Doanh nghiệp “sốc nặng” về quy định mới cho phí Bảo hiểm xã hội
Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, thì từ ngày 1/1/2018, mức đóng Bảo hiểm Xã hội bắt buộc các doanh nghiệp sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Trong khi các doanh nghiệp còn chưa hết bị “sốc” bởi mức đóng Bảo hiểm Xã hội hiện nay là 34%, thì kể từ năm 2018, các doanh nghiệp lại phải đóng tăng thêm chi phí theo quy định mới nữa. Như vậy, chi phí của các doanh nghiệp sẽ “phình to”, khiến tình trạng mất việc của giới công nhân có thể sẽ gia tăng.
Theo nhiều nhà kinh doanh, quy định trên sẽ khiến các doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh, suy giảm lợi nhuận; đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ và trung bình thì không thể chống đỡ nổi có thể sẽ phải “chết”. Một số doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ phải chuyển địa điểm đầu tư sang quốc gia khác. Cuối cùng chính người lao động sẽ là đối tượng chịu hậu quả tai hại từ việc cắt giảm lao động của các doanh nghiệp, và cũng đồng thời tạo thêm các vấn đề an sinh xã hội khác.
Hơn 150 trẻ Việt Nam tại Anh quốc lại mất tích sau khi được cứu khỏi giới buôn người
Theo một số tổ chức từ thiện tại Anh Quốc, thì ngày 13/10 vừa qua, cả trăm thiếu niên Việt Nam từng được giải cứu khỏi tay những kẻ buôn người, đã biến mất khỏi các cơ quan chăm sóc, nơi các em được gởi đến. Rất có thể, nhiều em đã bị bắt lại làm nô lệ. Theo báo Times, kể từ năm 2015, hơn 150 thiếu niên Việt Nam tại Anh đã mất tích hẳn khỏi các nơi tạm trú, và gần 90 em khác ở trong diện tạm thời mất tích. Theo ủy ban độc lập chống lạm dụng nô lệ của Anh thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia có nhiều nạn nhân nhất bị rơi vào tay của các mạng lưới buôn nô lệ hiện đại, trong số đó, hơn một nửa là trẻ vị thành niên. Các nạn nhân thường bị bóc lột sức lao động, như trồng cần sa hoặc làm việc trong các tiệm làm móng tay.
Cháy rừng tại Bắc California làm 34 người tử nạn
Một vụ cháy rừng lịch sử gồm rất nhiều đám cháy khác nhau hoành hành tại 8 quận hạt ở phía Bắc tiểu bang California từ đầu tuần vừa qua, đến nay vẫn chưa hoàn toàn dập tắt được. Theo lực lượng cứu hỏa ở California thì cho đến thứ sáu 13/10 vừa qua, số người chết do vụ hỏa hoạn đã lên tới 34 người, và hơn 250 người bị mất tích. Vụ cháy rừng này đã hủy hoại hơn 3.500 ngôi nhà trên diện tích rộng hơn 68.800 hecta khiến 25.000 người phải di tản. Những nỗ lực dập lửa tuy đã có kết quả, nhưng ở phía nam của đám cháy, những cơn gió khô và nóng rất dễ làm hỏa hoạn bùng phát trở lại. Chính quyền địa phương hiện bắt đầu dự định đưa 25.000 người trở lại nhà. Đây là đợt cháy rừng gây nhiều thương vong nhất ở California kể từ năm 1933 với 29 người chết ở Griffith Park, Los Angeles.
Bắc Hàn đang chuẩn bị bắn hỏa tiễn
Nhật báo Donga Ilbo ấn hành tại Seoul – Nam Hàn số ra ngày 14/10/2017 cho biết Bắc Hàn đang dự trù bắn hỏa tiễn vào thời điểm Hoa Kỳ và Nam Hàn tập trận chung từ ngày 16 đến 26/10/2017. Vì thế, Hoa Kỳ và Nam Hàn lo ngại Bắc Hàn sẽ thử loại hỏa tiễn liên lục địa Hwasong 14 hay 12, có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ như vùng Alaska hay đảo Guam trong khu vực Thái Bình Dương. Tờ báo trên còn nêu một khả năng thứ ba, đó là Bắc Hàn sẽ thử nghiệm hỏa tiễn tầm trung Hwasong-13, có thể bắn sang tới bờ Tây nước Mỹ.
