Ông Daniel Kritenbrink sẽ là tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Ngày 26/10, Thượng viện Hoa Kỳ đã chuẩn thuận ông Daniel Kritenbrink, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, làm tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông Kritenbrink đã tham gia ngành ngoại giao từ năm 1994, từng là Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, sau đó làm giám đốc cao cấp về các vấn đề châu Á cho Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời của Tổng thống Barack Obama. Ông Ted Osius, đương kim Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, sau khi hết nhiệm kỳ sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Ông Osius nói: “Tôi nghĩ không thể có một nhà ngoại giao nào có khả năng hơn ông Kritenbrink trong nỗ lực tiếp nối các mối quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”
Con gái blogger Mẹ Nấm kêu cứu bà Melania Trump
Ngày 26/10, cháu Nguyễn Bảo Nguyên, 10 tuổi, con gái của blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã viết bức thư thứ tư đưa lên mạng, kêu gọi bà Melanila Trump, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho mẹ cháu. Trong thư cháu viết: mẹ cháu không làm gì sai, và chính bà Melania Trump đã từng trao giải thưởng ‘Phụ nữ can đảm’ cho mẹ của cháu. Bức thư được gửiđi nhân chuyến công du sắp tới của tổng thống Donald Trump và phu nhân đến Việt Nam tham dự hội nghị APEC cũng như thăm viếng chính thức Việt Nam.
Tại Hoa Kỳ, Hội Phụ nữ Âu Cơ cũng có thỉnh nguyện thư kêu gọi bà Melania Trump can thiệp để nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Các điều kiện giam giữ một số tù nhân lương tâm được nới lỏng
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho biết: trong chuyến thăm nuôi con mình ngày 23/10 vừa rồi tại trại giam tỉnh Khánh Hòa, bà thấy trại giam có vẻ dễ dãi hơn trong việc cho bà tiếp xúc với con mình, chẳng hạn như lần đầu tiên cho phép bà nắm tay con mình và gửi một số đồ dùng cá nhân cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cũng cho biết, trong chuyến thăm nuôi ông Thức ngày 22/10 tại trại giam số 6, Nghệ An, thì chế độ lao tù ở đây cũng đã nới lỏng hơn cho ông Thức, chẳng hạn đã đồng ý cho phép gia đình gửi vào đèn pin bằng nhựa và một số pin nhằm giúp ông có thể nhìn thấy trong điều kiện phòng giam tối tăm và cúp điện thường xuyên, một điều mà trước đây họ từ chối. Ông Thức cũng cho biết thời gian này họ không bắt ông phải đi lao động nữa.
Nhiều tù nhân lương tâm khác cũng được giảm nhẹ việc sách nhiễu và ngăn cấm trong tù. Việc này nhằm ngăn ngừa sự tố cáo của tù nhân trong thời gian Hội nghị APEC, cũng như để đối phó, nếu có bất kỳ một đại diện ngoại giao quốc tế đến Việt Nam đột nhiên ngỏ ý muốn đi thăm các tù nhân được dư luận nhắc đến.
Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa
Ngày 24/10, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sàigòn đã cùng một số nhà ngoại giao Hoa Kỳ đến thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa trang Biên Hòa, còn gọi là Nghĩa trang Bình An, ở tỉnh Bình Dương. Sáng hội Việt Mỹ, có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói nhân dịp này phái đoàn có cuộc khảo sát tình trạng thực tế của các khu mộ trong nghĩa trang, và cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đồng ý đưa vấn đề trùng tu nghĩa trang này vào nội dung thảo luận chính thức giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam.
Việt Nam kêu gọi Nam Hàn giúp huấn luyện công an
Ngày 26/10, trong buổi gặp gỡ với ông Lee Chul-sung tại Hà Nội, Trưởng Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng CSVN, ca tụng Nam Hàn đã đạt được nhiều thành tích trong khoa học hình sự và cảnh sát, và đã yêu cầu Cảnh sát quốc gia này giúp đỡ trong việc nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng công an của Hà Nội, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đang cố gắng bảo đảm an ninh cho Tuần lễ Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới đây. Ông Lee cũng cho biết Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn sẽ phối hợp với Việt Nam để trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa tất cả các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm mạng và khủng bố.
Nga thử nghiệm hỏa tiễntrong chiến lược hạt nhân
Ngày 26/10, bộ Quốc Phòng Nga loan báo họ đã huy động việc thử nghiệm một loạt hỏa tiễn bắn từ trên không, từ dưới đáy biển và từ đất liền. Loạt thử nghiệm này nằm trong chương trình hạt nhân chiến lược của Nga. Một hỏa tiễn liên lục địa “Topol” đã được Nga bắn đi từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở miền tây bắc Nga, trong lúc 3 hỏa tiễn đạn đạo được phóng lên từ 2 tàu ngầm nguyên tử ở Biển Okhotsk, phía bắc Nhật Bản và ở Biển Barents, vùng Bắc Cực. Bộ Quốc Phòng Nga giải thích rằng các vụ bắn thử đều là «bài tập của các lực lượng hạt nhân chiến lược», và tất cả đều đạt kết quả tốt đẹp. Các hoạt động quân sự này của Nga khiến các quốc gia láng giềng và khối NATO phải quan ngại. Cuộc tập trận có quy mô lớn với Belarus mang tên Zapad với hơn 40.000 quân của Nga vào tháng 09/2017 đã gây lo ngại cho Ba Lan và các quốc gia Baltic.
Liên Hiệp Quốc xác định Syria là thủ phạm tấn công hóa học tại Khan Cheikhoun
Sau khi xảy ra vụ tấn công bằng khí sarin khiến hơn 80 người thiệt mạng tại Khan Cheikhoun ngày 04/04/2017, chính phủ Bachar Al Assad của Syria cáo buộc các phe nổi dậy đã oanh kích vào một kho chứa chất sarin. Nhưng các cơ quan tình báo của Pháp, Hoa Kỳ và Anh đã kết luận rằng chính không quân Syria là thủ phạm. Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học đã tiến hành điều tra và ngày 26/10/2017 đã chính thức tuyên bố rằng chính chế độ Assad là thủ phạm. Các chuyên gia dựa vào nhiều hình ảnh và video xác định chính không quân của chế độ Assad đã thả một quả bom hóa học với khí sarin có sức công phá khá lớn xuống Khan Cheikhoun vào sáng sớm 04/04.
Nhưng ngày 27/10, bộ Ngoại Giao Nga đã lên tiếng phản đối kết luận điều tra của Liên Hiệp Quốc mà khẳng định rằng khí sarin xuất hiện ở Khan Cheikhoun là do một vụ bắn súng cối trên bộ của phe nổi dậy chứ không phải do không quân Syria tấn công.
Trung cộng yêu cầu Hoa Kỳ không cho tổng thống Đài Loan ghé ngang lãnh thổ Hoa Kỳ
Ngày 28/10/2017, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ bắt đầu chuyến công du quần đảo Marshall, Tuvalu và Salomon trong vùng Thái Bình Dương. Trên đường, bà dự định sẽ ghé thăm Hawaii và đảo Guam, là hai vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ. Trước sự việc này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Cảnh Sảng vào ngày 27/10 đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Hoa Kỳ cho phép lãnh đạo Đài Loan quá cảnh tại Hawaii và đảo Guam, mặc dù Trung cộng đang chuẩn bị đón tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Bắc Kinh vào tháng 11 sắp tới.
No comments:
Post a Comment