Tôi đã cười đau khổ khi đọc bản tin về việc bị cáo Châu Thị Thu Nga _cựu đại biểu Quốc hội khoá 13_ người đang bị xét xử với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đã hai lần xin khai trước toà về khoản tiền 1 triệu rưởi đô la chạy “làm đại biểu Quốc hội” nhưng toà không cho vì “nội dung này không nằm trong vụ án”.
Luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bà Nga – Chủ tịch Cty CP tập đoàn Đầu tư xây dựng Nhà đất (Housing Group) cho biết có nhiều bút lục, hồ sơ chứng minh thân chủ của mình đã chi khoảng 30 tỷ đồng để “chạy” làm đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Luật sư Hướng đưa ra câu hỏi: “Có việc chạy đại biểu quốc hội không? Bà trình bày cho Hội Đồng Xét Xử nghe’. Luật sư vừa dứt lời, chủ tọa lập tức phản bác: “Khoản tiền đó nằm trong số 157 tỷ đồng mà CQĐT đã tách hồ sơ dành cho vụ án khác… Điều này nêu rõ trong cáo trạng và hồ sơ”.
Thấy vậy, bị cáo Nga xin được nói nhưng đột nhiên tín hiệu từ phòng xử tới phòng báo chí bị mất, chỉ còn hình ảnh không còn âm thanh. Cuối cùng, chỉ nghe được việc chủ tọa tuyên bố: “Luật sư không cần mất thời gian về vấn đề này”.
Thượng tôn pháp luật, toàn án công tâm, công khai minh bạch, chống tham nhũng không có vùng cấm, lò và củi… không lẽ toàn là những lời lẽ vớ vẩn hết? Có lẽ, tìm khắp cả thế giới văn minh này chẳng ở đâu lại có chuyện cấm bị cáo khai trước toà. Cấm khai thì vẽ ra xét xử làm gì? Chẳng thể tin được là người ta có thể làm trong sạch bộ máy này bằng những phiên toà bịt miệng như thế.
Nếu những gì bà Nga khai là đúng sự thật, đây sẽ là một sự kiện động trời. Bởi ngay cả Quốc hội cũng chạy được thì chẳng có gì là không thể. Và tôi tin nó có thật, vì không có lý do gì để bà Nga bịa đặt ra một câu chuyện để làm khó chính mình. Tại sao không chịu hiểu một điều đơn giản, một kẻ muốn lừa đảo thì phải khoác lên mình lớp vẻ giàu sang, quyền chức thì mới dễ làm người khác sập bẫy. Thì không lý gì cái mác Đại biểu Quốc hội lại không có giá trị nếu muốn dùng nó vào việc lừa đảo.
Còn nhớ cách đây gần một tháng, khi dư luận xôn xao về tin bà Nga khai với cơ quan điều tra là bỏ ra 1 triệu rưởi đô chạy vào làm đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội nói rất khẳng khái nói, “Dù là tin chưa được kiểm chứng nhưng cũng cần phải làm rõ đưa ai, đưa bao nhiêu, đưa làm gì, tránh ảnh hưởng tới uy tín của Quốc hội”. Quan điểm của ông là không tin có chuyện “chạy” 30 tỷ đồng để vào Quốc hội.
Vậy tại sao bây giờ bà Nga xin khai thì toà không cho? Ông Phúc sẽ phải trả lời công luận sao đây với những tuyên bố trước đó? Bà Ngân – Chủ tịch Quốc hội hãy nói gì đi chứ?
Có cảm giác như người ta đang lấp liếm, bưng bít để che đậy cho cái sự thối nát của bộ máy. Một phiên toà công khai, trọng tâm chú ý của dư luận vậy mà quan chức xứ ta vẫn xử sự kiểu “cả vú lấp miệng em”. Việc không cho bị cáo khai là do chủ ý của của chủ Toạ phiên toà hay sự chỉ đạo của ai? Phải chăng có gì khuất tất nên mới phải bịt miệng bị cáo như vậy. Hay sợ rằng, để bà Nga khai thì sẽ lộ hết khi đó không thể bao che cho cán bộ được?
Đại án Vinalines, bị cáo Dương Chí Dũng khai đưa 5 trăm ngàn đô cho ông Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng bộ công an để chạy án. Và đồng thời đưa ông Thanh – cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng) hai chục ngàn đô, ông Sơn cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng mười ngàn đô nhưng bất ngờ ông Ngọ chết, lời khai mất giá trị. Vụ án kết thúc với bản án tử hình cho Dương Chí Dũng. Bao nhiêu uẩn khúc của vụ án không được làm sáng tỏ.
Đại án Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai trước toà dùng 3 trăm tỷ đồng chi đối ngoại: “chi cho chuyên viên các bộ, ngành có quan hệ, làm việc với dầu khí mỗi người 50 triệu đồng dịp tết, các vị trí cao hơn nhận từ 50-200 triệu đồng”. Phiên toà kết thúc với bản án tử hình dành cho Nguyễn Xuân Sơn nhưng những quan chức nào nhận tiền từ Sơn thì không được cho biết.
Và hôm nay, tại vụ án Châu Thị Thu Nga người ta cũng không muốn làm rõ số tiền 1 triệu rưởi đô chạy vào làm đại Biểu Quốc hội như thế nào, những quan chức nào đã nhận tiền.
Vâng, người ta chống tham nhũng như thế đấy.
Đ. An
No comments:
Post a Comment