Kính thưa quý thính giả, Hôm nay Thứ Bảy ngày 7 tháng 10 năm 2017, nhằm
ngày 18 tháng 8 năm Đinh Dậu, chỉ còn 2 ngày nữa là húy nhật của đức
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đã 3 lần anh dũng, liệt oanh phá
tan các đạo quân Nguyên – Mông xâm lược, mở thêm trang sử hào hùng sau
các triều đại huy hoàng và hiển hách của thời Lê, Lý. Thứ Ba ngày
8/10/2017, nhằm ngày 21 tháng 8 là ngày giỗ đức Lê Lai, một tướng lãnh
của đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn và là người đã hy sinh thân mình cứu
chủ tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh. Và Thứ Tư ngày
9/10/2017, nhằm ngày 22 tháng 8 là ngày giỗ đức Bình Định Vương Lê Lợi,
một nông dân áo vải phất cờ khởi nghĩa tại vùng đất Lũng Nhai, chiến đấu
hơn 10 năm mới chấm dứt 20 năm cai trị của giặc ngoại xâm phương Bắc.
Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý
thính giả bài “Ba ngày lễ lớn” của Việt Thái, qua giọng đọc của Minh
Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
*****
Con dân Việt vẫn thường nhắc đến Đức Thánh Trần, Đức Lê Lai, Đức Lê Lợi, đặc biệt là nếu đã sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa thì phải biết đến 3 ngày lễ lớn tưởng nhớ công ơn của Đức Trần Hưng Đạo, Đức Lê Lai và Đức Lê Lợi, 3 vị anh hùng đã lãnh đạo dân quân nước Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm, khôi phục nền độc lập tự chủ cho dân tộc vào thế kỷ 13 và thế kỷ 15.
Nhưng con dân Việt không chỉ tưởng niệm 3 vị tiền nhân đáng kính nói trên, mà còn là tưởng niệm đến các thế hệ nhà Trần, nhà Hậu Lê, những người đã hy sinh xương máu gìn giữ giang sơn Đại Việt khỏi bị mất về tay giặc ngoại xâm phương Bắc.
Chính vì thế mà gần một ngàn năm qua, các bậc tiền nhân luôn dặn dò con cháu phải thờ phượng và làm lễ giỗ các đấng minh quân, văn thần võ thánh nói trên. Bổn phận này đã được giao truyền đến thế hệ chúng ta, trong lúc đạo đức bị suy đồi và Việt Nam có nguy cơ bị Bắc thuộc thêm một lần nữa.
Hơn thế nữa, các buổi lễ này không chỉ nhằm một ý nghĩa duy nhất là tưởng niệm công đức cao dầy của tiền nhân mà là cơ hội để con dân Việt nhìn lại truyền thống anh dũng và quật cường của giòng giống Tiên Rồng trước khí thế hung hãn của quân Nguyên – Mông vào thế kỷ thứ 13. Trong khi nhiều quốc gia từ Á sang Âu bị vó ngựa Mông Cổ biến thành bình địa thì dân quân Đại Việt, đã thể hiện quyết tâm chiến đấu, với 2 Hội nghị nổi tiếng là Bình Than và Diên Hồng, và đã đánh bại giặc Mông Cổ không chỉ một lần mà đến 3 lần, với các chiến thắng lẫy lừng được ghi vào quân sử như Chương Dương, Vạn Kiếp, Hàm Tử Quan và Bạch Đằng Giang.
Hiển hách hơn, là trong khi nước Tàu bị sắc dân Mông Cổ thống trị hơn 100 năm thì nước Đại Việt lại hoàn toàn tự chủ và an lạc gần 200 năm sau đó, cho đến khi triều Trần suy tàn, bị nhà Minh xua quân xâm chiếm và lập nền đô hộ vào thế kỷ 15.
Lịch sử một lần nữa, ghi thêm truyền thống bất khuất của dân tộc Việt dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải đất Lam Sơn, tức Bình Định Vương Lê Lợi. Chỉ trong vòng 10 năm, quân dân Đại Việt đã đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, lập nên thời kỳ tự chủ mới cho dân tộc, kéo dài hơn 150 năm sau đó.
Chính vì thế con dân Việt khắp nơi, ngoài việc ghi nhớ tinh thần hy sinh của thế hệ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và thế hệ Bình Định Vương Lê Lợi, cũng dành một phút lắng tâm để nhìn về tình hình đất nước hiện nay. Rất nhiều ngư dân Việt bị giặc Tàu bắn giết ở Biển Đông, xã hội Việt Nam bị băng hoại, đạo đức suy đồi, hầu hết người dân đang sống trong cảnh lầm than là sự thật đã phơi bày, và quan trọng nhất là một nền Bắc thuộc mới đã hình thành dưới sự tiếp tay của đảng cộng sản VN. Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu giòng giống Tiên Rồng có vượt qua được tình thế hiểm nghèo hay không?
Câu trả lời chắc chắn là có thể. Lý do, là vì dòng máu bất khuất của dân tộc Việt vẫn chưa cạn hẳn. Các biến động trong thời gian vừa qua cho thấy truyền thống chống ngoại xâm phương Bắc vẫn nằm sâu trong tiềm thức của con dân Việt. Và đúng như trong Bình Ngô Đại Cáo mà đức Nguyễn Trải đã viết, “thế nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng hào kiệt thời nào cũng có”, nhiều cá nhân và tập thể đấu tranh xuất hiện ngày càng nhiều, đang mang lại ánh sáng cuối đường hầm cho dân tộc trong cuộc đấu tranh giải trừ cộng sản, quang phục quê hương.
Lịch sử mai sau chắc chắn sẽ vinh danh họ, những công dân áo vải đang “đáp lời sông núi” để đứng lên “phá cường địch”, giữ vững mảnh sơn hà xã tắc mà tiền nhân Việt đã phải đổ biết bao xương máu để dựng nước và giữ nước gần 5 ngàn năm qua!
Nhưng việc giải trừ chế độ cộng sản đến nhanh hay đến chậm, sẽ tùy thuộc vào nỗ lực đóng góp của thế hệ con cháu Hưng Đạo Vương và Bình Định Vương hôm nay, trong đó có chúng ta, những người đang thao thức cho vận mệnh của đất nước trước sự nhu nhược và hèn hạ của tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Xin cầu nguyện đức Quốc Tổ, các đấng Minh Quân, Văn Thần Võ Thánh, phù trợ độ trì cho nước Việt sớm trở lại thời kỳ tự chủ, để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.
No comments:
Post a Comment