Thứ Hai 16.12.2013
Bạo quyền CSVN đã và đang vùi dập
biết bao cuộc đời của những người bất đồng chính kiến nhất là những
người đã vạch trần bộ mặt thật của chúng.Trong tiết mục Chuyện Nước Non
Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Tưởng Năng Tiến
có tựa đề: " Vụ án Nguyễn Hữu Đang và Lê Công Định " sẽ được Tâm Anh và
Nguyên Khải trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Bài này đề cập tới mối liên hệ giữa vụ án Nhân Văn Giai Phẩm hơn 40 năm trước và vụ án Lê Công Định hôm nay...
Cuối thập niên sáu mươi, khi mà chế độ Đệ I Cộng hoà ở miền Nam bắt
đầu có tai tiếng về tính chất độc tài thì dân làng nhậu hay truyền tai
nhau chuyện này:
Có một ông lớn hầm hầm chạy vô ty cảnh sát Lê Văn Ken, lôi một phụ nữ ra khỏi xe, nói như hét:
"Mấy anh điều tra vụ này liền cho tui."
Vài tiếng sau, ông nhận được điện thoại. Đầu dây bên kia, giọng một nhân viên cảnh sát (nghe) có vẻ rụt rè:
"Dạ thưa ông con mẹ nhận tội rồi."
"Tội gì?"
"Cộng sản nằm vùng."
"Ý trời, tui biểu mấy anh điều tra về vụ khác. Nó ở nhà tui, và vợ tui mới mất cái hột xoàn, tìm hoài không ra, hiểu chưa?"
Chuyện giễu này được kể ở tất cả các quán nhậu của miền Nam và nghe
xong thì dân chúng "ở vùng địch tạm chiếm" đều bò lăn bò càng ra cười
mệt nghỉ. Người Việt quả là thích cười đùa. Điều đáng tiếc là không phải
lúc nào và ở đâu họ cũng có cơ hội cười cợt thoải mái, hả hê như vậy.
Cùng thời điểm này, ở bên kia vĩ tuyến cũng có một chuyện giễu cợt
hơn nhiều nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng ai cười, cười thầm hay
cười lén chắc cũng không luôn. Và câu chuyện này - thay vì chỉ để kể
quanh bàn nhậu, cho vui - đã được báo chí miền Bắc đồng loạt loan tin
"vụ xử án gián điệp ở Toà án Nhân dân Hà Nội" cùng với những lời kết án
vừa hàm hồ, vừa đanh thép, nghe cứ y như thiệt vậy.
Báo Quân đội nhân dân ( ngày 21/01/1960):
"Ta hãy nghe Đang cung khai trước Tòa án: Tôi đã gây hoài nghi đối
với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tôi đã cổ động cho những xu hướng
chính trị phản động. Tôi đã thổi phồng hoặc xuyên tạc bịa đặt ra những
khuyết điểm để nói xấu Chính phủ và những cơ quan Nhà nước".
Báo Văn học (ngày 05/02/1960):
"Nguyễn Hữu Đang thú nhận: "Tư tưởng của chúng tôi là phản động nên
chúng tôi ra tờ báo Nhân văn để chống đối lãnh đạo, kích động quần chúng
làm áp lực đấu tranh".
Ngoài báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang còn dùng nhà xuất bản Minh Đức
làm một công cụ để chống cách mạng. Y cung khai: "Tôi đã biến nhà xuất
bản Minh Đức thành một công cụ chống lãnh đạo." Nguyễn Hữu Đang và Thụy
An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau
khi hết hạn giam".
Cớ sao mà "cách mạng" lại "chiếu cố" đến Nguyễn Hữu Đang tận tình (và
tuyệt tình) tới cỡ đó ? Một trong những nguyên do, có thể nhìn thấy
được, là vì ông đã không chịu chấp nhận điều mà ông gọi là sự "xộc xệch"
trong hiến pháp của nước CHXHCNVN.
Trên Nhân văn số 4, số ra ngày 5.11.1956, Nguyễn Hữu Đang còn trót dại lật cái mặt nạ đang đeo của Đảng CSVN:
"Hoà bình lập lại đã hai năm, dù cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất
đất nước có phức tạp, gay go thế nào thì cũng không thể coi miền Bắc như
ở một hoàn cảnh bất thường để duy trì mãi tình trạng thiếu một nền pháp
trị hẳn hoi..."
Ông đã bị mang đi chôn sống bằng bản án mười lăm năm tù, và vùi dập
cho đến chết chỉ vì lên tiếng đòi hỏi một thể chế pháp trị "chính qui"
như vậy.
Năm mươi năm sau, khi 'Bàn Về Chính Danh Trong Thể Chế Pháp Trị", một
công dân Việt Nam khác - ông Lê Công Định - cũng đã phạm phải một lỗi
lầm chí tử tương tự khi đã chỉ ra cho mọi người thấy "mặt thật" của
những kẻ đang nắm quyền bính tại xứ sở này:
"Không cần phải chờ đến kết quả 'bầu cử' vào ngày 26 và 27 tháng
6/2006 vừa qua tại Quốc hội, ngay từ lúc bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản
Việt Nam lần thứ 10, ai cũng biết Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ đảm nhận
những chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ."
"Dư luận không hề ngạc nhiên khi biết các ông Nguyễn Phú Trọng,
Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng lần lượt được 'tấn phong' vào những
vị trí then chốt đó."....
"Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những
quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế
do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần nữa cho
thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính
trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là 'đảng trị',
chứ không phải 'pháp trị'.
Lê Công Định đã bị bắt giữ. Tất cả các cơ quan truyền thông của nước
CHXHCNVN đều đồng loạt đưa tin là ông đã... nhận tội (rồi) cùng với
những lời kết án vừa hàm hồ, vừa đanh thép - như họ đã từng dùng để nhục
mạ Nguyễn Hữu Đang, năm mươi năm trước.
Trí nhớ của những người làm báo ở Việt Nam, xem chừng, không được
tốt; hoặc giả, tâm địa của họ hơi bị xấu. Còn giới lãnh đạo của xứ sở
này thì rõ ràng là kém cỏi cả hai: về tâm địa cũng như ký ức.
Với tất cả quyền lực trong tay thì có khó khăn gì trong chuyện bắt
một người đem giam, ép họ phải nhận tội để xin khoan hồng, rồi mang rêu
rao một cách hể hả trên mọi phương tiện truyền thông.
Cứ theo lời kể của nhà thơ Phùng Quán thì Hà Nội là nơi:
Chín người - mười cuộc đời rạn vỡ.
Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy...
Nguyễn Hữu Đang chỉ là một trong vô số những nạn nhân mà "cuộc đời
rạn vỡ," trong thời gian hơn năm mươi mà những người cộng sản nắm được
quyền bính ở Việt Nam. Xin đừng ai ảo tưởng rằng nhà đương cuộc Hà Nội
lại sẽ có thể tiếp tục gây những tội ác tương tự lên cuộc đời của Lê
Công Định. Thời thế đã đổi. Gió đã chuyển rồi. Hãy để dành "những lời
thú tội" và "xin khoan hồng" cho những phiên toà sắp tới, khi mà những
kẻ tội phạm đích thực của cả dân tộc Việt sẽ bị mang ra xét xử - trong
tương lai rất gần thôi.
Tưởng Năng Tiến
No comments:
Post a Comment