Thursday, October 12, 2017

DƯƠNG THIỆU TƯỚC - QUÊ HƯƠNG MỸ MIỀU

Thi Ca Yêu Nước

Dương Thiệu Tước là một nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng và được coi là một trong những nhạc sĩ tiền phong của tân nhạc Việt Nam. Ông sinh tại làng Vân Đình, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, là cháu nội cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định.

Mặc dù theo học nhạc Tây, nhưng nhạc của ông vẫn thắm đượm hồn dân tộc như ông ngỏ ý: „Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền”.
Ông vào miền Nam sống tại Sài Gòn từ năm 1954, làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài phát thanh Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư tại trường Quốc gia Âm nhạc. Người đời thường nhắc tới mối duyên thắm của ông với Minh Trang, một ca sĩ nổi tiếng thập niên 1950, có ái nữ là ca sĩ Quỳnh Giao..
Sau năm 1975, ông ở lại Sài Gòn vì lý do bệnh tật. Còn bà Minh Trang cùng các con rời nước, ra hải ngoại năm 1978..
Dương Thiệu Tước đã để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ như Áng mây chiều, Bạn cùng tôi, Bến Hàn giang, Bóng chiều xưa, Chiều lữ thứ Đêm ngắn tình dài, Đêm tàn bến Ngự, Dòng sông xanh, Hội hoa đăng, Ngọc lan, Tiếng xưa, Uống nước nhớ nguồn…
Nhạc Dương Thiệu Tước luôn luôn đậm nét quê hương với những vẻ đẹp nhung gấm, từ ánh nắng đến cành hoa, từ màn đêm đến ngày hội, từ tiếng đàn đến con suối, và nhất là tình gia đình với ơn nghĩa sinh thành..
Trước hết, hãy cùng nhạc sĩ vào vườn quê hương mà thưởng thức hương thơm dịu dàng liêu trai của hoa ngọc lan:
Bông hoa đời ngàn xưa tới naỵ
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây,
cho tơ trùng đờn hờ phím loan.
Thê lương mây nước sắt se cung đàn.
ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong sương thắm
Là bông hoa đời, hoa thiên nhiên cũng chính là hoa nhân sinh. Ngọc Lan là hình ảnh người thiếu nữ yêu kiều làm cho đời ngát thơm:
Dáng tiên nga giấc mơ nghệ thường lỡ làng.
Ngọc Lan giọng ướp men thơ, mát êm làn lụa bông là.
Ngọc Lan trầm ngát thu hương.
Bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.
Ngây ngất với hương thơm ngọc lan, chúng ta hãy theo bước nhạc sĩ xuôi dòng Hương Giang để nghe tiếng hò nức nở bên hàng cây soi bóng dưới ánh trăng mờ:
Hàng cây soi bóng nước Hương
Thuyền ta đậu bến Tiêu Tương
Lưu luyến thay khúc say hương, nhiễu buồn.
Nhưng thoáng nghe
khúc ca Nam Bình sầu than
như nức nở khóc duyên bẽ bàng.
Thấp thoáng trăng mơ
Ai than ai thở
Đời vui chi trong sương gió
Ai nhớ thương ai
đây lúc đêm tàn, tình đã lạt phai
Từ những nét đẹp của thiên nhiên của hoa lá, trăng nước, tác giả lại dùng nốt nhạc dìu ta vào cõi nhân sinh với những nét đẹp của ngày hội hoa đăng, có những niềm vui chan chứa:
Niềm vui chan chứa
Bao tình thắm dâng chan hoà
Lòng ngập yêu thương
Rộng bao la như trùng dương
Tình chung non nước
Bao niềm ước trong tuổi xanh
Đó cũng là vẻ đẹp mơ màng của tiếng đàn từ những ngón tay ngà, làm lòng người chùng xuống như chìm vào tiếng xưa trầm lắng:
thiết tha đàn rung tiếng tơ
vấn vương trôi theo mây mờ
đâu khúc cô liêu duyên dáng tiêu điều
dư âm chìm theo giòng Châu
tràn lan sóng vương mạch sầụ…
Ðàn ơi thiết tha vì đâu,
tiếng xưa trầm ngâm lắng
rung đường tơ bao mơ màng
Hòa vào những vẻ đẹp nhân sinh đó, còn vẻ đẹp của tình bạn thắm thiết, cùng vui bên nhau trong những ngày hè nóng bức:
Này bạn có nhớ những ngày hè
Bạn vui với nơi chân trời xa
thì giữa chốn quê nhà
Hàng cây phượng vĩ thay màu áo
Lòng ta bâng khuâng nhớ ai
Niềm rung cảm mạnh mẽ nhất đã được Dương Thiệu Tước khơi lên là tình yêu quê hương đất nước. Quê hương thì mãi vẫn đáng yêu với
những khu vườn có nắng tươi bướm lượn, có đàn trẻ vui đùa:
Trong vườn
chiều êm nắng tươị
đàn bướm lượn bay tưng bừng
Màu cánh vàng xanh trắng hồng
Rung rinh lướt êm lẫn cùng sắc hoa..
Vui đùa lững lờ bên hoa
Bầy én lượn bay tưng bừng.
Ngàn tiếng đồng ca vang lừng
Đó cũng là quê hương oai hùng, có những chàng trai đã thể hiện chí nam nhi, đánh tan lũ giặc tham tàn đã gieo rắc oan khiên lên đầu dân tộc, phá vỡ cuộc sống ấm êm của người dân quê hiền lành:
Ôi! Bến Hàn Giang
Sông nước mênh mang
Nơi đây tiễn đưa người đi
Bừng dậy chí nam nhi ..
Chiều ấy năm xưa
Bên bờ Hàn Giang một chàng trai tráng
Thấy nước non nhà điêu tàn
Nung nấu gan vàng căm hờn
Đem thân nam nhi trả nợ quê hương mến yêu
Từ niềm tin vào những nguời trai Việt hào hùng đó, nhạc sĩ đã mơ về một mủa xuân đất nước thanh bình, có hoa tươi, gió bay, rộn ràng tiếng ca:
Mừng xuân về hoa tươi thắm bước đẹp gió bay
Cùng hát vang lên lòng vui sướng thắm bao niềm say
Đồng nhau cùng ta xây đắp đời thêm tươi mới
Cố làm vẻ vang cho dân nước Nam muôn đời
Đáng nói nhất là nét đẹp văn hóa của truyền thống gia đình. Nhạc sĩ đã khơi dậy truyền thống hiếu thảo của dân Việt, nhắc nhở con cái ghi khắc sâu trong lòng công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ:
Uống nước nhớ nguồn
Làm con phải hiếu
Ai ơi hãy nhớ năm xưa
Những ngày còn thơ
Công ai nuôi dưỡng…
Công đức sinh thành
Người ơi đừng quên
”Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra .
Để kết, chúng ta nên dành một phút trầm ngâm mà nghe tiếng suối reo, nức mùi thơm của hoa, rung nhịp theo phím đàn xưa, và tưởng nhớ đến quê hương gấm vóc, đất nước đẹp tươi, giờ đây đang quằn quại trong gông cùm qủy đỏ. Hãy mơ về một mùa xuân dân tộc sạch bóng thù mọi người nắm tay nhau ca hát cười vui:
Cầm tay cùng ta vui bước dưới trời nắng xuân
Cùng hát vang lên cùng vui dưới nắng xuân dịu êm
Trời xuân hồng như nắng thắm lòng ta vui sống
Hãy cười hát vang vì non nước ta huy hoàng
NQS, HS, MN xin he5nla5i quí thính giả trong TCYN lần tới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment