Mẹ tôi, em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng,
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ,
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!
Thơ Quang Dũng nói về thảm họa chiến tranh. Nhưng chiến tranh đã dứt,
hình ảnh quê hương vẫn vậy. Nước ngập đồng, cuốn trôi nhà cửa, ruộng
vườn. Xác người lẫn với xác gia súc trôi lềnh bềnh trên sông. Những hình
ảnh bi thảm không dám nhìn lâu. Bao nhiêu người chết? Có ai đếm xác,
làm thống kê những người chết ở VN. Và thống kê kiểu Việt Nam, ai tin
nổi?
Ở một nước bình thường, nhà nước đã công bố quốc tang và đặt các địa
phương bão lụt vào tình trạng khẩn cấp, dồn mọi năng lực quốc gia vào
việc cứu trợ và phòng ngừa.
Ở VN, chuyện đầu tiên của các quan chức là phủi tay, trốn tránh trách
nhiệm. Như ông chi cục trưởng Cục đê điều thành phố Hà Nội, Đỗ Đức
Thịnh: “Dân mình nói là có vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là
có vỡ đê nhưng vỡ đê có kế hoạch, chứ không phải bất ngờ”. Ông chi cục
trưởng không nói hay không biết, rằng kế hoạch hữu hiệu nhất để vỡ đê là
đốn hết cây, phá hết rừng để không còn gì cản nước lũ. Cũng như cách
hữu hiệu nhất để tạo ngập lụt tới cổ trong thành phố, là xây nhà bừa
bãi, nhất là các cao ốc, dinh thự, khách sạn lớn không theo một kế hoạch
địa ốc nào, ngoài kế hoạch làm giầu. Nền nhà bằng xi măng cốt sắt, cắm
sâu dưới đất, chặn các mạch nước, khiến nước bị ứ đọng, tràn lên mặt
đường. Không ngập lụt mới là một phép lạ. Dân lãnh đủ, nhà nước oán
trách “trời làm mua lụt mỗi năm”.
Còn một kế hoạch khác, dã man hơn: người bạn Trung Quốc xả nước lũ.
Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng Lào Cai cho
biết: “nguyên nhân lụt lội là do phía thượng, người Trung Quốc thông báo
có xả lũ do mưa lớn những ngày qua. Vị trí xả lũ cách thành phố Lào Cai
khoảng 100 km với lưu lượng xả lũ 25 ngàn mét khối mỗi giây khiến nước
lũ dâng cao bất ngờ, cuốn trôi nhà cửa, ruộng đồng”.
Cứu trợ vô kế hoạch
Tai họa theo kế hoạch nhưng phòng ngừa vô kế hoạch. Ở những nước
khác, người ta thông báo từng giờ, tổ chức di tản để không có người chết
hay số thiệt hại nhân mạng rất nhỏ. Ở VN, đừng mơ tưởng chuyện phòng
ngừa đại quy mô.
Các đài khí tượng làm việc tắc trách, lấy lệ. Chính báo chí “lề phải”
than phiền những tin tức khí tượng “nói vậy nhưng không phải vậy”, loan
báo hết bão nhưng bão gia tăng, nước xuống trong khi nước dâng ngập
đồng cuốn trôi nhà cửa. Nhiều nơi, dân chúng không tin các đài khí tượng
nhà nước nữa, chỉ ngóng cổ trông chờ tin tức các “đài” khí tượng tư
nhân, do dân lập ra với những phương thiện thô sơ để giúp nhau, để cứu
nhau.
Tai họa có kế hoạch. Cứu trợ là vô kế hoạch. Các bà cán bộ mặc váy,
bắt tùy tùng kéo bè đi thăm dân khi nước chỉ tới mắt cá chân, giải thích
bởi vì đi gấp quá, không kịp thay quần áo. Những câu ngớ ngẩn đã nghe
hàng trăm lần, có thể cười chơi vài phút nếu không liên hệ đến tai họa
bi thảm của hàng chục hàng trăm ngàn người.
Phải làm gì, ngoài việc than khóc và phẫn nộ? Cứu trợ? Đồng bào trong
nước và hải ngoại sẵn sàng… Ai cầm được nước mắt trước cảnh xác trẻ
trôi sông? Nhưng có gì bảo đảm là tiền cứu trợ đến tay đồng bào nạn nhân
hay lại giúp mafia đỏ xây thêm cao ốc, dinh thự? Bế tắc. Vấn nạn gì của
Việt Nam cũng bế tắc. Như nước cống rãnh trong các thành phố Việt Nam.
Từ Thức
No comments:
Post a Comment