vẫn là kẻ lạc loài cô đơn giữa dòng đời nổi trôi:
Em có nghe dồn giã
Bước ai vất vả
Bóng ai chập chờn
Hồn ai cô đơn
Say sưa tìm về ấm cúng..
Em có nghe bi ai
Tình ai ấp úng
Thương ai lạc loài
Ăn mày sáng lạn một ngày mai
Đi tìm ấm cúng, nhưng tất cả đều lạnh giá, bởi lẽ tất cả chỉ là ngõ cụt bí lối. Rốt cuộc, con người vẫn là kẻ không nhà, lang thang trên đường đời trăm ngả:
Em có nghe mơ hồ
Bước ai thao thức
Gõ nhịp hẹn hò
In dài ngõ cụt
Bóng ai giang hồ
Bên nớ bên ni đêm lạnh cả
Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng
Bên nớ bên ni đều lạnh giá, nhà thơ chỉ còn đi tìm hơi ấm trong men rượu. Nhưng nếu nguời xưa đã cảm thấy “túy tự túy đảo sầu tự sầu” thì tác giả cũng chẳng tìm thấy gì hơn, ngoài những mảnh vở của thủy tinh, của cuộc đời, vẳng lên thành tiếng cười cuồng nộ:
Đêm nay say đất lở
Em có nghe rạn vỡ
Ra muôn mảnh ly rơi
Pha lê vạn chuỗi cười
Trong tiếng cười cuồng nộ như điên dại, tác giả đã nhận ra chân lý của cuộc đời.Như một chúng sinh tỉnh ngộ, Cung Trầm Tưởng đã nhìn thấy chân tướng của kiếp người như một giấc mê:
Sống là một thứ đi buôn
Mang thân bán vốn, còn hồn cho thuê
Mỗi ngày một giấc ngủ mê
Sớm đi ảo mộng, tối về cưu mang
Một khi đã nhìn thấy chân tướng cuộc đời, tác giả cũng đã nhận ra chân tướng của chính mình,như một kẻ lang thang không nhà, vất vưởng giữa chốn bụi hồng. Thân phận tác giả cũng chính là thân phận dân Việt lưu vong, trôi dạt giữa biển khơi, nước trời mênh mông:
Bát cơm miếng cháy khê vàng
Miệng chua khó nuốt, địa đàng khó lên
Trăm năm trăm thứ tủi phiền
Vấn vương rồi cũng vô duyên một đời
Đêm nằm nghĩ biển thèm khơi
Nghe mây hồn dạt nước trời mênh mông
Sầu thu, sầu đông tuy hiu hắt, nhưng vẫn còn bóng dáng em trong lòng. Sầu nhân thếtuy não nuột, nhưng có thể mượn ruợu giải khuây. Còn mối sầu chinh chiến thì quay quắt đến tủi hận, làm cho tác giả cảm thấy ray rứt khôn nguôi.Nỗi bi đát của chiến tranh hiển hiện với hình ảnh chết chóc của bia mộ, tang tóc của khăn sô:
Ngồi trông úp xuống trần mây
Cỏ xanh bia mộ đã dầy ngút quên
Chiều nhoà về xứ không tên
Thời gian hoá đá chồng lên tuổi đời
Ngồi trông vút bóng chim dơi
Rồi ghê lạnh cả đất trời thâm sâu
Sương – khăn – sô lấy phủ đầu
Che hồn ẩm mốc mối sầu âm dương
Từ cỏ xanh bia mộ, từ khăn sô phủ đầu , tác giả đã thầm gọi con người và gọi trời đất trong đêm, gởi ước mơ hòa bình như một lời kinh đêm:
Gọi sang phía người
Nửa đêm chuông hưu chiến
Pháo nổ đón xuân sang
Mười phương kinh cầu nguyện
Hoà bình này vĩnh viễn
Trong ước mơ hòa bình, hình ảnh Tổ Quốc an khang thoáng hiện. Tác giả đã nhìn thấy trăm con Lạc Việt quây quần trên lòng mẹ tay cha:
Mẹ Tổ quốc an khang
Sinh trăm con kháng kiện
Trên quê cha vinh hiển
Rồi mơ cũng chỉ là mơ!Cuối cùng, tất cả chỉ là giá lạnh, sương rơi, mưa tuôn, hồn dạt..Trăm thứ tủi phiền đã làm cho mịệng chua khó nuốt. Giờ đây chỉ còn em, chỉ còn em là hơi ấm duy nhất và là vị ngọt cuối cùng:
Bên ngoài liếp ngỏ sương rơi
Bên trong kín gió ấm ơi là tình!…
Thế là vũ trụ đã thu nhỏ lại. Nhân loại còn 2 người. Cuộc đời vỏn vẹn chỉ có anh và em, là thực, là hạnh phúc..Cung Trầm Tưởng đã tìm thấy chân lý cuộc đời là Tình yêu..Bên trong kín gió ấm hơi là Tình..
NQS.MN, HS xin hẹn gặp lại quí thinh giả trong mục TCYN lần tới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment