Đứa em ở quê gọi điện thoại vào nói trong nghẹn ngào… “anh ơi vỡ đê, mất hết rồi, mất hết thực sự rồi”. Tôi lặng người, có cái gì đó nhói đau tột độ. Quê tôi, Thanh Hoá thực sự tan hoang vì mưa lũ.
Mấy ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập những hình ảnh về tình hình mưa lũ ở các tỉnh Thanh Hoá, Yên Bái, Hoà Bình. Tính đến thời điểm hiện tại, Hoà Bình có 40 người chết, 22 người mất tích, Yên Bái có 20 người chết và mất tích, Thanh Hoá có 17 người chết và mất tích. Chưa dừng lại ở đó, con số thiệt hại về người tăng lên theo từng giờ, từng ngày. Còn thiệt hại về tài sản hiện chưa định được.
Nếu mùa mưa lũ năm ngoái, hình ảnh một con bò ở xóm Cồn Vang, xã Văn Hóa Tuyên Hóa, Quảng Bình, bị chìm trong nước lũ, chỉ còn lỗ mũi và đôi mắt gây xúc động mạnh thì năm nay là hình ảnh đàn lợn ngàn con chết nổi lềnh bềnh tại một trại lợn ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.
Có lẽ, khi xem clip 4 ngàn con lợn bơi loay hoay trong nước lũ một cách tuyệt vọng, bất kỳ ai cũng không nén nỗi chua xót. Tiếng kêu thất thanh nghe đến rợn người. Với người nông dân nuôi lợn, đây là cơn ác mộng. Đầu năm nuôi lợn, giá thấp “lỗ”, trại lợn mới xây cả vài trăm triệu đồng, bỏ không đành, vay tiền ngân hàng đầu tư lại từ đầu với hi vọng “giá lợn tăng” để gạc lại ít vốn. Canh bạc thật mạo hiểm nhưng không có lựa chọn nào khác. Giờ thì lũ lụt tất cả trôi theo con nước, không xót sao được. Nước ngập khắp nơi, đến người còn không có chỗ mà trú ẩn thì nói gì đến gia súc.
Thiên tai triền miên, với những người nông dân, họ lấy gì để bù đắp cho những mất mát về kinh tế như vậy? Biết bao người, biết bao gia đình gom góp tích luỹ để rồi mưa lũ cuốn trôi tất cả? Lỗi tại ai, tại ông trời?
Yên Bái, tiếng kêu cứu tuyệt vọng của một đứa trẻ trong đêm tối, cây cầu sập bất ngờ, một phóng viên và ba người dân bị nước lũ cuốn trôi. Tại Hoà Bình, một trưởng xóm bị chôn vùi khi đi kêu gọi người dân chạy lũ, ba đứa con trở thành trẻ mồ côi bố; một vụ sạt lở vùi lấp bảy căn nhà và mười tám người. Ở Thanh Hoá, hai cán bộ biên phòng trên đường đi phòng chống lũ bị nước cuốn mất tích, gia súc, gia cầm chết la liệt.
Quê hương, đất nước vì đâu nên nỗi?
Đúng là đại hoạ, nhân tai rồi thiên tai cứ thay nhau tàn phá đất nước như thế này biết khi nào mới hết nghèo. Năm trước thì thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh huỷ diệt biển miền Trung. Mưa lũ cộng với việc thuỷ điện miền Trung xả lũ gây thiệt hại lớn cho người và của cải. Năm nay, bão số 10 tàn phá chưa kịp phục hồi, giờ lại đến mưa lũ càn quét. Ấy vậy, những người đứng đầu nhà nước vẫn cứ tự hào, nào là: thế nước đang lên; dân tộc ta đi không gì cản nổi; đất nước có bao giờ được như thế này…
Chúng ta thời ơ với chính trị, né tránh những vấn đề của đất nước vì nhầm tưởng chính trị không liên quan đến mình. Nhưng thực tế chính trị lại tác động đến hầu hết các mặt của đời sống kinh tế xã hội. Khi những cánh rừng bị chặt hạ, chúng ta im lặng. Khi những đập thuỷ điện được xây dựng chúng ta không phản đối. Hàng ngàn tỷ đồng xây tượng đài thay vì đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dân sinh chúng ta không ý kiến… Và chính lúc này đây, chúng ta đang phải trả giá cho sự im lặng đó.
Và hôm nay, chúng ta tiếp tục im lặng, trong tương lai cái giá phải trả sẽ còn đắt hơn.
Nói lại bảo mê tín, phản động, bôi nhọ, nói xấu. Nhưng vì trùng hợp nên không thể không suy nghĩ, Hội nghị trung ương 6 vừa kết thúc “tốt đẹp” thì thiên tai đã ập xuống đầu dân. Có phải do nghịch thiên nên mới có hoạ lớn như vậy? Ngẫm lại, Thanh Hoá, Yên Bái là bị nặng nhất. Không biết, cô hot girl xứ thanh Trần Vũ Quỳnh Anh đang ở nước ngoài, anh Quý giám đốc sở Yên Bái ở trong biệt phủ triệu đô có thấu cảm cho dân chúng?
Dương Ngạn
No comments:
Post a Comment