Thursday, December 5, 2013

Tin tức ngày thứ Năm, 05.12.2013

ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG TUYÊN BỐ TỪ BỎ ĐẢNG CSVN

Trong lời Tuyên Bố đề ngày 4/12/2013, ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố công khai ra khỏi đảng CSVN. Ông Lê Hiếu Đằng với hơn 40 năm tuổi đảng, vào tháng 8 vừa qua trong một bức thư mang tên "suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh" đã kêu gọi các đảng viên đảng csvn hãy bỏ đảng để thành lập đảng mới, trong bức thư này ông viết "Sau hơn 45 năm chiến đấu trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, với 45 tuổi Đảng, những trải nghiệm cay đắng mà tôi cùng nhiều bạn bè nữa trong phong trào học sinh sinh viên trước 1975 đã chịu đựng, thôi thúc tôi phải "thanh toán", "tính sổ" lại tất cả." Nguyên văn tuyên bố rời bỏ đảng csvn của ông Lê Hiếu Đằng như sau:
Tôi tên LÊ HIẾU ĐẰNG là ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VN, hơn 40 tuổi đảng. Nay tôi tuyên bố công khai ra khỏi đảng CSVN vì:
ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.
Tôi xin xác định đây là quyết định của tôi.
Ngày 04.12.2013

NGƯỜI DÂN YÊU CẦU THU HỒI TIỀN THAM NHŨNG ĐỂ TĂNG LƯƠNG

Cử tri khắp nơi trong nước đã yêu cầu quốc hội có biện pháp truy thu các khoản tiền tham nhũng để trang trải cho việc tăng mức lương tối thiểu.
Cần biết là theo kế hoạch được quốc hội CSVN thông qua, mức lương tối thiểu sẽ tăng trong năm tới, với tổng phí tổn là 65 ngàn tỷ đồng, tức hơn 3 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó, theo các báo cáo thì số tiền tham nhũng tại các tập đoàn quốc doanh lên đến 95 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ rưởi Mỹ kim.
Nhưng trả lời cho đề nghị này là một câu nói ngắn gói của các quan lãnh đạo: "Bộ tài chánh đang phối hợp với các bộ và cơ quan liên hệ để giải quyết".
Ngoài đề nghị nói trên, giới cử tri cũng nêu lên hàng loạt câu hỏi liên quan đến tệ nạn tham nhũng và khả năng bài trừ tham nhũng của nhà nước. Nhìn chung thì những câu hỏi và các câu trả lời không có gì mới vì được nêu lên suốt nhiều năm qua, và hầu như được lặp lại ở mỗi phiên họp quốc hội. Chẳng hạn như câu hỏi "ai là người chịu trách nhiệm về các vụ tham nhũng và làm ăn lỗ lã ở các tập đoàn nhà nước?", cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung.

BỘ TRƯỞNG CÔNG AN VN LÊN TIẾNG BÊNH VỰC CHO ĐÀN EM

Trong khi cả nước đều biết lực lượng cảnh sát giao thông là ổ tham nhũng lớn nhất nước, thì bộ trưởng công an Trần Đại Quang vào hôm qua phát biểu là giới cảnh sát giao thông làm việc cực nhọc nhưng tiền bồi dưỡng "chỉ đủ mua một cái bánh mì".
Lời phát biểu của ông Quang được đưa ra sau khi bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng ngỏ lời ngợi khen giới công an đã nộp cho công quỹ hơn 2000 tỷ đồng tiền phạt vạ giao thông trong tháng 11 vừa qua. Ông Thăng và ông Quang than thở là lực lượng này phải làm nhiều mà không được chi trả xứng đáng.
Ông Quang than vãn thêm là mỗi cảnh sát giao thông phải đảm trách 70 cây số đường phố mà tiền bồi dưỡng mỗi ca chỉ đủ mua thêm ổ bánh mì. Trong khi thực tế cho thấy là nhiều năm qua, rất nhiều người đã chạy chọt để được vào ngành cảnh sát giao thông. Nguyên thứ trưởng bộ công an là Lê Thế Tiệm trước đây từng than vãn là "không biết ngoài đường có gì mà công an nào cũng muốn chuyển sang ngành cảnh sát giao thông".

NHÀ NƯỚC VN LẠI HỨA HẸN CẮT GIẢM SỐ LƯỢNG CÔNG TY QUỐC DOANH

Phó thủ tướng VN Hoàng Trung Hải đưa ra lời hứa hẹn là đến năm 2020 sẽ chỉ còn 300 tập đoàn và công ty nhà nước, thay vì con số 1200 công ty như hiện nay.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN, ông Hải tuyên bố là đến năm 2015, sẽ chỉ còn 600 công ty quốc doanh và đến năm 2020 thì rút xuống còn 300 theo lộ trình đã được đề ra. Ông Hải biện hộ cho tiến trình tư hữu hóa chậm chạp là vì sự khủng hoảng kinh tế của thế giới.
Cần nói thêm là bất chấp sự thúc giục của giới chuyên gia và các định chế tài chánh thế giới, nhà cầm quyền VN vẫn do dự trong việc giải thể các công ty làm ăn thua lỗ. Năm 2012, chỉ có 34 công ty quốc doanh được tư hữu hóa, trong khi mục tiêu của năm nay là 175 công ty thì chỉ có 100 công ty được bán cho tư nhân.

ĐƯỜNG PHỐ Ở SÀI GÒN SẼ NGẬP LỤT THƯỜNG XUYÊN HƠN

Vào hôm qua và hôm nay, nhiều tuyến đường quan trọng ở Sài Gòn đã biến thành sông lạch, gây tê liệt giao thông ở nhiều nơi, mà nguyên nhân chính yếu theo giới báo chí trong nước là vì mực thủy triều dâng cao, đạt mức kỷ lục kể từ 61 năm qua.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Giám, phó giám đốc đài khí tượng miền nam, thì mực thủy triều cao hay thấp không chỉ tùy thuộc vào lượng mưa mà còn có thêm lưu lượng xả lũ từ các hồ đập ở thượng nguồn. Và nếu như trước đây, tình trạng thủy triều dâng gây ngập lụt đường phố ở Sài Gòn là hiện tượng hiếm hoi thì nay đã trở thành chuyện thường ngày.
Tưởng cũng nên nói thêm là hàng chục tỷ Mỹ kim được chi ra cho các dự án thoát nước, nạo vét sông lạch và hệ thống đê điều ở Sài Gòn từ hai chục năm qua, nhưng càng xây thì càng ngập nhiều hơn.

No comments:

Post a Comment