Trước tình trạng căng thẳng đó, ngày 13/10, lực lượng Không Quân Mỹ trong vùng Thái Bình Dương cho biết họ đã điều động nhiều loại máy bay trực thăng, chiến đấu cơ đến Seoul để dự triển lãm hàng không, tổ chức tại Nam Hàn từ ngày 17 đến 22/10/2017.
Các cường quốc lo ngại cho hiệp định hạt nhân Iran vừa bị Tổng thống Mỹ đe dọa
Ngày 13/10, trong bài phát biểu khoảng 20 phút, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối không chứng nhận với quốc hội là Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015 dưới thời cựu Tổng thống Obama. Ông cho rằng đó là một thỏa thuận «tệ hại nhất» mà Washington từng ký kết với một nước ngoài. Cũng trong bài phát biểu này, ông Trump dành cho chính quyền Iran những lời lẽ gay gắt nhất và đề nghị phải có những trừng phạt mới. Sau bài phát biểu này của ông Trump, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các cường quốc đã từng kết ước với Iran, tất cả đều bày tỏ thái độ quan ngại, và hy vọng rằng văn kiện quốc tế đã dày công thương thuyết nhằm ngăn chặn việc Iran sở hữu bom nguyên tử này sẽ được duy trì. Trái với lập trường của ông Trump, Liên Hiệp Quốc cũng như các quốc gia khác đã khẳng định rằng Iran hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận đã được Iran và cộng đồng quốc tế thông qua năm 2015.
Tuy nhiên, khi cần đưa ra một quyết định, ông Trump lại đùn đẩy trách nhiệm cho Quốc Hội, và Quốc hội Hoa Kỳ có 60 ngày để quyết định xem có đề xuất những biện pháp mới để trừng phạt Iran hay không.
Nga không ngần ngại tố cáo ông Trump đã tự cô lập Hoa Kỳ. Còn Iran thì phản ứng dữ dội. Tổng thống Iran là Hassan Rohani cho rằng Hoa Kỳ đã bị cô lập do thái độ chống Iran.
Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu Hội Đồng Bảo An áp lực Miến Điện
Ngày 13/10 vừa qua, trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với tư cách chủ tịch ủy ban bảo vệ quyền của người Hồi Giáo Rohingya, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc gia tăng áp lực với chính quyền Miến Điện để người tị nạn Rohingya tại Bangladesh sớm được trở về nguyên quán, chấm dứt khủng hoảng nhân đạo. Ngoài ra, ông Annan còn yêu cầu quốc tế công nhận quy chế của người Rohingya và công nhận quyền được trở về nguyên quán của họ. Quốc tế không thể để người tị nạn Rohingya sống mãi trong các trại tạm cư ở Bangladesh.
Một người Pháp được bầu làm tổng giám đốc UNESCO
Thứ sáu 13/10, bà Audrey Azoulay, 45 tuổi, cựu tổng giám đốc Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia Pháp, cựu bộ trưởng văn hóa Pháp, đã được bầu làm Tổng giám đốc UNESCO. Tại vòng cuối cùng cuộc bỏ phiếu, ứng cử viên Azoulay đã giành được 30/58 phiếu, chiến thắng sít sao trước đối thủ người Qatar được 28 phiếu còn lại. Tuy nhiên, việc lựa chọn bà Azoulay sẽ phải chờ Đại Hội Đồng các quốc gia thành viên UNESCO, họp lại ngày 10/11/2017 tới đây, thông qua.
Việc bà Azoulay, gốc Do Thái, được bầu làm tổng giám đốc UNESCO là một minh chứng thuyết phục, bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng UNESCO chủ trương bài Do Thái. Trước quyết định của Hoa Kỳ và Israel rời bỏ UNESCO hôm thứ năm 12/10, bà Azoulay lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên cần phải « tham gia », thay vì « rời bỏ » tổ chức này trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
No comments:
Post a Comment