Cách đây một tuần, tin một học sinh cấp 3 bị cuốn vào miệng cống ở Bình Phước đã làm tôi bàng hoàng. Tôi đã không dám đọc nội dung bài báo đó. Chỉ biết rằng, thực sự rất đau xót cho em và gia đình em. Em- một cô nữ sinh đang vào tuổi đẹp nhất của đời người và còn cả tương lai dài phía trước. Em – một người con của bố mẹ, cháu của ông bà, đã mãi mãi ra đi.
Và hôm qua đây thôi, lại một tin đau lòng tương tự được các báo loan đi. Thêm một em học sinh – một sinh linh bé nhỏ sáng ra còn chào ông bà bố mẹ, nào có ai ngờ đó là những câu nói cuối cùng với người thân của em.
Các em tuy tuổi đời khác nhau nhưng đều có gia đình, có người thân, có tương lai rộng mở và đều vô tội, sinh ra lớn lên giữa thời buổi hòa bình. Cha mẹ sinh ra các em khỏe mạnh, nuôi các em khôn lớn nhưng các em đã phải chịu những cái chết tức tưởi nhất theo cùng một cách không thể đau lòng hơn. Để rồi sự ra đi ấy là mất mát không gì sánh được, là sự đau khổ tột cùng cho bao người thân ở lại. Nỗi đau ấy biết bao giờ mới nguôi ngoai, sự thương nhớ ấy biết khi nào mới hết khắc khoải. Có lẽ nó sẽ đi theo và ám ảnh gia đình các em suốt đời. Đau xót, tiếc thương cho em bao nhiêu lại càng căm giận lên án sự cẩu thả và vô trách nghiệm của một số người bấy nhiêu.
Nạn nhân thì đau với nỗi đau của họ, chịu mất con mất cháu mất người thân còn những kẻ trực tiếp hay gián tiếp gây ra những nỗi đau đó thì sao? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ! Ngược dòng trở lại những mùa mưa các năm trước, tôi càng bàng hoàng và phẫn nộ hơn khi thấy rằng năm nào cũng có những tai nạn thương tâm tương tự. Năm ngoái là ở thành phố Saigon, năm nay là ở Bình Phước và Bình Dương, còn những năm trước đó và sau này thì sao đây? Các cơ quan ban ngành của các quận huyện, thành phố nơi có những miệng cống như tử thần há miệng trực chờ chỉ mưa xuống là sẽ nuốt chửng mọi thứ, không biết họ nghĩ sao đây! Rồi các đơn vị xây dựng cầu đường, các đơn vị quản trị ao hồ, cống thoát nước, liệu họ có thấy hổ thẹn, có thấy trách nghiệm của mình trước những tại nạn chết người ở trên không! Lại một lần nữa, câu trả lời được bỏ ngỏ!
Nó bỏ ngỏ không chỉ bởi sự tắc trách cẩu thả trong quá trình thực hiện xây dựng giám sát, mà còn là do sự vô trách nghiệm và chây ì lười biếng của các sở ban ngành có trách vụ liên quan. Một khi gặp vấn đề, thay vì tìm cách giải quyết triệt để thì hoạt cảnh quả bóng trách nghiệm được chuyền đi chuyền về đá tới đá lui lại tái diễn. Theo phản ảnh của những người dân sống xung quanh khu vực xảy ra tai nạn trong mấy vụ trên: họ đều nói rằng các miệng cống đó đã như vậy nhiều năm nay, cứ đến mùa mưa lũ là gây nguy hiểm! Thật lạ lùng, bởi những miệng cống kia, ngoài việc chịu sự giám sát của công ty môi trường đô thị trực thuộc thành phố, còn thuộc trách nhiệm của sở giao thông công chính cũng của thành phố luôn, chưa kể cống đi với đường còn là trách nghiệm của đơn vị thiết kế làm đường. Bao nhiêu ban bệ như thế, đáng lý ra sự giám sát phải cực kỳ chặt chẽ, cơ hội cho những sai lầm dù nhỏ là rất thấp. Nhưng đằng này, có làm thì khắc có ăn rồi, có giám sát là sẽ có lương đấy; vậy thì khi gây tai nạn ai sẽ là người chịu trách nghiệm đây! Vẫn lại bỏ ngỏ thôi, có vẻ như người dân họ đã quen rồi.
Qua đây cũng thấy rằng, việc có quá nhiều các cơ quan cùng quản trị một vấn đề thực sự đã gây chồng chéo, dẫm đạp lên nhau trong công tác, lãng phí ngân sách và trốn tránh trách nghiệm khi xảy ra sai lầm, sơ sót.
Mùa mưa bão mới đi qua được một nửa con đường của nó, liệu sẽ còn bao nhiêu nạn nhân vô tội phải chịu những cái chết tức tưởi oan khiên tương tự? Liệu sẽ còn bao nhiêu gia đình phải gánh những nỗi đau mất người thân tột cùng. Mùa này đi qua, còn những mùa sau, mùa sau nữa và mỗi mùa ấy không biết còn có cái miệng tử thần nào nữa không!
Thịnh Trần
No comments:
Post a Comment